Trong lúc trị vì, vua Lê Thánh Tông đã đề xuất nhiều cải cách trong hệ thống quân sự, hành chính, kinh tế, giáo dục và luật pháp. Ngoài ra, ông đã tiến hành công cuộc Nam tiến, mở mang bờ cõi Đại Việt bằng cách đánh chiếm kinh đô của vương quốc Chiêm Thành (1471), sáp nhập một phần lãnh thổ Chiêm Thành vào Đại Việt; đồng thời có cuộc hành quân về phía Tây đất nước vào năm 1479.
Lê Thánh Tông trị vì Đại Việt 38 năm và dưới thời ông, đã để lại những giá trị văn hóa xã hội như Hồng Đức thiên hạ bản đồ, Hồng Đức hình luật, Thiên Nam dư hạ tập, Hồng Đức quốc âm thi tập... Năm 1464, ông rửa oan cho Nguyễn Trãi, cho sưu tầm thơ văn Nguyễn Trãi để lưu lại hậu thế, và Lê Thánh Tông đã tạc bia cho Nguyễn Trãi bằng câu thơ: “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”. Tạm dịch:“Tâm hồn Ức Trai sáng tựa sao Khuê”. Lê Thánh Tông là một nhà thơ và phê bình văn học, vừa sáng tác văn thơ, vừa nghiên cứu, phê bình. Những trước tác của Hội Tao đàn được ghi chép trong bộ sách Thiên Nam dư hạ tập, và trong các sách Quỳnh uyển cửu ca, Minh lương cẩm tú, Văn minh cổ xúy, Chinh Tây kỷ hành viết bằng chữ Hán và Hồng Đức quốc âm thi tập, Thập giới cô hồn quốc ngữ văn được viết bằng chữ Nôm. Trong đó, không chỉ ghi chép thơ văn, mà còn ghi chép về lý luận phê bình văn học, về lịch sử, kinh tế, quan chế, địa lý... Lê Thánh Tông là người dẫn đầu phong trào mới này, cả về nghệ thuật thể hiện, cả về tư tưởng triết học. Thánh Tông di thảo là dấu mốc quan trọng ghi nhận bước trưởng thành của truyện ký Đại Việt viết bằng chữ Hán, ra đời trước cả tập “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ (thế kỷ 16). Lê Thánh Tông khuyến khích các quan lại và tự mình tích cực sử dụng chữ Nôm như một sự tự tôn và tự cường. Trong một bài thơ Nôm, Lê Thánh Tông tự trình bày mình:
Trống dời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu.
Dưới đây là hai thiên truyện do Vua Lê Thánh Tông viết theo lối huyền ảo, kỳ bí, ma mị, phảng phất liêu trai, mời bạn đọc cùng thưởng thức văn bút tài hoa của bậc Minh quân trị vì đất nước cách đây 6 thế kỷ.
Tượng vua Lê Thánh Tông.
Bài ký một giấc mộng
Nhân Tông gặp loạn Nghi Dân. Ta mới lên ngôi, nghĩ đến việc trước mà luôn luôn phải phòng ngừa, thường dàn sáu quân thân hành đi kiểm soát. Một hôm gặp mưa to, đóng lại trên bờ hồ Trúc Bạch ở mỏ phượng. Trong cơn mưa u ám, phảng phất có tiếng khóc than thảm thiết. Khi ta truyền mọi người lắng nghe thì không thấy gì, nhưng đến khi gió lớn mưa to thì lại nghe thấy tiếng như trước. Ta ngờ vực, rót chén rượu, hắt ra phía có tiếng khóc, khấn thầm rằng:
- Trẫm trên nhờ oai linh của tổ tông, dưới dựa vào bầy tôi giúp sức, sinh, sát, thưởng, phạt đều nắm trong tay. Ai uất ức, đau khổ, ta có thể giải đi được. Ai có công đức thầm kín, ta có thể nêu lên được. Khấn với các thần ở địa phương, nếu có u hồn nào còn uất ức thì bảo chúng cứ thực tâu bày. Cớ sao gió mưa thì nghe thấy tiếng, lờ mờ không rõ, như khóc như than, nửa ẩn nửa hiện, trong tình u oán có ý thẹn thùng, làm cho ta sinh lòng nghi hoặc, muốn nêu lên không rõ công đâu mà nêu, muốn giải cho không biết oan đâu mà giải. Trẫm không nói lại lần nữa, bảo cho các thần biết.
