Kỳ 2: Gái Bản Phố mất tích và nước mắt trai làng

Kỳ 2: Gái Bản Phố mất tích và nước mắt trai làng

Thứ 5, 27/12/2012 23:43

Năm nào cũng vậy, con số những người phụ nữ Bản Phố bỏ bản không rõ nguyên nhân ngày một gia tăng. Vợ mất tích, những người đàn ông H'Mông bơ vơ giữa căn nhà hoang dại với những đứa con thơ.

Nhiều người tìm đến hơi men, uống cho say để quên đi nỗi đau mất vợ và bỏ qua tai những lời đàm tiếu của dân làng. Thêm vào đó, những em gái cứ đến tuổi "trăng tròn" lại đột nhiên mất tích khiến những người cha phải bỏ việc trông con.

Pháp luật - Kỳ 2: Gái Bản Phố mất tích và nước mắt trai làng

Những cô gái trẻ đẹp ở Bản Phố thường có thể bị mất tích sau mỗi phiên chợ Bắc Hà

Những hòn Vọng thê trên đỉnh núi

Từ xa xưa, người ta chỉ nghĩ đến những người vợ chờ chồng đến hóa đá, trở thành hòn Vọng phu. Thế nhưng, ở Bản Phố, hàng trăm người chồng vẫn ôm con mỏi mòn chờ vợ. Những hòn Vọng thê cứ thế mọc lên cùng với những câu chuyện buồn sau lũy tre làng.

Người dân nơi đây bảo rằng, trai H'Mông không bao giờ khóc. Thế nhưng, quy luật ấy dường như bị phá vỡ từ khi những người "đầu ấp tay gối" của họ không còn chung sống. Đưa chúng tôi đi thăm những gia đình có phụ nữ mất tích, ông Lý Seo Plấu, trưởng Công an xã Bắc Hà chỉ tay lên trên cao của góc rừng: "Thằng Quảng thôn Phéc Bủng 2 đấy. Vợ nó bỏ đi hơn năm nay rồi. Chiều nào nó cũng xách rượu lên rừng ngồi chờ vợ. Cứ uống chán, uống say hắn lại bước thấp, bước cao về nhà...".

Tôi leo lên dốc núi nơi Quảng đang ngồi. Dù thấy người lạ nhưng Quảng vẫn rót thêm một chén rượu (ngày nào anh cũng đem một chai rượu và hai chiếc chén nhỏ lên núi uống chờ vợ về - PV) mời khách. Trong cơn say, Quảng bảo chẳng muốn làm gì nữa, "chỉ cần vợ về với ta thôi", Quảng bảo vậy.

Khi hỏi về vợ con, Quảng ngồi thần người và rót tiếp những chén rượu ngô đầy uống ừng ực. Uống xong, Quảng mếu máo: "Người ta bảo vợ ta sang Trung Quốc lấy chồng giàu rồi, giờ không còn khổ như trước. Trước đây, vợ chồng ta thương nhau lắm, chắc vợ ta nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu đi thôi. Rồi nó sẽ về, về với ta và con gái ta".

Vậy là hơn một năm nay, từ khi vợ Quảng mất tích không rõ nguyên nhân. Chính Quảng cũng không biết vợ mình sống chết thế nào. Kể từ đó đến nay, một mình anh làm nương rẫy, nuôi đứa con gái hơn bốn tuổi. Cứ thế, mỗi chiều sau khi làm nương rẫy xong, Quảng lại mang rượu lên một góc rừng ngồi ngóng vợ.

Khi nghe tin, có thể vợ mình đã "bị rủ" sang bên kia biên giới để tìm cuộc sống sung sướng hơn, không ít người đàn ông H'Mông tự trách cứ vợ, nhưng họ cũng trách mình, bởi thói quen "vợ làm, chồng rượu" dường như đã ăn sâu vào các gia đình.

