Đây là sự kiện chấn động không chỉ trong giới “đạo chích” mà cả dư luận xã hội thời đó. Vì DB Lê Phước S. là đại diện nhóm Bảo An Đoàn trong quốc hội chế độ Thiệu, còn Đại úy Triệu là một “cớm gộc” hét ra lửa.
Nhà của dân biểu quốc hội và của “cớm gộc” đâu phải ai muốn vô thì vô, muốn ra thì ra như đi chợ. Thế nhưng với Nguyễn Ngọc Truyện, chuyện này chẳng có gì khó. Bằng chứng là hắn đã vào, rồi ung dung trở ra, còn “nẫng” luôn hai khẩu…súng ngắn. Nhưng đó cũng lại là một sự tình cờ chứ Truyện không cố ý. Bởi vì đối với Nguyễn Ngọc Truyện, “chuyên gia” đạo đích thì nhà nào cũng là nhà…hắn đột nhập vào lấy trộm tài sản mà thôi.
Cuộc đời của tướng cứ Bạch Hải Đường và nhiều lần được dựng phim, cải lương trước 1975
Vô tình “ôm” hai con “chó lửa”
Lúc đó là tháng 3/1974, Nguyễn Ngọc Truyện và Nguyễn Văn Năng, hạ sĩ quan thiết giáp (đã đào ngũ), gã đàn em thân cận của hắn trong những phi vụ “nhập nha” định đột nhập vào nhà một người có máu mặt khác ở cạnh khách sạn Hoàn Mỹ để lấy trộm tài sản vì tưởng rằng nhà này đang cho Mỹ thuê.
Sau khi đã “khoắng” sạch đồ đạc, tài sản trong nhà, định tháo lui bất ngờ Truyện nhìn thấy nhà bên cạnh là một biệt thự sang trọng nên “tiện thể” ghé thăm luôn. Truyện không ngờ đó là nhà của DB Lê Phước S. Truyện không biết. Khi hắn đu theo ống nước mở cửa chui vào căn phòng còn mở đèn sáng trưng thì thấy trên bàn có cái túi da nhỏ, tưởng đâu là túi đựng vàng hoặc kim cương nên Truyện mừng húm “nẫng” ngay. Nhưng khi mang về nhà Truyện mới tá hỏa vì trong túi chẳng phải là tài sản quý giá. Thứ Truyện đang cần mà lại là cái thứ mà tên trộm khét tiếng này rất sợ, đó là hai cây súng ngắn. Một cây ru-lô nòng ngắn băng đạn 5 viên và một khẩu colt 45.
Trong lúc các tờ báo vớ được nguồn tin giật gân, đua nhau khai thác khuấy động dư luận tò mò vì liên quan tới hai nhân vật “cỡ bự” ở một tỉnh thì Truyện và Năng vẫn tỉnh queo ngồi nhậu quán cóc. Truyện rất lo vì bỗng dưng rước họa vào thân ôm khư khư hai con “chó lửa” của “cớm”, bán chẳng ai mua vì súng thời đó lềnh khênh mà rước vào người chỉ tổ mang họa. Truyện liền vấn kế Năng vì dù sao Năng cũng là từng là…hạ sĩ quan thiết giáp: “Bà mẹ nó, tự nhiên ôm hai con “chó lửa” bây giờ biết làm sao? Mày cần không tao cho?” “Năng xua tay lia lịa: Lúc trước tao có cả…xe thiết giáp, hai khẩu súng ngắn bé tí này làm đếch gì. Mày cứ giữ mà xài khi cần”. Truyện tiếp lời “Nhưng phải giấu ở đâu chứ ôm kè kè bên mình hoặc để ở nhà thì mang họa”.
Việc DB Lê Phước Sang mất 2 cây súng bị khuấy động lên thành một sự kiện mang màu sắc chính trị của phe đối lập. Các báo đua nhau khoét sâu, khai thác mâu thuẫn nội bộ để…bán báo. Đồng thời mỗi tờ báo cũng nhân sự kiện này mà có ý đồ của riêng mình. Còn quân cảnh và riêng lực lượng cảnh sát TX Long Xuyên dưới sự chỉ huy của Đại úy Nguyện Văn Triệu đã mở một chiến dịch bố ráp với ý đồ trấn áp bọn tội phạm vẫn còn sống ngoài vòng pháp luật và quyết khám xét bất kỳ ai để truy tìm cho ra hai khẩu súng của dân biểu Sang. Thế mới biết trong xã hội nhiễu nhương lúc bấy giờ chuyện gì cũng có thể trở thành một “sự kiện chính trị” để khai thác ì xèo.
Những cuộc đột nhập làm bẽ mặt “vua con” xứ Long Xuyên
Vụ DB Lê Phước S. mất súng chưa nguôi thì khoảng nửa tháng sau tới nhà của Đại úy Nguyễn Văn Triệu, phó chỉ huy cảnh sát TX. Long Xuyên bị trộm viếng. Đây là một cú sốc gây “choáng” cho một ông “vua con” ở Long Xuyên. Lúc đó Triệu tuy là phó chỉ huy cảnh sát, nhưng lại là người có quyền thế hơn ông trưởng hắn lại giàu có và cực kỳ cứng rắn trong việc đối đầu với đám anh chị, giang hồ ở địa phương.
