Thực hư câu chuyện ăn ốc núi Bà Đen có thể chữa bách bệnh, đã khiến cho không ít người tìm về đây chỉ để nhìn thấy, hoặc tìm cách... ăn một bữa ốc. Trong khi những lời đồn thổi vẫn đang lan rộng, thì từng ngày, lượng ốc quý này vẫn đang bị săn lùng, tận diệt...
Ăn ốc chữa bách bệnh?
Đặt chân đến núi Bà Đen vào những ngày nắng hanh hao, gió nóng rát cháy da người. Dẫu biết rằng, tiết trời này khó lòng mà thấy tận mắt những con ốc núi Bà Đen nổi tiếng gần xa bấy lâu nay. Song óc tò mò vẫn khiến chúng tôi hăm hở.
Qua tìm hiểu thực tế về những quan niệm dân gian trong vùng, ốc núi Bà được xem là con vật linh thiêng, huyền bí gắn liền với giai thoại núi Bà Đen. Tương truyền vào khoảng nửa cuối thế kỷ 18, những cuộc chiến phân tranh giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn đã đẩy nhân dân lâm vào cảnh lầm than.
Thời bấy giờ, Nguyễn Huệ dấy lên phong trào Tây Sơn dẹp thù trong giặc ngoài, nên được nhân dân ủng hộ và đi theo chiến đấu. Trong số thanh niên theo Nguyễn Huệ chống giặc có người thanh niên tên Lê Sỹ Triệt (quê ở Quang Hóa tức huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh ngày nay). Người này tài cao, chí lớn, vì yêu nước nên đành chia tay người yêu Lý Thị Thiên Hương lên đường tòng quân.
Ốc núi Bà thường sống trên vách đá.
Ở quê nhà, người con gái họ Lý xinh đẹp, giữ gìn tiết hạnh chờ ngày người yêu trở về. Nhân tiết tháng giêng, cô lên núi viếng chùa cầu bình an cho chàng trai đang chiến đấu nơi sa trường. Không ngờ trên đường đi lên núi, cô gặp tên cường hào ác bá định ra tay cưỡng bức. Để giữ tròn tiết hạnh, cô gái gieo mình xuống núi quyên sinh.
Từ đó, dân gian nơi đây tin rằng, hồn người con gái chết oan không thoát giới mà lưu ẩn nơi chùa trên núi cao, nên chùa rất linh thiêng. Những đồng xu cô mang theo người dùng để bố thí cho người nghèo khi đi viếng chùa, cũng rơi ra trong lúc cô gieo mình xuống vực thẳm và vương lại trên các vách núi, biến thành những con ốc nhỏ.
Đến hôm nay, loại ốc này vẫn mang hình dạng những đồng tiền xu nhỏ nhắn, tròn trịa. Người dân nơi đây cho biết, ốc núi Bà Đen rất nhẹ nhưng phần thịt rất đầy, thịt dai, ngọt, có độ đạm cao, ăn vào có cảm giác khỏe khoắn hơn. Kỳ lạ hơn, loài ốc này chỉ sinh sản rộ vào lối tháng Giêng âm lịch, khi tiết trời lất phất mưa xuân. Khoảng thời gian gần Tết Nguyên đán, sau những cơn mưa nhỏ, đất ẩm ướt, trời vừa chập tối, ốc núi Bà mới nhộn nhịp ra khỏi hang kiếm ăn và tìm bạn tình.
Tuy nhiên, loài ốc trên không chỉ quý, hiếm và trở thành đặc sản của tỉnh này nhờ những đặc điểm nêu trên. Sở dĩ ốc núi Bà Đen trở nên khan hiếm, đắt đỏ như vậy là do ngoài độ dinh dưỡng cao nó còn là một phương thuốc trị bệnh dưới dạng một loại thực phẩm chức năng. Khẳng định điều này, không riêng chị Trương Thanh Hương (ngụ thị xã Tây Ninh) mà nhiều người dân khác cũng tin rằng ốc núi Bà Đen có khả năng trị bệnh. Tuy không chữa được bách bệnh như lời người bán ốc đồn thổi nhưng tôi biết một số người hết bệnh đau dạ dày, phong thấp nhờ ăn loại ốc này.
Lý giải khả năng thần kỳ trên, chị Hương cho biết thêm: "Thức ăn của loài ốc núi Bà chủ yếu là thảo dược mọc hoang trên núi như cây mã tiền, lá vong núi, lá Nàng Hai (tên gọi dân gian của một loại thuốc nam quý hiếm). Dân gian thường sử dụng lá Nàng Hai để chữa bệnh nhức mỏi, đau khớp, thống phong, còn cây vong núi giúp an thần. Ốc núi Bà Đen ăn những cây thuốc này nên thịt ốc mang đầy vị thuốc, mùi vị rất ngon và bổ dưỡng. Hơn thế, dân xung quanh núi vẫn luôn tin rằng, loài ốc bé nhỏ, có hình thù như đồng tiền có hình xoắn ốc trên lưng là lộc của núi Bà Đen cho nhân dân bớt bệnh tật, đau ốm.