Hoàn cảnh gia đình anh Vù Seo Lán càng xót xa khi mới cưới nhau được mấy tháng, anh đã mất vợ. Năm nay anh 23 tuổi nhưng khuôn mặt gầy còm, râu dài chẳng khác gì đã ngoài ngũ tuần. Vợ anh "bặt vô âm tín" đã hai năm nay. Căn nhà sàn hai gian trống trơ chỉ có vài chiếc ghế gỗ vứt lỏng chỏng. Trời đã về tối mà nhà chẳng thấy dấu hiệu gì của việc chuẩn bị cơm nước. Từ lúc vợ bỏ bản, bỏ chồng đi nơi khác, việc nương rẫy của Lán cũng thất thường, ăn cơm thì "bữa đực, bữa cái". Đến nay, nhà Lán vẫn thuộc diện nghèo đói trong xã.

Vào một phiên chợ cuối tuần, chị Li Thị L., thôn Phéc Bủng 1, xã Bản Phố, đã rời bỏ người chồng và hai cậu con trai của mình để đi tìm cuộc sống mới. L. kết hôn với anh Ma Seo Dế được 6 năm, lần lượt cho ra đời hai đứa con trai kháu khỉnh. Tuy nhiên, Dế không tu chí làm ăn, lao vào nghiện rượu và thường xuyên say xỉn. Mặc dù, được vợ nhiều lần khuyên can, nhưng anh không những chứng nào tật ấy mà còn thẳng tay đánh vợ. Sau mỗi trận đòn chí mạng đó, khát vọng được ra đi tìm cuộc sống mới đã lớn dần trong L.. L. đã từng bỏ nhà theo người lạ sang Trung Quốc, nhưng vì nhớ con, thương chồng, chị lại quay về. Thế rồi, chồng L. vẫn không thay đổi, nên đúng vào phiên chợ Chủ nhật đầu năm 2011, chị đã một lần nữa quyết tâm dứt áo ra đi không một lời nhắn gửi. Cứ thế, mỗi ngày trôi qua, Dế mỏi mòn ngóng chờ tin vợ.

Trường hợp của chị Vù Thị Sơ (SN 1984) ở thôn Quán Dín Ngài. Anh Vàng Seo Dùng (chồng chị) kể: "Một buổi chiều cuối năm 2009, tôi ở nhà trông con để Sơ ra chợ phiên bán ớt khô. Đến tối không thấy vợ về, tôi sốt ruột nhờ người đi tìm mà Sơ vẫn biệt tăm. Từ đấy, chẳng ai biết tin gì về Sơ nữa". Ôm giấc mộng tìm được vợ về, cứ mỗi lần đi chợ huyện là anh hỏi thăm người này, người kia xem có tin tức gì không. Suốt ba năm nay, chưa lúc nào anh quên được người vợ ấy. Trong cơn say, anh vẫn mơ màng hình ảnh vợ anh trở về bên hai bố con.

Pháp luật - Kỳ 2: Gái Bản Phố mất tích và nước mắt trai làng (Hình 2).

Anh Sùng Seo Phái, thôn Phéc Bủng 2 lo lắng khi em gái bị mất tích và anh cũng lo sợ vợ mình cũng bỏ đi

Canh con gái vì sợ mất tích

Bản Phố không chỉ nổi tiếng bởi thứ rượu ngô truyền thống mà giờ đây còn được nhiều người biết đến là địa phương có số phụ nữ bỏ nhà ra đi nhiều nhất tỉnh Lào Cai. Chỉ có hơn 600 gia đình nhưng xã Bản Phố đã có tới gần 100 phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương. Như vậy, ở Bản Phố trung bình cứ 7 gia đình thì lại có một phụ nữ bỏ đi, con số đó thực sự đáng báo động.

Liên tiếp những cô gái trẻ mất tích bí ẩn khiến người dân Bản Phố thêm hoang mang. "Cơn lốc mất tích" đang tàn phá dữ dội ở miền quê nghèo vùng biên, nhiều gia đình có con gái lớn phải cắt cử nhau trông nom vì sợ mất con. Điều đó cũng dễ hiểu, vì xã Bản Phố chính là nơi có nhiều phụ nữ đi khỏi địa phương đặc biệt của tỉnh Lào Cai.