Mỗi lần Đại úy Triệu mở chiến dịch truy quét tội phạm là đám giang hồ TX. Long Xuyên co vòi, lớp rúc vào bóng tối nằm im chờ qua cơn “bão táp”, lớp phải “di tản chiến thuật” sang các địa phương khác tạm thời lánh nạn, chờ “sóng yên, biển lặng” mới quay về. Chính Nguyễn Ngọc Truyện là người biết rõ uy thế của Đại úy Triệu và xác định ông ta cũng là đại khắc tinh của mình. Điển hình là sau khi vô tình ôm hai con “chó lửa” của DB Lê Phước S., gặp lúc Đại úy Triệu nổi cơn thịnh nộ mở chiến dịch càn quét tội phạm, Nguyễn Ngọc Truyện và đàn em nhanh chân tẩu thoát sang Sa Đéc, Cần Thơ, Bạc Liêu lánh nạn.
Nhưng rồi, cũng chính Nguyễn Ngọc Truyện và Nguyễn Văn Năng quay lại Long Xuyên nửa tháng sau khi tạm lánh nạn để làm nên một “kỳ tích” khuấy động giang hồ và dư luận xã hội không chỉ ở Long Xuyên mà vang dội cả Sài Gòn và miền Nam lúc bấy giờ. Đó là âm thầm nhận lời thách thức của Đại úy Triệu. Bởi lẽ trong một cơn hăng máu khi mở chiến dịch trấn áp giang hồ Long Xuyên, Đại úy Triệu đã lớn tiếng thách thức rằng: “Tên nào dám vào nhà Đại úy Triệu lấy được một món đồ làm bằng chứng, sẽ được thưởng 100 cây vàng”. Lời thách thức đưa ra được nửa tháng thì Long Xuyên xảy ra một cơn “địa chấn”. Bọn trộm đã đột nhập được vào nhà của phó chỉ huy cảnh sát Long Xuyên, vào tận phòng ngủ của ông ta rinh cái tivi, một bao quần áo rồi còn ung dung ra sau bếp mở tủ lạnh lấy thức ăn, nước uống ngồi “chén” sạch.
Chưa hết, khi “chén” xong còn ra sau nhà “ị” một bãi để dằn mặt ông “cớm” hét ra lửa đã dại dột đưa ra lời thách thức Nguyễn Ngọc Truyện. Tất nhiên lúc đó, Đại úy Triệu chưa biết “dung nhan mùa hạ” của tên đột nhập là ai, tên gì mà có gan cóc tía như thế.
Ngay sáng hôm sau, cơn “địa chấn” này làm đám giang hồ Long Xuyên hả hê. Nhiều báo Sài gòn lại có dịp khai thác, đưa tin, bài rút tít giật gân, thậm chí có báo đã chơi luôn một silogan năm cột về cơn “địa chấn” khiến Đại úy Triệu vừa mất mặt vừa nổi máu điên, bèn mở đợt tổng càn quét truy tìm tung tích “ông vua con” đất Long Xuyên tội phạm dám giỡn mặt với “cớm gộc”. Triệu điên máu đến nỗi không còn giữ kẽ “bề trên” đã ra chợ Long Xuyên gọi mấy tên du thủ du thực cóc ké ở đây ra tra hỏi. Mấy tên cóc ké này thừa biết tên trộm mới “vuốt râu hùm” đó là ai, cũng sẵn không ưa gì Đại úy Triệu, muốn chọc tức ông ta một mẻ nên nói toạc móng heo đó là Nguyễn Ngọc Truyện, tức “Truyện xăm mình”(vì sao Nguyễn Ngọc Truyện có tên là “Truyện xăm mình” sẽ được đề cập ở phần sau).
Lập tức Đại úy Triệu đưa một toán quân lính rầm rộ tới nhà Nguyễn Ngọc Truyện để vây bắt kẻ “tội đồ”, nhưng hắn đã nhanh chân tẩu thoát. Phải nói là Đại úy Triệu muốn phát điên lên về vụ bẽ mặt này nên một mặt tiếp tục vây bắt Triệu tại địa phương, một mặt muốn nhờ các nơi hỗ trợ bắt tên trộm bạo gan, tạo thành thế bao vây tổng lực, không cho Nguyễn Ngọc Truyện con đường thoát. Do đó, ông ta đã phát ra tờ quyết định tầm nã tội phạm nguy hiếm nhờ các báo đăng. Trong nội dung của cái giấy tầm nã tội phạm nguy hiểm không hiểu sao Đại úy Triệu lại cho Nguyễn Ngọc Truyện mang một biệt danh, nghe hết sức lãng mạn là… “Bạch Hải Đường” (tức Nguyễn Ngọc Truyện)- tên của một loài hoa đã được đưa vào thơ, văn. Nội dung giấy tầm nã còn có chú thích: “Ai bắt được tên cướp nguy hiểm Bạch Hải Đường sẽ được thưởng 50.000 đồng. (50.000 đồng hồi đó là số tiền lớn-NV)”.
Võ Thu Sơn
Kỳ 5: Lần “bóc lịch” đầu tiên và những ngày tháng được “quý nhân Võ Thu Sơn phò hộ”