Kỳ 5: Cuộc vượt ngục táo tợn và âm mưu làm giang hồ quốc tế

Kỳ 5: Cuộc vượt ngục táo tợn và âm mưu làm giang hồ quốc tế

Thứ 5, 27/12/2012 23:52

Hắn quyết định dùng thuyền vượt biển sang Hồng Kông để thử cảm giác làm giang hồ quốc tế.

Cảm thấy không thể dung thân được ở đất Mỹ Thuận, Lê Lam quyết định ngược ra mảnh đất Nam Trung Bộ kiếm nơi xây bản doanh. Tuy nhiên, tại Phan Rang, Tháp Chàm (Ninh Thuận), ngoài việc tiếp tục nhúng tội hắn chẳng làm được việc gì cho ra hồn. Chỉ chưa đầy một năm sau làm kiếp trộm bò, trộm chó, tên giang hồ lãng tử này tiếp tục tra tay vào còng. Trong tù, không chịu cảnh “xiềng chân”, Lê Lam đáo trại và bắt đầu một cuộc viễn dương, với âm mưu “thử sức” làm giang hồ ngoại quốc.

Pháp luật - Kỳ 5: Cuộc vượt ngục táo tợn và âm mưu làm giang hồ quốc tế

Lê Lam lúc ở trại tị nạn tại Hồng Kông năm 1991 (người đang uống bia, ngồi thứ 6 từ phải sang)

Cuộc vượt ngục giữa ban ngày

Cùng đàn em ngược ra Phan Rang, Tháp Chàm, do có đại ca Nam Sơn giới thiệu, Lê Lam gặp Minh “mập” và Minh “ốm”. Ở đây, hắn được “song Minh” đào tạo “nghề” trộm xe máy, trộm bò, trộm đủ thứ. Tại Phan Rang, cứ nói đến cặp đôi kỳ dị này ai cũng ngán ngẩm. Bởi bọn chúng có tài “luộc” xe 67 như ảo thuật. Những năm cuối thập niên 80, xe 67 là một tài sản giá trị lớn mà gia đình thuộc dạng đại gia mới sắm được và trông giữ cẩn thận. Nhưng cứ mỗi khi băng này nhắm vào chiếc xe nào thì trước sau gì nó cũng “bốc hơi” không dấu vết.

Được biết, sau khi lấy được những chiếc 67, chúng mang về tháo rời ra để bán phụ tùng kiếm lời. Địa bàn Minh “mập” bao chiếm từ TP. HCM ra Ninh Thuận. Ngoài xe máy, Minh “mập” còn “ăn tạp” trộm cả bò và vải vóc của đồng bào Chăm và bảo kê đoàn xe ngựa thồ hàng từ thị xã Phan Rang lên ấp người Chăm (phía tây Ninh Thuận). Trong thời gian “thử việc”, Lê Lam tham gia “luộc” trót lọt 3 chiếc xe 67.

Có tiền trong tay, hắn vung tay tiêu xài và rồi thường xuyên trong cảnh nhẵn túi. Thời điểm đó, xảy ra quá nhiều vụ trộm cắp nên lực lượng công an bắt đầu thắt chặt an ninh. Nghề “chôm” xe máy của nhóm này phải tạm ngưng nghe ngóng tình hình. “Hết duyên” với xe máy, Minh “mập” lại rủ Lê Lam đi…trộm bò. Lê Lam bấy lâu vẫn phản đối kiểu “ăn tạp” của nhóm Minh “mập” nhưng quá túng quẫn nên đành “nhắm mắt đưa chân”. Chính cái lần sa còng vì tội trộm bò mà danh tiếng trong giới giang hồ của Lê Lam bị một vết nhơ khó rửa sạch.

Tại trại giam, khi nhận ra kẻ trộm bò là Lê Lam, một giang hồ sừng sỏi, các cán bộ trại giam đều lắc đầu ngao ngán. Tuy y không phải là tên tội phạm giết người nhưng đích thị là một kẻ nhờn tội, gan lỳ không biết trời biết đất. Bắt được Lê Lam họ vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì tạm chặn được những vụ mất cắp cho dân làng. Nhưng lo hơn vì không biết cửa trại có giữ được chân tên tội phạm ranh ma thuộc từng mảnh lưới, thạo từng khung sắt nhà tù này. Không ngờ mối lo lắng của các cán bộ có ngày đã thành sự thật. Sau một thời gian cải tạo, Lê Lam quyết định trốn trại.

Những năm tháng làm đại ca tung hoành, không thèm biết trên dưới nhưng vào Trại giam Sông Cái (tỉnh Thuận Hải cũ), Lê Lam bị mấy đại ca tù “cai” cho ra bã. Sau những lần bị đánh thừa sống thiếu chết, Lê Lam mới cảm nhận được câu nói “một ngày trong tù bằng thiên thu tại ngoại”. Nhẫn nhục được một năm, hai năm rồi những ngày cuối cùng của năm thứ ba đang đến thì Lê Lam quyết định trốn trại.

