Những tay đại diện cầu thủ thường bị nhìn với ánh mắt không mấy thiện cảm, bởi chính họ là những kẻ trực tiếp khiến giá trị cầu thủ tăng chóng mặt trong những năm qua. Sự tăng giá ấy đã tác động khiến nhiều đội bóng thậm chí rơi vào tình trạng nợ nần, phá sản vì những khoản chi vượt xa giá trị thực của các ngôi sao. Còn các tay "cò", sau khi dùng những xảo thuật để kết thúc các thương vụ, thường kiếm được những khoản lợi nhuận khổng lồ đút vào túi mình.
Với sự tác động của "cò", giá của những siêu sao như Ronaldo bây giờ phải quy đổi bằng những chiếc siêu du thuyền
Chiêu trò nâng giá vô tội vạ
Tại sao những tay cò bóng đá lại có khả năng lũng đoạn giá trị của các cầu thủ, và dù biết nhưng các đội bóng vẫn phải chấp nhận cuộc chơi của các tay cò? Câu trả lời nằm ở sự thức thời, tài ăn nói, những mối quan hệ rộng rãi trong làng bóng đá và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ siêu hạng của các tay môi giới bóng đá. Từ Jorge Mendes, Peter Harrison đến Pini Zahavi… tất cả các tay môi giới hàng đầu đều phải trang bị cho mình vốn ngoại ngữ cực kỳ phong phú. Nhờ lợi thế đặc biệt này, họ dễ dàng qua mặt các cầu thủ (vốn không phải ai cũng biết ăn nói) khi bắt liên lạc và mặc cả về giá tiền, hợp đồng hay những khoản lót tay với các CLB. Trong trường hợp này, cầu thủ dù bị các tay môi giới "ăn chặn" tiền, thì họ vẫn không thể lên tiếng, thậm chí còn phải đóng vai những người… mang ơn.
Đáng nói hơn, bằng tài ăn nói, các tay “cò” dễ dàng thổi giá cầu thủ từ vài trăm nghìn USD tới hàng chục triệu USD. Một nghịch lí tất yếu xuất hiện, khi có tài thổi giá cầu thủ, có tài lôi người từ bất cứ đội bóng nào, thì tay cò càng nổi tiếng, càng tăng giá trị của cầu thủ thì càng cắt phế cao. Vì thế, ngay cả khi phải mất ít nhất 1/3 khoản tiền lót tay nhận được cho tay cò này, các cầu thủ vẫn tấp nập nhờ vả cò tư vấn mỗi khi muốn sang một CLB mới. Đấy là mối quan hệ mà cả ngôi sao lẫn "cò" cùng có lợi và đối tượng bị "móc túi" duy nhất chính là các CLB cần tăng cường lực lượng.
Còn nhớ vào năm 1998, tiền đạo người Brazil Denilson đã chuyển sang CLB Real Betis với giá 21,5 triệu bảng Anh từ Sao Paulo. Vào thời điểm đó, mức giá này đã được coi là không tưởng. Vậy mà chưa đầy 3 năm sau, kỷ lục chuyển nhượng của Denilson nhanh chóng bị phá Real Madrid chiêu mộ thành công Zidane từ Juventus với giá 76 triệu bảng vào năm 2001. Nói về vụ chuyển nhượng này, người ta phải kể đến vai trò của Luciano Moggi, "bố già" đứng sau mọi hoạt động điều hành Juventus. Khi nắm được nhu cầu của Real, Moggi đã ép giá đến mức tối đa, thậm chí đe dọa Real sẽ bán Zidane cho một đối tác khác. Kết quả, Real Madrid phải chi ra số tiền khổng lồ để mua vội Zidane và một phần không nhỏ khoản tiền này đã "chảy" vào túi Moggi.
Kỷ lục về chuyển nhượng gần nhất lại ghi đậm dấu ấn của Jorge Mendes (nhân vật sẽ được chúng tôi phân tích kỹ hơn trong bài viết khác - PV). "Siêu cò" người Bồ Đào Nha chính là người đã xúi giục Cristiano nổi loạn đòi rời Manchester United sau mùa giải 2009. Nhưng khi bước vào bàn đàm phán với Real Madrid, Mendes đã lợi dụng việc Florentino Perez vừa nhậm chức Chủ tịch và muốn thực hiện lời hứa trước cổ đông để ép Real Madrid phải trả Ronaldo mức lương khổng lồ. Một mặt, nhà môi giới này cũng bị đồn "ăn dây" với Manchester United để đàm phán mức giá chuyển nhượng lên đến 86 triệu bảng và bỏ túi ít nhất 5% số tiền Quỷ đỏ nước Anh thu được.
