Kỳ 7: Khuynh đảo trại tị nạn ngoại quốc

Kỳ 7: Khuynh đảo trại tị nạn ngoại quốc

Thứ 5, 27/12/2012 23:48

Cuộc hành trình của con tàu giang hồ cập bến Thượng Hải để tiếp nhiên liệu, lương thực rồi tiếp tục vượt Triều Tiên, vòng xuống Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi vừa đến Nhật Bản, cả nhóm lại bị bắt vào trại tị nạn Ômura.

Đốt trại tị nạn để khẳng định vai vế

Trại tị nạn Sà Coong của Hồng Kông lúc đó có quy mô khoảng 10.000 người, quy tụ dân vượt biên trái phép từ các nước trên thế giới. Nói là trại tị nạn nhưng bên trong có rất nhiều băng nhóm giang hồ hoạt động. Trong đó nổi lên là băng người Việt gốc Hoa và băng người Việt.

Những người Việt tị nạn trong trại có những tên giang hồ khét tiếng từ Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh mà Lê Lam quen biết trước đó. Sự xuất hiện của hắn trong trại thực sự là “luồng gió mới”. Nhờ uy tín giang hồ mà Lê Lam được tôn lên làm đại ca đứng đầu khoảng 500 tên giang hồ người Việt. Nhóm này chuyên cướp giật, đánh nhau, tranh giành sự cai quản.

Pháp luật - Kỳ 7: Khuynh đảo trại tị nạn ngoại quốc

Trong trận “huyết chiến” tại Nhật, Lê Lam bị một nhát chém gần đốt cột sống nay vẫn còn sẹo.

Để khẳng định vị trí thống lĩnh của mình, vào một đêm, Lê Lam chỉ đạo đàn em đánh úp băng người Hoa và tuyên bố đốt trại. Sự kiện gã giang hồ lãng tử đốt trại tị nạn ở Hồng Kông lúc đó được báo giới đưa tin rầm rộ. Ngay sau đó, Lê Lam cùng đàn em bị bắt. Hắn bị phạt 6 tháng tù, chuyển lên máy bay đưa ra một đảo nhỏ (Lê Lam chỉ nhớ được gọi là đảo Bò, vì nuôi nhiều bò) dành cho những tên tội phạm cứng đầu nhất. Ở đó có nhà tù hiện đại, có hàng rào điện tử, được bảo vệ bằng tia la –ze. Lê Lam phải chịu sự giám sát của một đội cảnh sát “đặc biệt” người Anh Quốc chuyên trị những tên tù đặc biệt như hắn.

Cuộc sống trên đảo này cũng không mấy khắc nghiệt. Tuy nhiên, âm mưu trốn trại vẫn thôi thúc Lê Lam làm điều gì đó. Sau nhiều ngày nghiên cứu, y nhận thấy rằng nhà bếp của trại giam có đường cống thoát nước, dẫn thông ra bờ biển và được ngăn bằng tấm lưới sắt. Đường cống này người lớn có thể chui lọt. Âm mưu vượt ngục lại nảy sinh, Lê Lam cùng đàn em viết thư xin vào làm nấu ăn trong bếp. Được chấp nhận, hắn vô cùng vui sướng.

Ngày cải tại ngoan ngoãn nhưng cứ đêm xuống, Lê Lam cho đàn em mang nước tiểu đổ vào tấm lưới dưới cống ngầm. Công việc đó ngày nào cũng được tiến hành lặp đi lặp lại. Một tháng trôi qua, hắn suy đoán thanh sắt ô xi hóa và gỉ nên quyết định đáo trại. Vào một đêm tối, Lê Lam cùng đồng bọn men theo đường cống, giật bay tấm lưới sắt, an toàn chui ra bờ biển. Lợi dụng sơ hở, y đánh cướp một con tàu. Lần này Lê Lam lại có ý định đi về hướng mặt trời mọc, để đến “thế giới tự do” (Mỹ).

Sau khi cướp được một con tàu tại đảo Bò, Lê Lam cùng bạn tù nhằm hướng đông Bắc chạy, với ý định sau khi sang Nhật sẽ tìm cách đi Mỹ. Bọn chúng chạy qua eo biển Đài Loan, rồi cập bến Thượng Hải. Vì là tàu cướp nên cả bọn không dám dừng lại xin ăn hay tiếp nhiên liệu. Chúng cứ nhằm hướng Đông Bắc mà tăng ga thục mạng.

Cho đến khi trên tàu không còn một giọt nước, Lê Lam nói: “Đằng nào cũng chết. Không có nước ngọt thì tao uống nước mặn”. Dứt lời, Lê Lam thòng chiếc can vục một gàu nước biển bỏ vào miệng. Hắn hét lên vui mừng: “Trời chúng bay ơi, nước ngọt”. Cả bọn nếm thử rồi nhìn nhau với vẻ ngạc nhiên, vui sướng. Thế rồi những phuy nước được vục đầy dự trữ và cuộc hành trình tiếp tục. Sau này, Lê Lam mới biết rằng, tàu của y đã đến địa phận Thượng Hải mà không hay. Dòng nước ngọt giữa biển đó thực chất là luồng nước từ sông Hoàng Phố.

Cuộc hành trình của con tàu giang hồ cập bến Thượng Hải để tiếp nhiên liệu, lương thực rồi tiếp tục vượt Triều Tiên, vòng xuống Hàn Quốc. Tuy nhiên, khi vừa đến Nhật Bản, cả nhóm lại bị bắt vào trại tị nạn Ômura. Ở đây, máu giang hồ chưa hết, Lê Lam và đàn em lại gây nên một trận ẩu đả và bị tống vào phòng biệt giam. Hắn lại bàn với đám đàn em đào một đường hầm xuyên lòng đất để tẩu thoát nhưng bị phát hiện. Bị giam cầm một thời gian sau, cả nhóm được Liên Hợp Quốc bảo trợ chuyển cho Đại sứ quán Việt Nam. Lê Lam và đồng bọn được đưa lên máy bay về nước, chấm dứt hành trình lênh đênh trên biển, vào tù ra khám, nhục nhã ở xứ người.

“Có những lúc chúng tôi chạy cả ngày nhưng không gặp một bóng tàu thuyền. Hễ thấy trên mặt biển nhú lên bất cứ thứ gì giống con tàu tất cả lại ồ ra, tranh nhau dụi mắt nhìn. Khi gặp tàu, chúng tôi ra hiệu cầu xin trợ giúp. Tuy nhiên, cầu cứu 10 thì chỉ có 3 con tàu cho thức ăn. Bởi vì, khi nhìn qua ống nhòm, họ thấy chúng tôi đen đúa, bặm trợn nên tưởng là cướp biển”. – Lê Lam kể

Kỳ Anh


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.