Trong một lần đi lao động cải tạo trên đồi mía về qua đoạn sông La Ngà, đoàn tù kêu bị lông mía đâm ngứa nên cán bộ đồng ý cho họ xuống sông tắm. Lê Lam cũng ngoan ngoãn xuống sông, nhưng mang theo âm mưu chạy trốn. Thừa lúc cán bộ sơ hở, Lê Lam lặn một hơi mấy chục mét (Lê Lam dân biển, rất giỏi lặn) xuôi theo dòng nước, rồi chui tọt vào đám lục bình ở phía xa, vớ cụm bèo đội lên đầu, âm thầm trôi về phía hạ nguồn. Khi cảm thấy đã an toàn, y nhảy lên bờ chạy thục mạng vào rừng rồi chui tọt vào một nhà dân và trộm nồi cơm nguội. Sau khi chén no nê, y mặc áo quần chỉnh tề rồi tìm cách về ga Suối Kiết (tỉnh Thuận Hải cũ), đón xe thẳng về quê.

Cuộc vượt biển của tên giang hồ lãng tử

Về làng, Lê Lam không dám vào nhà mà đợi đến đêm khuya mới gõ cửa. Gặp đứa con hư đốn, mẹ con hắn mừng mừng tủi tủi trò chuyện thâu đêm suốt sáng. Đến đêm thứ 3, khi Lê Lam đang thiu thiu ngủ thì bất ngờ bị công an xã đột nhập bắt giữ. Ngay hôm sau công an tỉnh Thuận Hải trực tiếp giải hắn vềì, chấm dứt niềm vui ngắn ngủi của một tên tội phạm vượt ngục. Lần này, y lĩnh tiếp 3 năm tại trại giam Huy Khiêm.

Tái nhập trại, Lê Lam bị xếp vào danh sách những tù nhân bị theo dõi đặc biệt. Bị quản chặt, Lê Lam không còn cơ hội trốn chạy. Nhờ cải tạo tốt, hắn được giao đứng trưởng một đội tù. Lễ đặc xá năm 1988, Lê Lam nằm trong danh sách ra tù trước thời hạn 6 tháng, y khăn gói về quê trong niềm vui của gia đình.

Yên phận về quê nhưng làm người lương thiện với Lê Lam sao khó chịu đến thế. Tên giang hồ cảm thấy ngứa ngáy chân tay và nhớ anh em trong băng nhóm da diết. Máu “nghề” nổi lên, Lê Lam lại âm mưu quay lại con đường cũ. Y nhớ mang máng rằng, thời trong tù, người ta có nhắc bên Hồng Kông (Trung Quốc) có những trại tị nạn dành cho những công dân quốc tế lỡ bước. Đồn rằng, nếu vào đó sẽ được chu cấp đầy đủ từ A-Z.

Không những thế, nếu là giang hồ thì có thể kiếm chác làm giàu. Qua liên hệ, Lê Lam biết rằng, có rất nhiều anh em giang hồ người Hải Phòng đang kiếm ăn ở bên đó. Hắn nghĩ đến một chuyến vượt biển sang Hồng Kông để thử cảm giác làm giang hồ đất ngoại.

Để chuẩn bị cho cuộc hành trình, Lê Lam đi mua từng can dầu, kết lại thành chùm. Còn lương thực, hắn dự tính, ra khơi sẽ ghé các tàu đánh cá để xin ăn. Nếu ngư dân không cho hắn sẵn sàng cướp bóc. Về hành trình thì theo kinh nghiệm của y đã học được, từ vùng biển Nghệ An vào đến TT-Huế, cứ nhắm hướng mặt trời mọc mà đi thì sẽ tới Hồng Kông.

Để gieo lòng tin vào mọi người, Lê Lam dựng lên lễ cưới giả với một cô gái trong làng, Người mà chính hắn sau này cũng không ngờ rằng sẽ lấy thành vợ thật. Nghe tin con ma trộm cắp “lấy vợ”, chính quyền, công an xã ai nấy đều mừng và yên tâm rằng, y đã nhận ra lỗi lầm mà tu thân, tu tính làm ăn. Ngày 4/5 một “lễ cưới” nhỏ ở làng chài được tổ chức vắn tắt, đám chỉ có mâm cơm, một vài đĩa hoa quả xem như lấy lệ. 12h trưa ngày 5/5/1988, khi dân làng đang sum vầy cúng tết Đoan Ngọ thì tại bến thuyền làng chài nghèo, con thuyền nhỏ chở theo 15 người từ từ nổ máy ra khơi để vượt biên. Không ai ngờ, đứng vị trí “thuyền trưởng” lại chính là Lê Lam.

Nói về nguyên nhân vượt đại dương bằng thuyền đánh cá ngày đó, Lê Lam nhớ lại: “Khi tôi được Liên Hợp Quốc chuyển giao cho Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật, nhiều cán bộ công an cho rằng tôi phản quốc. Nhưng kỳ thực tôi nào đâu biết chính trị là gì. Lúc đó tôi chỉ có ý nghĩ của một tên giang hồ đi tìm đến những vùng đất mới dụng thân. Nơi nào nhanh kiếm được tiền, có ma túy thì tôi đến. Hồng Kông cũng không nằm ngoài ý nghĩ đó của tôi”.

Kỳ Anh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.