Hồi tuần trước, chính trường nước Nga bỗng dậy sóng khi Thủ tướng Dmitry Medvedev đối mặt với cáo buộc tham nhũng từ tổ chức chống tham nhũng của Aleksey Anatolyevich Navalny - người đang có tham vọng tham gia tranh cử tổng thống Nga sắp tới.
Navalny cáo buộc ông Medvedev và gia đình có nhiều căn hộ sang trọng được xây dựng ở Nga và nước ngoài. Hơn nữa, sở hữu du thuyền đắt tiền, nhiều biệt thự và sân vườn ở trong và ngoài nước. Tất cả số tài sản trên, theo Navalny, đều đăng ký quyền sở hữu dưới tên các công ty nước ngoài và các tổ chức từ thiện.
Để làm chắc chắn thêm lập luận của mình, quỹ Chống tham nhũng (FBK) của Navalny còn cung cấp các bức ảnh từ Instagram của ông Medvedev và những thước phim ghi lại hình ảnh được cho là biệt thự của Thủ tướng Nga.
FBK cho rằng, những tài sản bí mật trên ông Medvedev có được thông qua các mạng lưới từ thiện trá hình, trong đó cá nhân Thủ tướng Nga đã nhận được hàng tỷ rúp từ các doanh nhân và các khoản vay ngân hàng.
FBK tuyên bố, tổng tài sản của ông Medvedev rơi vào khoảng 70 tỷ rúp (khoảng 1 tỷ USD) và lớn tiếng cáo buộc "toàn bộ hệ thống chính trị nước Nga đã mục nát", đồng thời kêu gọi cử tri Nga ủng hộ Navalny trong cuộc bầu cử năm 2018.
Điện Kremlin đã ngay lập tức phản ứng và khẳng định cáo buộc trên là vô căn cứ, là động thái bôi xấu chính quyền.
“Các ứng cử viên tổng thống đang có những đòn tấn công chính trị rất mạnh vào các đối thủ của mình và điện Kremlin sẽ nghiêm túc đáp trả những cáo buộc sai trái", Ivan Tsvetkov, chuyên gia quan hệ Mỹ-Nga viết trên Russia Direct.
Ông Tsvetkov chỉ ra rằng các nhà chức trách Nga đã rất bình tĩnh trong việc bác bỏ những cáo buộc từ Navalny, và bản thân Thủ tướng Medvedev cũng không phải bận tâm với những cáo buộc chống lại ông.
Điện Kremlin cho biết, bản thân Navalny là nhân vật từng đối mặt với tòa án về tội danh tham nhũng từ cách đây vài năm. Do đó, cáo buộc có thể là một hành động "tuyên truyền chống chính phủ" nhằm kích động người dân để kiếm phiếu bầu và người Nga không cần quan tâm đến nó.
Nhiều nhà bình luận cho rằng, lập trường về chống tham nhũng của Navalny bị cô lập giữa dòng chảy chính trị nước Nga khi không có được sự tán thành từ các phe nhóm quyền lực khác.
Đồng thời, Navalny là người vốn hiềm khích với những quan điểm từ các nhóm đối lập, điều làm cản trở cơ hội của ông trong cuộc bầu cử năm 2018.
Do đó, cáo buộc của một người từng bị tố tham nhũng; một nhân vật chính trị bị cô lập như Navalny sẽ không thể mang đến sức nặng về dư luận để trở thành đòn đánh hiểm vào điện Kremlin, thậm chí nó còn làm phản tác dụng bằng việc tăng cường thêm vị thế của Tổng thống Putin cũng như bản thân Thủ tướng Medvedev.
Navalny sẽ khó có thể thuyết phục được người dân Nga bằng luân lý của mình mà ngược lại có thể làm uy tín và tầm ảnh hưởng của ông Putin và các cộng sự được củng cố trên chính trường nước Nga, bao gồm cả trong cuộc bầu cử năm 2018.
Đọc thêm>>> Jack Barsky - điệp viên KGB trong vỏ bọc cậu bé 10 tuổi
Quốc Vinh