Được biết, Lê Văn Duyệt đã có nhiều công lao giúp vua Gia Long đánh đổ nhà Tây Sơn để lập ra nhà Nguyễn. Vì thế mà Lê Văn Duyệt được liệt vào hàng ngũ khai quốc công thần của vương triều Nguyễn. Lê Văn Duyệt sống và làm quan dưới hai đời vua nhà Nguyễn là Gia Long và Minh Mạng. Thế nhưng cuộc đời của ông đã gặp một chuyện hy hữu liên quan đến người con nuôi của ông là Lê Văn Khôi để rồi trở thành một vụ án lớn mà lịch sử thường gọi là vụ án Lê Văn Duyệt.
Ảnh minh họa.
Từ khi con nuôi ông là Lê Văn Khôi nổi loạn chiếm thành Phiên An (tức thành Gia Định) vào năm 1833, vua Minh Mạng thường ban trách Lê Văn Duyệt. Năm 1835, dù Lê Văn Duyệt đã chết nhưng sau khi triều đình dẹp xong cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi, Phan Bá Đạt dâng sớ kể tội Duyệt xin vua đưa người thân Lê Văn Duyệt về Hình bộ xét tội. Minh Mạng giao cho đình thần nghị xử. Vài hôm sau có nhóm nội các là Hà Quyền, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Quýnh nghị tội Lê Văn Duyệt, có bảy tội phải chém, hai tội phải thắt cổ.
Trước khi có biến cố thành Phiên An do Lê Văn Khôi gây ra thì mối quan hệ giữa vua Minh Mạng và Lê Văn Duyệt vẫn rất bình thường, thậm chí Lê Văn Duyệt còn là một trong những vị quan được vua Minh Mạng nể trọng. Khi cuộc nổi loạn ở thành Phiên An của Lê Văn Khôi bị triều đình đàn áp thì cũng là lúc đỉnh điểm sự ghét bỏ của Minh Mạng đối với Lê Văn Duyệt được phát ra. Cho dù Lê Văn Duyệt đã chết nhưng với những gì vua Minh Mạng còn ấp ủ trong lòng từ lúc con Lê Văn Duyệt nổi loạn thì việc kết tội Lê Văn Duyệt là khó tránh khỏi.
Sách “Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ”, quyển 162 năm Minh Mạng thứ 16 (1835) chép về tội án của Lê Văn Duyệt như sau: Duyệt vì lời nói và việc làm bội nghịch, có 7 tội đáng chém: 1- Sai người riêng của mình sang Diến Điện kết ngoại giao ngầm. 2- Xin đưa thuyền Anh Cát Lợi đến kinh thành để tỏ mình có quyền. 3- Xin giết Thị vệ Trần Văn Tình để khóa miệng người khác. 4- Dâng sớ chống lại mệnh vua. 5- Kết bè đảng. 6- Giấu riêng những giấy đóng sẵn ấn Ngự bảo. 7- Gọi mộ tiên nhân là “lăng”.
Vua dụ rằng: “Thế đủ thấy lẽ trời sáng tỏ công khai, đạo công tồn tại ở ta thực không thể bưng bít. Kẻ quyền gian gây vạ cả thiên hạ đều giận. Vả, Lê Văn Duyệt đếm tội cũng không kể hết, nói đến đau lòng, dù bổ áo quan mà phanh thây cũng không oan. Song nghĩ, hắn chết đã lâu, lại đã truy đoạt quan tước, nay nắm xương khô cũng không được để yên. Vậy sai Đốc phủ Gia Định lập tức phá tan mồ mả thành đất phẳng và dựng cái bia đá ở trên khắc 8 chữ: “Quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp xứ” (Chỗ quan lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu tội chết)... Sau đấy, mộ Lê Văn Duyệt ở Gia Định bị cuốc bằng. Các ngôi mộ cha mẹ ông bị đục bỏ tước hiệu khắc trên bia.
Luật nay: Vua Minh Mạng phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả
Vụ án Lê Văn Duyệt khép lại để lại nhiều ẩn khuất. Có lẽ ở bên kia thế giới, Lê Văn Duyệt cũng không biết được rằng khi ông mất đi, đã có một bản án được thực hiện ngay trên ngôi mộ của mình. Cũng cần nói rằng, đây là vụ án có một không hai trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam nói chung và lịch sử vương triều Nguyễn nói riêng.
Vấn đề đặt ra ở trong vụ án này là phải xử lý hình sự đối với những cá nhân có hành vi xâm phạm mồ mả của gia đình dòng họ nhà Lê Văn Duyệt. Chiếu theo các quy định của pháp luật hiện nay thì Điều 246 BLHS có ghi: Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm; Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
Như vậy, trước hết hành vi của vua Minh Mạng sai người đi phá mộ Lê Văn Duyệt là trái với các quy định của pháp luật hiện hành.
Tường Linh