Khấn xong, ta xem hoa cỏ phía ấy tựa hồ có ý cảm động, khiến ta cũng sinh lòng thương xót. Ta liền sắc cho các tướng truyền quân sỹ chỉnh tề hàng ngũ về cung.
Các tướng hộ giá đều phục đằng trước tâu rằng:
- Từ khi thánh thượng chính ngôi đến nay, dân chúng thảy đều thần phục, há đâu có sự bất ngờ. Nay trời rét như cắt, lại thêm mưa gió lạnh lùng, dù ơn vua rộng khắp, ba quân đều có lòng cắp bông báo ơn chúa, nhưng đội mưa ra về, dân chúng sẽ nghi là có việc khẩn cấp. Cúi xin đóng tạm ở hành tại, đợi khi mưa tạnh trời quang, truyền mở cửa Tây, chỉ trăm bước là về tới chính cung thôi.
Ta gượng theo ý chư tướng, hạ lệnh ngủ đêm ở đó. Đêm khuya mộng thấy hai người con gái rất đẹp đội một phong thư, phục xuống trước mặt tâu rằng:
- Chị em thiếp trước thờ vua Lý Cao Tông, rất được nhà vua yêu dấu. Không may phận rủi thời suy, bị kẻ gian là Trần Lục bắt trộm, đem đi trốn, định bán chị em thiếp cho người ta bằng một giá đắt, nhưng bị người láng giềng trông thấy, nó sợ tội nặng, nên đem chị em thiếp giam ở địa phương này. Tới nay đã hơn hai trăm năm. May sao nhà vua đi tuần qua đây, có lòng thương xót mọi người, nên chị em thiếp liều chết đến dâng thư, mong được đội đức thánh minh soi xét cho. Chị em thiếp nghĩ lúc này chính là lúc được ra ngoài hang tối, thấy bóng mặt trời.
Rồi đặt thư lên án, vừa khóc vừa lạy mà lui ra.
Ta tỉnh giấc, trông lên án, quả có một phong thư. Trong lòng nghi ngại, vội mở ra xem thì thấy một tờ giấy trắng ngang dọc đều độ một thước, trên có bảy mươi mốt chữ, lối chữ ngoằn ngoèo như hình giun dế, không hiểu được. Dưới cũng có hai bài thơ:
Bài thứ nhất rằng:
Cổ nguyệt lạc hàn thuỷ,
Điền ôi vị bán âm.
Dạ dạ quân kim trọng,
Thê thê thiên lý lâm.
Bài thứ hai:
Xuất tự ba sơn sự nhị vương,
Tị lân đầu thượng lưỡng tương phương
Hậu lai giá đắc kim đồng tử,
Không đới đào chi vĩnh tự thương.
Ta nghĩ đi nghĩ lại hai ba lần, nhưng vẫn chưa hiểu ý. Sáng hôm sau ta vào triều, vời học thần nội các đến, thuật rõ việc ấy và đưa hai bài thơ cho mọi người xem để giải nghĩa.
Các hoạ sỹ đều nói:
- Lời nói của quỷ thần rất huyền bí, không thể giải oan ngay được. Xin bệ hạ cho phép chúng tôi nghĩ kỹ xem thế nào rồi sẽ xin tâu lại.
Trải qua ba năm, không ai biết bài thơ ý nói gì.
Một hôm ta ngủ trưa, mộng thấy người tiên thổi địch gặp ở hồ Tây khi trước. Ta mừng lắm, mời gã cùng ngồi, cầm tay nói chuyện vui vẻ. Trong mộng lại nhớ đến hai bài thơ kia, đem ra hỏi.
Tiên thổi địch nói:
- Hai mươi tám ngôi sao Tao đàn đều là tài hoa bậc nhất trong thiên hạ, mà không ai đoán được nghĩa ư? Đến cả cậu tiên đồng đứng bên thượng đế cũng bị phú quý làm mê muội mất rồi à?
Ta cười nói:
- Tiên triết ta có câu: “Không thể biết được mới gọi là thần”. Đem lòng trần dò lòng thần, dò thế nào được? Vậy nên ba năm nay muốn thân oan cho người mà vẫn chưa được.
