Mẹ của Long Xưởng là Chiêu Linh tuy buộc phải vâng mệnh nhưng trong lòng vẫn còn rất ấm ức. Đến khi Lý Anh Tông trở bệnh nguy kịch. Bà lại tìm cách thuyết phục Anh Tông thêm một lần nữa. Bởi sự việc này mà đã có một cuộc đối đáp rất đáng ghi nhớ giữa một bên là vua Anh Tông và quan quyền nhiếp chính là Tô Hiến Thành với một bên là bà Chiêu Linh.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỉ, quyển 4, tờ 16-b) chép rằng: “Trước đó, khi vua ốm nặng, Hoàng thái hậu Chiêu Linh lại xin lập Long Xưởng. Vua nói: Làm con bất hiếu thì trị dân làm sao được? Nhà vua bèn để di chiếu cho Tô Hiến Thành giúp đỡ Thái Tử, công việc quốc gia đều phải theo phép cũ mà làm. Bấy giờ, Hoàng thái hậu Chiêu Linh muốn làm chuyện phế lập, nhưng lại sợ Tô Hiến Thành không nghe, bèn đem vàng bạc đút cho vợ của Tô Hiến Thành là bà Lữ Thị. Hiến Thành biết được, nói rằng: Ta là đại thần nhận mệnh của Tiên đế lo giúp đỡ vua còn bé, nay lại ăn của đút mà làm chuyện phế lập, thì còn mặt mũi nào trông thấy Tiên đế ở suối vàng?
Hoàng thái hậu lại gọi Hiến Thành đến dỗ dành trăm cách, nhưng Hiến Thành vẫn một mực nói rằng: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc Y Doãn, Hoắc Quang hay sao? Thần không dám vâng lệnh”.
Trong câu trả lời của mình, Tô Hiến Thành có nhắc đến hai nhân vật của Trung Quốc, đó là Y Doãn và Hoắc Quang để tự nhấn mạnh mình là bậc trung thần, không thể bị mua chuộc. Y Doãn là bề tôi của nhà Thương, nhận mệnh vua Thành Thang giúp đỡ vua còn nhỏ tuổi là Thái Giáp. Thái Giáp thất đức, Y Doãn liền bắt đi đày ở Đồng Cung, sau Thái Giáp hối cải, Y Doãn lại đón về tôn lên ngôi vua như cũ. Hoắc Quang là bề tôi của nhà Hán, nhận mệnh Hán Võ Đế giúp đỡ vua trẻ là Phất Lăng. Sau, Phất Lăng lên nối ngôi, đó là Hán Chiêu Đế. Bấy giờ, con trưởng của Hán Võ Đế là An Vương Đản cùng bọn Thượng Quan Kiệt, Tăng Hoằng Dương mưu giành ngôi, bị Hoắc Quang giết chết.
Luật nay: Phải xử nghiêm hành vi nhận hối lộ của Tô Hiến Thành
Chiêu Linh xúi Long Xưởng làm chuyện vô đạo, gây mối loạn luân trong cung đình, đó là một lần lỗi. Chiêu Linh biết Long Xưởng vô đạo mà vẫn cố tìm cách xin vua Anh Tông cho Long Xưởng được làm thái tử và lên nối ngôi, đó là hai lần lỗi. Chiêu Linh đường đường là thái hậu mà định lợi dụng bà Lữ Thị để hối lộ quan phụ chính là Tô Hiến Thành, đó là ba lần lỗi. Ba lần lỗi lớn ấy đủ để tiêu hủy danh vọng một đời, vậy mà sau Chiêu Linh vẫn chưa tỉnh ngộ.
Tô Hiến Thành nghiêm tuân mệnh vua, không tham giàu để lấy của hối lộ bất nghĩa, quan lại như ông, quả là không phải nhiều, Tô Hiến Thành đọc sử để tự răn mình, hậu thế có lẽ cũng nên noi gương ông, đọc sử để biết đạo lý cổ nhân mà lo tích đức vậy.
Trong vụ án trên, hai cá nhân phải bị xử nghiêm theo quy định của pháp luật ngày nay. Đó là hành vi đưa hối lộ của Chiêu Linh Hoàng thái hậu và hành vi nhận hối lộ của Tô Hiến Thành.
Tội của Chiêu Linh Hoàng thái hậu thì đã quá rõ ràng rồi. Còn Tô Hiến Thành nếu xử theo luật nay thì sẽ bị buộc vào Điều 279 BLHS. Để kết luận một người phạm tội nhận hối lộ phải có các dấu hiệu sau đây: Thứ nhất, người nhận hối lộ phải có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ. Thứ hai, có sự thoả thuận trước về việc nhận và đưa hối lộ giữa người có chức vụ, quyền hạn và người đưa hối lộ nhằm nhận được một lợi ích nào đó và người có chức vụ, quyền hạn đã đồng ý nhận tiền, tài sản mà không phụ thuộc vào việc trên thực tế đã có việc giao và nhận hay chưa.
Trong trường hợp người có chức vụ, quyền hạn chủ động đòi hối lộ thì tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội tỏ rõ thái độ của mình và người đưa hối lộ chấp nhận sự đòi hỏi đó. Thứ ba, tài sản dùng để hối lộ phải có giá trị từ 500 nghìn đồng trở lên. Nếu tài sản hối lộ có giá trị dưới 500 nghìn đồng thì người nhận hối lộ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Tường Linh