Trong căn nhà nhỏ liêu xiêu nằm chênh vênh giữa sườn núi là gia đình anh Giàng Seo Liu, thôn Hán Dê liên tục nhắc đến người vợ đã một thời yêu dấu. Đôi mắt Liu ngấn lệ vì thương nhớ vợ. Hôm đó cũng vào ngày Chủ nhật, như thường lệ, vợ anh dậy từ tờ mờ sáng để chuẩn bị một số mặt hàng nông sản bày bán tại phiên chợ Bắc Hà. Do bận dựng nhà hộ một người cùng bản nên phiên chợ đó anh không đi cùng vợ. Anh không ngờ rằng, vợ chồng anh chính thức chia xa từ phiên chợ định mệnh đó.

Cho đến tận bây giờ, anh Liu vẫn nghĩ rằng, bằng tình yêu chân thành, trong vắt như giọt sương rừng, vợ chồng anh sẽ vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống và chăm lo cho cô con gái đẹp như bông hoa rừng. Nhưng hạnh phúc chẳng tày gang khi vợ anh bỏ hai bố con mà đi. Giờ đây, trong căn nhà cô đơn lạnh lẽo, anh chỉ biết canh giữ đứa con gái mới lớn vì sợ nó cũng bị người ta lừa bán sang biên giới.

Trò chuyện với chúng tôi bên căn nhà nền đất trên dốc núi, anh Sùng Seo Phái, thôn Phéc Bủng 2 tâm sự: "Thấy phụ nữ trong bản cứ bỏ nhà đi, Phái sợ lắm. Nhà mình nghèo, có hôm phải ăn sắn thay cơm, mình cứ sợ kẻ xấu đến dụ dỗ vợ mình theo họ. Giờ Phái không dám cho vợ đi chợ phiên một mình, cũng không dám cho vợ đi đâu xa vì sợ mất vợ". Em gái ruột của anh Phái, em Sùng Thị C. (SN 1995) cũng bị mất tích năm 2011. Chính vì thế, lúc nào gia đình anh cũng sống trong nỗi lo sợ về sự rình rập bắt vợ, bắt em của những kẻ xấu.

Bà Chấu Thị Lang - chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Phố cho biết: "Cuộc sống của người dân nơi đây vốn đã nghèo, từ khi xảy ra tình trạng mất tích của không ít phụ nữ, nhiều gia đình lâm vào cảnh nghèo đói hơn. Vì nhà quá nghèo nhiều cháu đã phải bỏ học. Còn nguyên nhân việc phụ nữ mất tích ở Bản Phố, ngoài bị lừa bán sang Trung Quốc thì theo suy đoán của chính quyền, cũng có thể một số người thấy khổ quá nên bỏ đi. Số khác do đã lỡ thì, không lấy được chồng, ngại dư luận nên cũng không muốn ở lại làng".

Dù chính quyền có nhiều nỗ lực, nhưng số vụ phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương đang có dấu hiệu tăng qua từng năm. Hầu hết, sự vắng mặt của phụ nữ đều xuất hiện vào ngày Chủ nhật, thời điểm diễn ra chợ phiên Bắc Hà. Giờ đây, nhiều gia đình có con gái tuổi từ 12 đến 18 không dám cho con đi chợ phiên vì sợ bị người xấu trà trộn vào làm quen, lừa gạt, dụ dỗ bán qua biên giới. Nguyên nhân nữa là do những cô gái mới lớn nhận thức kém, sẵn sàng theo trai lạ để hy vọng có cuộc sống khác.

Từ năm 2005 trở lại đây xuất hiện nạn phụ nữ và trẻ em bỏ đi khỏi địa phương, phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc đã phá vỡ sự bình yên, yên vui của nhiều gia đình, bản làng thay vào đó là nỗi đau, nỗi buồn cha mẹ mất con, chồng mất vợ...

Cao Tuân

Kỳ 3: Những cuộc giải cứu ngoạn mục trong đêm khuya


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.