Tiên thổi địch mới giải nghĩa rằng:
- Hai người con gái ấy là yêu thần của chuông vàng và đàn tỳ bà đó. Khi xưa Lý Cao Tông chế nhạc, đặt tên chuông là Kim chung, tên đàn là Ngọc tỳ bà. Là chuông, mà có tiếng tơ trúc, là tơ, mà có âm hưởng của kim thạch, cho nên mỗi lần được tấu ở ngự tiền, vẫn được ban thưởng. Nhà vua rất quý, đem cất vào nhạc phủ cẩn thận. Đến đời Huệ Tông, trễ nải chính trị, ruồng bỏ nhạc công, hàng ngày say sưa hát hỏng, múa giáo tự xưng là tướng nhà trời, uỷ cả chính quyền cho họ Trần. Lúc ấy, một người tôn thất nhà Trần, tên là Lục, thừa cơ lấy trộm hai nhạc cụ ấy. Không ngờ bị nhạc công là Nguyễn Trực trông thấy, toan đem phát giác. Lục sợ mắc tội, liền đem chôn tại bờ hồ Trúc Bạch, bên trên trồng một cây anh đào cho mất dấu tích đi. Khi vàng và ngọc lâu ngày thành yêu, nay chúng muốn kêu với vua đào lên để chúng được trổ tài cho nhà vua dùng đó. Trong bài thơ nói: “Cổ nguyệt lạc hàn thuỷ”, là: Bên tả chấm thuỷ, giữa có chữ “cổ”, bên hữu có chữ “nguyệt”, ghép lại thành chữ “hổ”. Âm là bên hữu, bên hữu chữ “điền” thêm chữ “bán” là chữ “bạn”. Cho nên nói: “Điền ôi vị bán âm”. Kim, đồng ghép lại là chữ “chung”. Thiên lý ghép lại là chữ “mai”, vì chữ “thổ” ngược lại là chữ “thiên”. Bốn câu này đọc thành bốn chữ là “Hồ bạn chung mai” (nghĩa là Chuông chôn bờ hồ). Còn các chữ khác chẳng qua chắp nhặt cho thành câu thôi. Hai chữ “vương” trên chữ ba là chữ “bà”. Trên đầy chữ “tỷ” với trên đầu chữ “ba” so sánh như nhau, nghĩa là cùng đặt hai chữ “vương” lên trên thì thành chữ “tỳ”. Hai chữ tuy đảo ngược, nhưng cũng hiểu là chữ “tỳ bà” và “kim chung” cùng đựng vào một vật gì đem chôn đó. Còn câu: “Không đới đào chi vinh tự thương”, thì xem bờ hồ có cây anh đào, tức là hai thứ ấy chôn ở dưới gốc đó.
Ta lại hỏi âm và nghĩa của 71 chữ ở đầu trang.
Tiên thổi địch nói:
- Những chữ ấy tức là lời tấu của hai con yêu. Lối chữ ấy là lối chữ cổ sơ của Việt Nam. Nay Mường Mán ở các sơn động cũng có người còn đọc được. Nhà vua triệu họ đến, bắt đọc thì khắc biết.
Tiên thổi địch nói xong, ta còn muốn nói chuyện nữa. Chợt có cơn gió thoảng qua làm ta tỉnh giấc. Bèn truyền thị vệ theo lời dặn đi tìm. Quả nhiên đào được một quả chuông vàng và một cây đàn tỳ bà ở bên hồ.
Tinh chuột
Có anh trai một nhà giàu nọ cha mẹ cưới vợ cho anh vào năm hai mươi tuổi. Vợ có nhan sắc, anh rất yêu. Mới được nửa năm, người cha bảo anh ta rằng:
- Người xưa nói: “Trẻ chẳng học, già làm gì?”. Mày đang tuổi xanh sức khoẻ, chính là thời kỳ tu tiến. Nếu nặng tình chăn gối, uổng phí thì giờ, về sau hối lại cũng chẳng kịp nữa, con nên đi học xa, một vài tháng về một lần cũng được.
Nghe lời cha dạy, anh hăng hái từ biệt gia đình, cùng với một đầy tớ đi phương xa tìm thầy theo học. Khi đi vợ tiễn chân nói riêng với chàng rằng:
- Vợ chồng là duyên trăm năm, không phải duyên sớm tối. Chàng đi học xa, may ra đỗ đạt, trên thì cha mẹ vẻ vang, dưới thì vợ con sung sướng, sau này hưởng thụ còn nhiều. Mong chàng hãy tạm gác tình yêu thương thiếp, ra sức học hành; sớm hỏi tối chào, thiếp xin đảm đương, mong chàng chớ ngại. Anh gật đầu từ biệt.
Từ đó, vợ ở nhà phụng thờ bố mẹ chồng, nết ngoan ngoãn, không có điều gì đáng chế trách. Thấm thoát đã được nửa năm.