Con người đang tận diệt loài ốc quý này.
Khi "lộc núi" bị tận diệt
Lạ một điều, chỉ ở núi Bà Đen mới có loại ốc này. Sau những cơn mưa nhỏ ướt đất vào thời điểm cuối ngày, những con ốc núi mới rời khỏi hang đá, kiếm ăn. Nắm được quy luật trên, cứ trời vừa nhá nhem tối, những tay săn ốc chuyên nghiệp lại quảy bộ đồ nghề, trang bị thêm một chiếc đèn pin và vài dụng cụ phòng tránh khi gặp rắn nhắm hướng núi thẳng tiến. Người dân khu vực núi cho biết săn bắt ốc quý không đơn giản, tiềm ẩn khá nhiều bất trắc như đối đầu với rắn, rết, đường núi vách đá cheo leo, bị kiểm lâm bắt gặp...
Theo cách tính của người dân địa phương, một ký ốc núi vào khoảng 140 con, mỗi người một đêm săn khoảng từ 2-3 ký. Thông tin vấn đề trên, những người bán hàng nước lâu năm dưới chân núi Bà Đen khẳng định tính trung bình mỗi đêm có gần 50 người đi săn ốc, tính ra loài ốc quý này đang sắp bị tuyệt chủng. Nhiều khi có cả một gia đình chỉ trông chờ vào việc săn ốc núi đêm.
Do đó, cứ đêm xuống, người dân bản xứ lại ùn ùn kéo vào núi. Việc săn bắt ồ ạt, thiếu kiểm soát như trên thì chỉ cần làm bài toán đơn giản, ai cũng thấy chóng mặt về số lượng ốc bị tận diệt. Hơn thế, những tài liệu khoa học nghiên cứu về loài ốc quý trên cho thấy loại ốc núi Bà sinh sản chậm, kén môi trường sống, nên thường chọn những nơi có điều kiện sống tương tự nhau. Điều này giúp kẻ đi săn dễ nắm được tâm lý tìm đến nơi bắt cả ổ.
Ghi nhận tại núi Bà Đen, chúng tôi thấy ngoài những quán ăn được biết đến với những món đặc sản từ các loại thịt rừng, thằn lằn núi, còn xuất hiện nhiều địa điểm bán ốc. Tuy nhiên, những địa điểm này tuyệt nhiên không trưng bày loại ốc núi ngon nức tiếng xứ Bà Đen. Hỏi thăm người dân địa phương, chúng tôi được biết: "Họ không dám đem trưng ốc núi Bà Đen ra bán vì sợ kiểm lâm tịch thu. Muốn ăn, mua thì cứ đến nơi là có, quán nào cũng có ốc núi hết".
Cũng theo dân địa phương, ở các tụ điểm ở đây không hề xuất hiện ốc núi Bà Đen. Tuy nhiên, khi ốc được đem ra chợ thì được bày bán công khai. Khi ra đến chợ thì nó trở thành hàng hóa, bán ốc núi quý cũng như bán các loại ốc khác, bán gà, bán vịt vậy thôi, một người dân cho hay.
Được biết, do giá trị kinh tế từ loại ốc núi Bà Đen quá cao, nhiều người dân đã và đang ngày càng có nhiều cách thức săn bắt mới với những dụng cụ, phương tiện mới. Những cách thức, phương tiện trên đang từng ngày khép loài ốc quý vào con đường tận diệt.
Lý giải tác dụng chữa bệnh khi ăn ốc Về câu chuyện trị bách bệnh của ốc núi Bà Đen, người dân địa phương cho biết thức ăn của ốc núi Bà Đen là các loại thảo dược hoang dã như lá vong, lá nàng hai, và các loài thảo dược. Dân gian thường sử dụng những loại thảo dược trên trị các bệnh đau khớp, phong thấp, đau dạ dày... Những vị thuốc thẩm thấu vào thịt ốc làm thịt ốc thơm ngon và bổ dưỡng. Người thân của người bệnh thường săn lùng loại ốc này với cầu mong ăn ốc sẽ khỏi bách bệnh. Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Tây Ninh cho biết: Đề tài khôi phục ốc núi Bà Đen do Viện sinh học nhiệt đới thực hiện áp dụng vào thực tế. Người trực tiếp nghiên cứu là PGS.TS Hoàng Đức Đạt, nghiên cứu viên cao cấp Viện sinh học nhiệt đới. Dự án trên được tách làm hai giai đoạn. Thời điểm này dự án đang vào giai đoạn hai. Giai đoạn này, Sở sẽ tiến hành nuôi ốc ở môi trường tự nhiên trên núi Bà Đen. Bước đầu, giai đoạn này đang thực hiện rất khả quan. |
Ngọc Lài - Hà Nguyễn