Luciano Moggi được coi là quan chức, kiêm nhà môi giới lũng đoạn hoạt động chuyển nhượng của Juventus trong nhiều năm
"Phá sản" vì "cò"
Bằng sự ranh ma trên bàn đàm phán, các siêu cò đã làm giá trị các cầu thủ tăng nhanh chóng mặt. Liên tục các kỉ lục về mua sắm được thiết lập. Mới chục năm trước, giá chuyển nhượng những ngôi sao hàng đầu của bóng đá thế giới nếu quy đổi, cũng chỉ cỡ 10 chiếc siêu xe loại xịn nhất. Nhưng bây giờ, số tiền mà các đội bóng phải bỏ ra tính bằng những chiếc siêu du thuyền. Giá của cầu thủ đã lên tới đỉnh, nhưng chưa hề thấy có điểm dừng. Mà điều này chẳng khác gì một con dao hai lưỡi khi các đội bóng muốn tăng cường lực lượng, họ phải bỏ ra một số tiền không nhỏ nhưng hiệu quả không phải lúc nào cũng đi đôi với số tiền đã bỏ ra. Mà trong kinh doanh, nếu đồng tiền bỏ ra liên tục không mang lại lợi nhuận tương ứng thì chắc chắn, doanh nghiệp đó sẽ bị phá sản khi nguồn tiền cạn kiệt.
Hầu như các tay "cò" đều không biết đá bóng và cũng chẳng mấy khi đủ kiên nhẫn để ngồi chứng kiến một trận đấu trọn vẹn trong 90 phút. Thế nhưng chỉ bằng các mối quan hệ, sự thính nhạy và khả năng đàm phán tuyệt vời họ đã trở thành những người có tầm ảnh hưởng cực lớn đến môn thể thao được hâm mộ nhất hành tinh này. Những tay môi giới, còn được gọi là những nhà đạo diễn ma thuật trong các thương vụ bom tấn, đã góp phần không nhỏ khiến giá trị cầu thủ đội lên rất nhiều lần trong những năm qua. Và chính họ cũng là tác nhân khiến nhiều CLB phải phá sản khi không đủ tiềm lực tài chính để có thể theo cuộc đua tiền bạc mà họ đã thiết lập nên.
Không phải các đội bóng không thấy điều đó, khi rước những cầu thủ với giá trị cao về, các đội bóng phải trả cho những bản hợp đồng đắt giá của mình số tiền lương sau thuế khổng lồ. Thế nên mới có sự so sánh, một cầu thủ nước ngoài như Ibrahimovic lại có mức thù lao cao hơn Tổng thống Pháp tới hơn 100 lần. Điều này cũng giải thích tại sao, những CLB có nhiều thương vụ chuyển nhượng đình đám nhất thế giới cũng là những đội bóng có số tiền nợ khổng lồ. Tính sơ sơ, riêng ông lớn Real Madrid đang có số nợ lên tới gần 580 triệu Euro và đầu năm nay họ đã tính đến việc phải bán tên sân Santiago Bernabeu để trả nợ.
Kiếm triệu “đô” nhờ chiêu thổi giá Vài năm trước, khi bộ phim tài liệu Panomara được công chiếu, dư luận Anh Quốc đã bị chấn động trước những bằng chứng cho thấy nhiều HLV và quan chức đã cùng "móc nối" với "cò" để thổi giá cầu thủ, qua đó moi tiền từ CLB để cho vào túi riêng của mình. Chính Peter Harrison, khi tiết lộ cùng Dailymail đã nói ông kiếm được hàng triệu USD từ những vụ làm ăn móc nối kiểu như vậy. Tuy nhiên, sau khi đạt được những mục đích, giữa chính các tay môi giới hay các tay môi giới và các HLV, quan chức CLB lại thường xảy ra mâu thuẫn với nhau. Chính Peter Harrison cũng đã mất nghiệp vì bị một số đồng nghiệp thân cận trong nghề triệt hạ. |
Kỳ 3: Hé lộ thủ đoạn của "siêu cò" số một thế giới