Bỗng một đêm đã khuya, vợ chàng thấy chàng trèo tường về, vào ngay trong buồng. Vợ ngạc nhiên hỏi:
- Ô! Lang quân sao lại về đêm như thế? Từ xa trở về, chưa vào chào thầy mẹ, đã vội đến khuê phòng. Sáng mai thầy mẹ biết chuyện, chả hóa ra chàng là người coi tình yêu hơn đạo hiếu, không phải kẻ học thức, mà thiếp cũng mang tiếng là người chỉ biết ham vui.
Chồng nói:
- Ta nhớ hiền nương lắm, thường thường muốn về, nhưng chỉ sợ thầy mẹ không bằng lòng, cho nên phải đợi đêm khuya lẻn về, rồi gà gáy lại đi. Hiền nương nên giấu hộ ta.
Vợ nín lặng. Rồi hai người cùng vào trong màn, ái ân đằm thắm. Đến gà gáy, quả nhiên chàng dậy từ biệt.
Cách một đêm, đêm sau lại đến. Vợ ngờ hỏi rằng:
- Nghe nói nhà chàng trọ học cách nhà ta hơn hai ngày đường, sao đi lại được luôn như thế?
Chồng nói:
- Ta vì hiền nương, đã rời chỗ trọ về gần, cách nhà độ mười dặm thôi. Vì muốn đi lại cho tiện, nên phải giấu diếm không dám lộ chuyện cho cha mẹ biết.
Vợ cũng yêu chồng, nên tin lời không hỏi lại nữa.
Cứ như thế hơn nửa năm, người ngoài không ai biết chuyện. Nhưng người vợ nhan sắc ngày một sút kém, tựa hồ người ốm.
Bố mẹ chồng ngờ là con dâu nhớ chồng mà đến nỗi như thế, bàn riêng với nhau rằng:
- Đôi vợ chồng trẻ mà phải xa nhau kể cũng đáng thương. Từ khi con trai ta đi học đến nay, tính đốt ngón tay đã một năm tròn. Con dâu ở nhà công việc siêng năng, nhưng mặt buồn rười rượi. Ta nên viết thư cho con trai tạm về trong vòng một tháng. Một là yên lòng cha mẹ tựa cửa mong chờ, hai là thoả lòng dâu con gối chăn mong đợi.
Thế rồi người cha viết thư cho con. Con tiếp được thư xin phép thầy học ra về. Đến trưa hôm sau tới nhà, chàng vào ngay nhà trong, đến tận giường hỏi thăm sức khoẻ cha mẹ.
Cha thong thả hỏi đến chuyện học hành. Anh đối đáp trôi chảy. Cha rất vui lòng. Một lát gọi con dâu ra, trỏ vào anh, cười mà nói rằng:
- Con xem thầy tớ nó áo quần rách nát, tóc da gàu ghét. Thật là cảnh khổ của học trò kiết xa nhà. Sao con không lấy áo mới cho chồng thay, nấu nước cho chồng tắm?
Con dâu vâng lời.
Đến chiều lại dọn cơm rượu cùng vui trong gia đình. Đêm đã khuya, anh xin phép về phòng nghỉ. Cùng ngồi với vợ, anh hỏi rằng:
- Thầy mẹ nàng vẫn được khoẻ mạnh cả chứ?
Vợ nín lặng.
Anh lại nói đùa rằng:
- Tục ngữ có câu: “Vợ chồng mới cưới không bằng vắng lâu”, là ý thế nào nhỉ?
Vợ không trả lời.
Chồng lại nói:
- Kinh Thi có câu: “Đêm nay là đêm nào? Thấy người lương nhân, phải nghĩ thế nào với người lương nhân? Đêm này là đêm nào? Thấy người đẹp thì phải nghĩ thế nào với người đẹp ấy?” Nàng với ta có đồng tình với cố nhân không?
Vợ cũng nín lặng.
Chồng lại thong thả hồi lâu, vỗ lưng vợ bảo rằng:
- Ta từ khi xa nhà đến nay, song gà luyện tập, tri thức ngày một mở mang, án tuyết gắng công, đức hạnh ngày một tu tiến. Mới biết “Cha mẹ thương con lo lắng cho con về lâu về dài”, lời cổ nhân không dối ta bao giờ. Ta tuy cách xa dưới gối, việc phục dưỡng cha mẹ đã có người lo. Song chạnh nghĩ về khuê phòng, niềm ái ân vẫn thường mơ tưởng. Ta có làm bài ca như thế này:
Nhớ ai như cắt như mài
Sầu mài không dứt mà chùi không phai.
