Kỳ 2: Bao giờ chữa lành vết thương cho xã hội?

Kỳ 2: Bao giờ chữa lành vết thương cho xã hội?

Thứ 5, 27/12/2012 23:59

Có một sự thật ít được nhận biết, đó là khi phổ biến thông tin tội phạm là đã góp phần làm gia tăng nguy cơ phạm tội.

Thứ nhất: Khi thông tin về tội phạm, mô tả tội phạm, đồng nghĩa với phổ biến hình dung về tội phạm, phổ biến cách thức phạm tội, phổ biến tâm lý phạm tội.

Pháp luật - Kỳ 2: Bao giờ chữa lành vết thương cho xã hội?

Trong thực tế, tội phạm chỉ xảy ra trong một phạm vi hẹp. Nhưng khi được phổ biến, nhiều tầng lớp quần chúng với nhận thức, tâm lý khác nhau sẽ biết về sự việc phạm tội, người chưa biết cũng được phổ biến cho biết. Khi có hiểu biết về tội phạm, người ta có thể lên án đó là điều xấu xa, nhưng cũng có thể học hỏi làm theo tội phạm. Rất có thể trước khi phạm tội, Luyện đã bị ảnh hưởng bởi thông tin về các vụ bạo lực, giết chóc khác.

Thứ hai: Thông tin về tội phạm ảnh hưởng xấu tới tâm hồn con người. Cái xấu đâu phải cứ trương ra để bàn tán chê bai, ngược lại cái xấu cần giấu đi và lãng quên.

Tâm hồn con người khi mới sinh ra là trong sáng nhưng dần bụi mờ theo thời gian. Nếu thể xác là kết quả của những gì thể xác hấp thụ thì tinh thần cũng là kết quả của những gì mà tinh thần hấp thụ. Tâm hồn con người sẽ dần đen tối nếu thường xuyên bị vây quanh bởi những thông tin sự việc đen tối. Sống trong môi trường đen tối mà vẫn giữ được tâm hồn trong sáng, mấy ai làm được điều đó?

Chúng ta thấy hàng ngày các báo dày đặc thông tin về các vụ phạm tội, scandal của người nổi tiếng. Báo chí đưa những thông tin loại này biểu trưng cho điều gì? Thông điệp giá trị gì trao gởi tới quần chúng là gì? Sự phê phán lên án hay là tiếp tay cổ súy cho bạo lực và đồi trụy? Phổ biến cho các chuẩn mực giá trị hay là khơi dậy dục vọng bản năng con người? Yếu chuyên môn và thiếu trách nhiệm, làm gì cũng sẽ chỉ đem lại hệ quả xấu. Những thông tin loại này tràn ngập sẽ ảnh hưởng xấu tới tâm lý quần chúng, ảnh hưởng xấu tới lối sống của thanh thiếu niên - những người còn khó khăn trong việc kiềm chế dục vọng bản thân và hướng theo các khuôn thước chuẩn mực.

Thứ ba: Khi thông tin về tội phạm thì cũng cần thông tin về xử lý tội phạm

Một nội dung rất quan trọng là phải đưa tin về hình phạt đối với tội phạm, điều này sẽ chứng minh cho quần chúng thấy pháp luật được thực thi nghiêm minh, công lý được thực hiện. Thực tế cho thấy, báo chí chỉ làm tốt việc đưa tin về vụ án và truy tìm thủ phạm, việc xử lý tội phạm chỉ được quan tâm hời hợt. Như thế là thiếu sót dở dang trong việc định hướng, định hình cho tâm lý quần chúng trong việc thượng tôn pháp luật, bảo vệ công lý. Việc đưa tin về tội phạm rồi bỏ mặc quần chúng xử lý thông tin chẳng khác nào một người bày bừa ra mọi thứ, còn những người khác đi lo dọn dẹp. Cần thận trọng rằng, với một tinh thần trách nhiệm thấp thì việc phổ biến thông tin tội phạm cũng giống như hắt xô nước bẩn ra vườn, một việc làm vô thức nhưng vẫn khiến cho cỏ dại mọc lên.

Rõ ràng bên cạnh những bài báo đơn thuần là đưa tin, báo chí còn thiếu những bài viết phân tích sắc sảo, luận chứng sắc bén về vụ án để định hướng quần chúng hướng tới những giá trị chân thiện mỹ. Khi quần chúng bơ vơ ngơ ngác không hiểu tiếp theo là gì, nên phản ứng như thế nào thì khi đó cần có trách nhiệm của người lãnh đạo tinh thần.

Tóm lại, về việc đưa thông tin tội phạm, chúng ta cần phải làm tốt hơn việc phân loại báo chí, phân loại đối tượng bạn đọc và nâng cao năng lực phẩm chất của người làm báo. Chúng ta vẫn cần đưa tin về vụ án về ngôi sao nhưng cần điều tiết liều lượng sao cho phù hợp, không để tràn lan như hiện nay. Ngược lại người đọc báo cũng cần có trách nhiệm với chính mình bằng việc chọn lọc thông tin quan tâm. Người làm báo thì làm có trách nhiệm, người đọc báo cũng cần đọc có trách nhiệm.

