Kỳ 6: Những chuyến vượt biển “kinh điển”

Kỳ 6: Những chuyến vượt biển “kinh điển”

Thứ 5, 27/12/2012 23:51

Nhiều lúc Lê Lam và đàn em đã buộc dây thừng vào tay nhau để lỡ chết khỏi mất xác.

Hành trình Đông tiến theo hướng mặt trời mọc sang Hồng Kông do Lê Lam làm “thuyền trưởng” không ngờ lại có nhiều “sai số” đến vậy. Hơn một tháng trời lênh đênh trên biển, bọn chúng phải chịu những cơn đói, khát hành hạ.

Nhiều khi, Lê Lam tưởng hắn phải bỏ mạng trên con thuyền. Tuy nhiên, cuối cùng thì con thuyền cũng chạm đất Hồng Kông. Khi thuyền của nhóm Lê Lam vừa cắm neo cũng là lúc cảnh sát ập đến. Cả bọn lập tức bị tống vào trại tị nạn. Từ đây bắt đầu chuỗi ngày dài đầy trắc trở trong giấc mơ tìm “miền đất hứa”.

Thế giới - Kỳ 6: Những chuyến vượt biển “kinh điển”

Lê Lam (người đeo kính) ở Nhật năm 1991

Chuyến vượt biển bão táp

Sau khi rời làng chài nghèo, chiếc thuyền cá của nhóm vượt biên do Lê Lam đứng đầu cứ nhằm hướng mặt trời mọc thẳng tiến. Trên thuyền, Lê Lam là kẻ chủ mưu kiêm thuyền trưởng. Hành trang trong tay bọn chúng chỉ là một tấm bản đồ bằng giấy. Ngày chạy, đêm nghỉ, người này mệt người kia thay.

Cứ như thế, khi lương thực, nước uống cạn kiệt, bọn chúng lại ghé thuyền ngư dân để xin ăn. Tuy nhiên, trên con thuyền hẹp đó, 15 con người chen chúc nhau để sống rất chật vật. Hình dạng của chúng ngày càng trở nên kinh khủng vì không được tắm giặt, cắt tóc, ăn đủ chất.

Nhiều lúc trên thuyền không còn một hạt gạo, Lê Lam và đàn em chia nhau từng gáo nước ngọt. Tất cả sự sống của 15 con người chỉ biết trông cậy tất cả vào sự giúp đỡ của những tàu thuyền mà nhóm may mắn gặp trên đường đi.

Lê Lam kể lại: Giữa biển khơi, tình người đôi lúc mong manh nhưng vẫn can qua được, còn thiên tai, đá ngầm mới thực là nỗi lo thường trực của Lê Lam. Không có hải trình, không đài dự báo thời tiết, tất cả phải dựa vào kinh nghiệm nhìn hướng sao, hướng mặt trời. Đôi lúc thuyền băng qua những vùng biển mà mặt nước đen kịt, sau này họ mới biết đó là vùng biển chết. Nhưng đã đâm lao thì phải theo lao, họ bất chấp tất cả để đi tìm “miền đất hứa”.

Chiếc thuyền cá nhỏ gánh trên mình hàng chục mạng người cứ tròng trành trên biển. Nhiều lúc qua những bãi đá ngầm, tưởng như cái chết đã cận kề thì cả nhóm thoát tử như có phép màu. Những trận bão biển kinh hoàng như từ trên trời đổ ập xuống. Lúc này, tinh thần ai nấy đều suy sụp. Riêng Lê Lam từ ngày thuyền xuất bến, dù rất mệt mỏi, chán chường nhưng hắn luôn tỏ ra bản lĩnh. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Lê Lam vẫn luôn là “lãnh đạo tinh thần” của mọi người.

Lê Lam kể, có những lúc đàn em đã buông xuôi, cột hết dây thừng vào tay nhau để có mệnh hệ gì còn tìm thấy xác. Nhưng sau đó, bất ngờ cơn bão tan, họ gặp được tàu giúp đỡ. Một tháng ròng rã trên biển trôi qua, trong lúc mọi người đang ôm gối chờ chết thì họ nhìn thấy một hòn đảo màu xám lộ dần. Ai nấy đều ôm nhau mừng khôn xiết vì đã cập đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Hành trình đến đảo Hải Nam đã quá gian nan, nhưng đó mới chỉ là một nửa chặng đường, cái đích cuối cùng của họ là Hồng Kông. Nghĩ đến đây, tất cả lại ngồi sụp xuống. Họ lại nghĩ đến con đường vô vàn khó khăn phía trước. Muốn đi Hồng Kông buộc phải qua eo biển Lôi Châu (nằm giữa đảo Hải Nam và tỉnh Quảng Đông). Đây được xem là một eo biển chết. Bởi trước đó, dân tị nạn tứ xứ bỏ mạng vô số ở khu vực này vì không vượt qua nổi đá ngầm.

Chưa bao giờ đi qua nhưng kinh nghiệm mách bảo Lê Lam phải tránh “đoạn đường tử thần” bằng cách chạy vòng cung ra khơi. Mặc dù tốn thời gian và nhiên liệu nhưng chiếc thuyền mới vượt được “lời nguyền” qua eo biển chết. Xong, nhóm hành trình tiếp tục men theo hướng Đông Bắc, vượt qua Ma Cao và cập bến tại Hồng Kông. Tuy nhiên, đoạn kết của hành trình đến “thiên đường” đã không như Lê Lam và đồng bọn tưởng. Vừa đến nơi cảnh sát biển Hồng Kông bắt cả nhóm đưa vào trại tị nạn.

Kỳ Anh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.