Cắt mài lòng những nhớ ai,
Cao, cao hơn núi, dài, dài hơn mây.
Hỏi nàng, nàng phỏng có hay,
Lòng vương chốn cũ, hồn bay quê người.
Để ta dạ những bồi hồi,
Nằm thời biếng ngủ, ăn thời chẳng ngon.
Đêm đông ngày hạ bồn chồn,
Người xa một khắc, tình hồn ba thu.
Biệt ly trời khéo vẽ trò,
Vắng tanh như nhạn, tịt mù tin ngư.
Trải qua mới một năm dư,
Phòng không đêm vắng dạ như thế này.
Tình sy một mối xưa nay.
Vợ vẫn không trả lời.
Chồng giận dỗi, nói:
- Người đàn bà trong thơ Tiểu Nhung thức ngủ không yên. Người đàn bà trong thơ Sơn Đông một mình than thở. Xa nhau thì nhớ, ai cũng như thế. Cớ sao ta rất nhớ nàng mà nàng tuyệt nhiên không nhớ ta? Ba lần hỏi mà ba lần không đáp là cớ gì? Sao không xem chim cưu mái cầu tạnh để được gần chồng? Loài chim còn như thế, huống chi là người. Hay là đã cành chim lá gió, đưa người cửa trước rước cửa sau có phải không?
Tục ngữ có câu:
“Vắng chồng thì lại có chồng
Việc gì mà chịu nằm không một mình”.
Câu ấy đúng như tính nết của nàng đó.
Vợ trợn mắt nhìn chồng, nói rằng:
- Sao chàng nói càn như thế? Chàng đi học xa tới nửa năm, đã giấu diếm cha mẹ rồi dời về trọ ở ấp gần. Đêm khuya trèo tường về, gà gáy mở cửa đi. Tính đến này đã được nửa năm, đi lại với nhau tới hàng trăm lần. Lại còn nhớ nhung gì nữa? Thương chàng, yêu chàng, sợ chàng cho nên vẫn giữ lời dặn, không dám tiết lộ. Bây giờ lại thêu dệt lên điều phi nghĩa, buộc cho tiếng nhơ nhuốc. Thân này đã điếm nhục, còn mặt mũi nào nhìn mẹ chồng và bố mẹ đẻ nữa?
Chồng lại càng giận, mắng rằng:
- Suốt hơn năm trời, ta đã về nhìn mặt lần nào, có cả lão bộc cũng biết. Đến như việc rời nhà trọ, trèo tường về, ta có bao giờ làm thế? Chắc là đứa gian phu nào giả hình dạng ta, đêm hôm tối tăm, không phân biệt thật giả, dục tình động lên, vội vồ lấy nó. Mày sao dám nói càn là ta?
Vợ khóc lên nói:
- Vết đỏ ở cổ, mụn hạt cơm ở trong tai, không phải chàng thì ai? Tiếng nói như tiếng khánh, hai môi đỏ như son, không phải chàng thì ai? Tầm cao không sai một tấc, vóc lớn không kém một phân, không phải chàng thì ai? Dưới vận quần trắng ngoài vận áo the, quần áo chàng đều do tay thiếp cắt may, lẽ nào lại nhầm? Quạt lụa phe phẩy, khăn hồng vắt vai, những thứ chàng cầm dùng đều là của thiếp đưa tặng, lẽ nào còn sai? Huống hồ lời nói bên gối, cách đây mới có một đêm, thiếp còn nhớ cả, sao lại bảo thiếp là nhận càn?
Nói xong, lại khóc ầm lên.
Bố mẹ chồng nghe tiếng, vội vàng chạy đến, hỏi vì duyên cớ gì. Người vợ vì bị chồng sỉ nhục nên tức giận, liền khóc và lạy phục xuống đất, thuật hết mọi chuyện, không nghĩ gì đến xấu hổ nữa.
Xong lại nói tiếp:
- Lời chồng con nói, nếu thực như thế, thì không những con mang tiếng phụ chồng mà còn làm nhục đến gia thanh nữa. Thân con còn sống làm gì, từ nay trở đi, không dám đứng hầu thầy mẹ nữa.
Nàng liền đập đầu vào cột, định tự tử. Chồng và bố mẹ cấp cứu, lấy lời ngọt ngào khuyên giải. Một lát nàng mới tỉnh lại.
