Ngày 17/7, lãnh đạo UBND huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum) thông tin, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Diên Bình đã có văn bản báo cáo giải trình liên quan đến việc bị lừa 4,6 tỷ đồng.
Sáng cùng ngày, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Lĩnh cho biết: "Sự việc như thế nào thì tôi đã làm báo cáo ghi rõ nội dung gửi tổ chức như thế. Hiện tại, tôi vẫn liên hệ bình thường với nhân viên chăm sóc khách hàng của GUM, số tiền đóng vào chưa mất. Hiện nay, tôi đã nhờ người thân, bạn bè ở bên Nga đến làm việc trực tiếp với Trung tâm thương mại GUM. Họ yêu cầu làm các thủ tục hồ sơ cần thiết để rút lại số tiền đã đầu tư. Tôi nghĩ rằng, mình sẽ sớm lấy lại được số tiền đã bỏ ra".
Theo báo cáo giải trình của ông Lĩnh, ông tự tìm hiểu và được giới thiệu thì biết Trung tâm thương mại GUM (GUM, tại nước Nga) có những sản phẩm điện tử chưa ai phân phối, nếu đứng ra phân phối thì lợi nhuận cao, tạo việc làm và thu nhập cho người thân.
Ông Lĩnh được nhân viên chăm sóc khách hàng của GUM tư vấn rằng, muốn làm đại lý phân phối sản phẩm điện tử thì phải có một khoản tiền đặt cọc làm thành viên. Ông Lĩnh đã bàn bạc với người thân, thấy hợp lý nên thống nhất cùng nhau góp vốn để tham gia.
Các thành viên trong gia đình đã giao cho ông Lĩnh đứng ra ký hợp đồng qua mạng, làm đầu mối giao dịch và đóng tiền để làm đại lý phân phối với GUM.
Tổng số tiền đã đóng góp vào GUM là khoảng 4,6 tỷ đồng. Trong đó, của vợ chồng ông Lĩnh 1,3 tỷ đồng, gia đình bên vợ 2 tỷ đồng và chị gái ông Lĩnh 1,3 tỷ đồng.
Trong quá trình hợp tác, ông Lĩnh đã 2 lần nhận được chiết khấu tổng cộng 3,1 triệu đồng. Sau đó, các thành viên bàn bạc thống nhất nâng cấp thành viên để được hưởng chiết khấu hằng ngày cao hơn.
Bà Trần Thanh Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Diên Bình cho biết: "Các hoạt động, công việc tại xã vẫn diễn ra bình thường. Ông Lĩnh - Chủ tịch UBND xã vẫn công tác bình thường, điều hành tốt các công việc tại cơ quan, sự việc không có gì ảnh hưởng đến đơn vị".
Trước đó, Người Đưa Tin đã thông tin, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Chủ tịch UBND xã Diên Bình, huyện Đắk Tô đã nộp hơn 4,6 tỷ đồng trong vòng hơn 1 tháng, để trở thành thành viên phân phối các sản phẩm điện tử của một trung tâm thương mại ở nước ngoài.
Sau khi được trả chiết khấu 2 lần (3,1 triệu đồng), ông Lĩnh không thu hồi lại được số tiền đã nộp.
Cụ thể, trong tháng 5/2024, thông qua ứng dụng messenger, ông Lĩnh quen một người tên Nguyễn Yến ở tỉnh Đắk Lắk được giới thiệu đang du học tại Nhật Bản. Sau đó, Yến rủ ông Lĩnh, làm thành viên phân phối cho các sản phẩm điện tử từ Gum (Trung tâm thương mại lớn ở nước Nga).
Ngày 20/5, ông Lĩnh nộp 500 USD vào tài khoản cá nhân tên Trần Văn Khanh để đăng ký làm thành viên phân phối. Sau đó, "đối tác" gửi các sản phẩm để ông L., phân phối (có phần mềm riêng). Ngày 21/5, ông Lĩnh được trả hơn 1,5 triệu đồng tiền chiết khấu.
Đến ngày 22/5, ông Lĩnh tiếp tục được trả hơn 1,5 triệu đồng. Sau đó, ông Lĩnh, đã nộp 52 triệu đồng để nâng cấp lên làm thành viên Gold. Ông Lĩnh được phân phối các sản phẩm có giá trị lớn nhưng kèm nhiều loại phí khác nhau, trong đó có phí xác minh thông tin rửa tiền là 30.000 USD.
Tổng cộng, ông Lĩnh đã nộp gần 10 lần, với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng. Khi muốn rút, họ yêu cầu nộp thêm các loại phí khác nhưng ông không rút được.
Thấy vậy, ông Lĩnh đã trình báo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Kon Tum về vụ việc.
Hồ Nam