Bao giờ kết thúc vụ Luyện?

Mặc dù tội trạng của Lê Văn Luyện đã rõ, nhưng theo quy định pháp luật hiện tại, có thể phải mất 3, 4 tháng nữa phiên tòa sơ thẩm mới được tổ chức, rồi 3, 4 tháng sau nữa mới có phiên tòa phúc thẩm kết thúc sự việc.

Vấn đề thời gian giải quyết vụ án (thuật ngữ pháp lý là thời hạn tố tụng) lâu nay vẫn được ít người quan tâm. Mọi người chỉ quan tâm tới việc truy tìm ra thủ phạm, khi đã bắt được tội phạm rồi thì việc xử lý tội phạm trước sau gì cũng thực hiện, cứ thong thả chờ đợi. Tâm lý chung là vậy.

Các cơ quan tiến hành tố tụng thường xuyên làm việc chậm chạp với lý do làm việc có trách nhiệm, làm việc thận trọng. Song họ đã bỏ mặc sự chờ đợi đau khổ của nhiều người và đã gây ra nhiều thiệt hại vô hình cho xã hội. Một điển hình của việc kéo dài thời gian tố tụng đó là vụ án giết người hiếp dâm cũng xảy ở Bắc Giang, bị cáo Hàn Đức Long bị truy tố về tội hiếp và giết cháu bé 6 tuổi mà người viết bài này trực tiếp bào chữa cho bị cáo. Vụ án có cơ sở oan sai rõ ràng nhưng đã kéo dài 6 năm rồi mà chưa biết đến bao giờ kết thúc. Trong suốt thời gian 6 năm đó, bị cáo và gia đình sống trong cảnh đọa đày.

Nếu coi việc xử lý tội phạm là công việc của bác sỹ chữa lành vết thương cho xã hội thì việc kéo dài thời gian tố tụng sẽ kéo dài nỗi đau cho nạn nhân, kể cả nạn nhân của tội phạm và nạn nhân của pháp luật (khi bị oan sai). Kéo dài thời gian tố tụng là một sự đọa đày đối với nạn nhân, như thế việc xử lý tội phạm sẽ mất đi ý nghĩa của việc hàn gắn vết thương, xoa dịu nỗi đau cho xã hội.

Đứng trước một vụ án mạng, tâm lý của bị hại là đòi hỏi sự trừng phạt, tâm lý của quần chúng là đòi hỏi thực thi công lý. Công lý được hiểu là sự đòi hỏi phải có người thực sự chịu đau khổ vì việc làm sai trái của họ. Việc trừng phạt tội phạm sẽ đem lại sự bình yên trong tâm hồn của bị hại vốn đã bị tổn thương do tội phạm gây ra. Khẩn trương mở phiên tòa xét xử sẽ giúp cho những người bị tổn thương được cất lên tiếng nói, khi thời gian chờ đợi kéo dài, những tiếng kêu gào công lý sẽ sớm biến thành những tiếng kêu than trả thù và bạo lực sẽ có môi trường dung dưỡng.

Mặt khác, nếu hình phạt là cái giá phải trả cho tội ác thì giao dịch cần được thực hiện ngay, bởi lẽ giá cả thì biến động theo thời gian. Người ta sẽ nhìn vào bằng ánh mắt ngờ vực đen tối khi bên ngoài là sự chờ đợi trong câm lặng đau khổ, phía trong cánh cửa là những tiếng xì xầm trao đổi giữa kẻ phạm tội và người thực thi công lý.

Việc kéo dài thời gian tố tụng cho thấy sự yếu kém của cán bộ tư pháp và gây ra những tổn hại vô hình cho xã hội. Đó là sự mất niềm tin vào luật pháp nghiêm minh, mất niềm tin vào công lý, đó là kéo dài trạng thái bất ổn của xã hội do có sự bất ổn trong tâm lý của một số người.

Cuối cùng, xã hội còn đang ngổn ngang những vấn đề cần giải quyết, nhưng chúng ta không thể giải quyết những vấn đề đó ở cấp độ của những suy nghĩ trước đây đã tạo ra chúng. Bởi lẽ đó, mỗi chúng ta cần nâng cao tầm vóc nhận thức của mình, làm việc bằng nhiệt tâm trách nhiệm, từ đó góp phần vào xây dựng một tương lai tốt đẹp cho Việt Nam.

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Phối hợp đưa tin trên chuyên mục. Chuyên mục Người đưa tin Luật sư có sự phối hợp, hợp tác của Công ty luật Kosy, địa chỉ: Số 59, Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội - Điện thoại: (04) 35 149 943 - Fax: (04). 35 149 943, và Công ty dịch vụ tư vấn Ka Long, địa chỉ: Phòng 3012 Tầng 3 - Tòa nhà 71 Nguyễn Chí Thanh - Đống Đa - Hà Nội; Tel: 04. 62513999 - Fax: 04. 62513999 - Hotline: 0903. 255 339 - Email: hanoi@klc.vn - Website: http://klc.vn.

Bài vở cho chuyên mục, xin vui lòng gửi đến email: luatsu@nguoiduatin.vn.


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.