Bố mẹ bảo rằng:
- Từ ngày con đi học xa, vợ con ở nhà rất hiền lành đứng đắn, không có ngoại tình đâu. Nếu bị kẻ gian đánh lừa, thì nửa năm nay há không ai biết sao? Hay là ma quỷ yêu tinh ham mê nhan sắc nó mà nhũng nhiễu chăng? Con hãy cứ đi học, ta sẽ tìm phù chú trấn an cho nó.
Con vâng lời. Qua một tháng lại đem người lão bộc đến nhà trọ cũ. Bây giờ mẹ chồng dặn kín con dâu rằng:
- Đêm nào nó đến, con nên giữ chặt lấy, kêu to lên, để ta đến xem.
Đến đêm hôm thứ ba, ông bố ở nhà trong nghe tiếng kêu. Lập tức mọi người đến bắt trói gian phu vào cột. Sáng mai bố mẹ đến nhìn kỹ thì đúng là con mình. Họ hàng gần xa đến xem, ai cũng nhận đúng là người làng người họ.
Trong bọn ấy có người thức giả nói:
- Nên sai người đến chỗ trọ hỏi anh ta có về hay không, thì mới biết đích là thực hay giả.
Người cha theo lời. Hôm sau người con tiếp được tin, lập tức cũng lão bộc tất tả về nhà. Cha mẹ làng mạc và người vợ đều nhìn, rõ ràng một người mà thành hai, hai người mà như một. Bèn bắt cả hai người đem thưa quan huyện. Quan huyện không biết xét xử thế nào, giải lên tỉnh. Quan tỉnh cũng không xử được, nên đem việc ấy về tâu triều đình.
Ta thấy thế, thân ra xét hỏi. Hai người đều đứng trong sân rộng. Ta sai thị vệ cởi áo xem, ngoài mặt đã giống nhau, mà trong mình, những chỗ kín, nốt ruồi đen, đỏ lại càng giống nhau như hệt.
Có người tâu ta rằng:
- Ban ngày thì đưa ra nắng, ban đêm thì soi trước đèn, có bóng là người, không có bóng là ma.
Ta đem thí nghiệm cũng không ăn thua gì.
Cả triều chịu bó tay, không nghĩ được phép gì để xét xử việc này.
Ta bực mình tự nghĩ rằng: “Mình là người đứng đầu thần dân, nếu không xét cho ra cái án ma này, thì bố mẹ người thêm một đứa con ma, vợ người thêm một thằng chồng ma. Đã gọi là ma, sau này không khỏi sinh ra tai vạ khác”. Thế rồi ta thắp hương cầu khấn, nhờ Đổng Thiên vương giúp sức. Hơi hương bốc lên, Thiên vương nhập vào con đồng, bảo ta rằng:
- Ma này là giống tinh chuột đấy. Chuột già lâu năm ăn nhiều tinh khí của các vật, thành giống quỷ quái này. Lửa không hại được, phù chú không trừ được. Thứ ma này thay đổi hình dạng trăm vẻ, biến hóa giỏi nhất xưa nay, đời nhà Tống, nó biến làm vua Nhân Tông giả, Long đồ Lão tử tra án này cũng không có thuật gì trừ khử được, phải tâu Ngọc Hoàng thượng đế xin mượn con mèo mặt ngọc, nó mới không thể độn hình, bản tướng lộ ra, bị mèo kia cắn chết. Nay ở Thiên đình kho sách rất nhiều, khó mượn được con mèo ấy. Tôi thử dùng kiếm khí trừ con ma ấy cho bệ hạ.
Bèn lấy hương thư phù vào hai đạo bùa, sai dán vào lưng hai người ấy. Dẫu ma muốn chạy thoát cũng không được nữa.
Đến hôm sau ta bắt hai người ra đứng giữa sân rồng quay mặt vào nhau. Bỗng nhiên mây đen nghịt, trong sân có một luồng khí sáng như chớp. Một lát mây tan thì thấy một con chuột ngũ sắc, râu trắng như tuyết, bốn chân huyền đề, nặng chừng ba mươi cân, bảy khiếu chảy máu đen, chết gục ở sân. Còn người đứng bên kia thì vẫn tỉnh táo như cũ. Hai bên thị vệ trông thấy, ai cũng kinh khủng. Ta ngửng mặt lên trời tạ ân xong, truyền đốt con chuột ấy, đem tro ném xuống sông.Vợ người nhà giầu kia uống thuốc hơn một năm, mới giải được cái độc tinh chuột.
L.T.T