Phụ nữ chỉ dám nhìn từ xa?
"Đến Sốp Cộp mà chưa đến tháp Mường Và, chưa được hít hà hương lúa dưới thung lũng bên dòng suối Nậm Ca là chưa đến Sốp Cộp". Câu nói của một vị cán bộ văn hoá tỉnh Sơn La làm chúng tôi háo hức muốn biết điều gì khiến tháp Mường Và được coi là biểu tượng của một huyện biên ải. Tuy nhiên, khi hỏi đường những người dân ở trung tâm huyện lỵ Sốp Cộp chúng tôi lại được nhắn nhủ: "Các cô là phụ nữ không nên đến tháp đó. Phụ nữ ở đây, ít người dám leo đến chân ngọn tháp thiêng này". Những lời nhắn nhủ khiến chúng tôi càng muốn đến và muốn biết, tại sao những người dân cách đó hàng chục cây lại có vẻ sợ đến thế.
Huyện Sốp Cộp là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Sơn La, có đường biên giới dài 120km giáp nước Lào. Tháp Mường Và nằm trong địa phận xã Mường Và, cách trung tâm huyện lỵ 8km về phía Nam.
Đây là một trong những xã đông dân nhất của huyện Sốp Cộp với 27 bản trong đó chủ yếu là dân tộc Thái, Lào, H'mông, Khơ mú. Tiếng địa phương, Mường Và có nghĩa là một miền đất đông người tập trung sinh sống.
Theo truyền thuyết, cách đây khoảng hơn 400 năm, đây là vùng đất có cảnh đẹp, địa lý thuận lợi, đằng sau bản Mường Và là dãy núi chạy dài, đằng trước là một cách đồng rộng lớn, có suối chảy qua. Theo thuyết phong thuỷ, đây là vùng đất đẹp và ổn định. Một ngày, có một ông thầy địa lý người Hoa đi qua thấy có cảnh đẹp, địa lý thuận lợi, đằng sau bản Mường Và là dãy núi chạy dài, đằng trước là một cánh đồng rộng lớn, có suối chảy qua. Dựa theo thuyết phong thuỷ có nghĩa là một vùng đất đẹp và ổn định. Ông thầy địa lý đã bàn với Chẩu Hua (tên gọi của một người có uy quyền của vùng ngày đó) xây dựng chùa và tháp. Chẩu Hua huy động nhân dân trong vùng khởi công đắp quả đồi ngay tại trung tâm xã. Đất đắp đồi được lấy từ hai bên và đằng sau tháp (hiện nay xung quanh tháp vẫn còn 3 hồ lớn). Sau khi đắp đồi xong, Chẩu Hua cho xây tháp và dựng chùa.
Nhiều người quanh vùng còn truyền tai nhau ngọn tháp rất linh thiêng, ít người dám lai vãng tới, đặc biệt là đàn bà, con gái. Dù quả đồi nơi ngọn tháp tọa lạc chỉ cao có vài chục mét, nhưng bất cứ ai lỡ bước lên đó thì đều có cảm giác chóng mặt, buốt đầu... Những người quanh vùng ở đây nói rằng triệu chứng lạ lùng mà người dân gặp phải trên là do thần giữ của người xưa yểm lại gây ra.
Tháp Mường Và vừa được trùng tu lần 3 vào năm 2013
Để rõ hơn về "triệu chứng" này, chúng tôi đã tìm đến những vị cao niên ở đây. Sau nhiều lần hỏi thăm, chúng tôi được gặp già Cà Văn Khinh (80 tuổi ở bản Huổi Hùm, xã Mường Và). Già Khinh cười hiền, trấn an chúng tôi: "Trước đây, quanh tháp ít dân cư. Giờ, dân sống quanh tháp rất nhiều. Tuy nhiên, những câu chuyên kỳ bí xung quanh ngôi tháp thì tôi được nghe khá nhiều lúc còn nhỏ". Theo già Cà Văn Khinh, khi ông còn nhỏ, người già trong làng kể rằng, ngày xưa dưới chân tháp có ngôi chùa cổ. Đó là nơi ở của những vị tăng ni tu đắc đạo và có nhiều phép thuật. Xung quanh chân tháp có vô số tượng đất, đủ hình thù khác nhau. Và, chỉ có sư sãi mới được vào tháp thắp hương và quét dọn. Tuy nhiên, khung cảnh yên bình nơi đây bị cuốn đi khi giặc giã tràn đến. Chúng cướp bóc hết của cải vàng bạc, châu báu quanh vùng. Sau đó, bọn giặc bị đánh đuổi, chúng không mang theo được số của cải đã cướp nên đào một đường hầm vào chân tháp và chôn hết ở đó. Trước khi lấp cửa hang, chúng đã bắt 4 sơn nữ đồng trinh đẹp nhất vùng và 4 người con trai chưa vợ.
Ngày đó, ở làng có người tên Thoong Phênh không sợ gì ma quỷ. Hàng ngày, ông thường lùa trâu lên chân tháp để thả cho ăn cỏ, rồi vào tán cây cạnh những phiến đá nằm ngủ. Một hôm đang ngủ, ông giật mình nghe được tiếng nói từ trong núi vọng ra, nếu ông mang một mâm xôi, một con gà trống thiến thắp hương thì thần núi sẽ trả một con gà bằng vàng. Tỉnh dậy, ông mừng rỡ về nhà vay mượn tiền mua xôi, gà như thần núi đã dặn. Thắp hương xong thì quả thật, từ trong kẽ đá, một đàn gà bằng vàng kéo nhau chạy ra. Tuy nhiên, thần núi chỉ cho ông bắt con gà què đi phía sau cùng của đàn gà vàng. Ông đã không đồng ý với giao kèo đó và đàn gà biến mất. Sau sự việc kỳ lạ đó, ông mang chõng lên tháp nằm ăn vạ. Tuy nhiên, cứ đêm đến, ông mắc võng nằm trên tháp thì sáng ra ông lại thấy mình nằm ở bờ ruộng. Chuyện đó lặp đi lặp lại nhiều lần, lại không thấy đàn gà trên xuất hiện nữa, nản chí, ông đành bỏ cuộc... Những lời đồn đoán, câu chuyện mang đầy tính tâm linh, bí ẩn bao trùm ngôi tháp.
Chứng tích văn hoá tuyệt mỹ
Dùng tâm linh “dọa” người trần tục PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hoá và Phát triển cho rằng: "Không chỉ ở tháp Mường Và mà ở nhiều những di tích văn hoá lâu đời vẫn thường lưu truyền những câu chuyện mang tính liêu trai, kỳ dị. Và, tập tục chôn các tượng bằng đồng đen, nữ đồng trinh như một hình thức tế thần. Không ai biết là chính xác có hay không những kho báu ở những nơi này. Nhưng mục đích của không ít câu chuyện liêu trai là nhằm để bảo vệ sự tôn nghiêm, an toàn của tháp. Những người xây tháp muốn dùng tâm linh "dọa" người trần tục. Lấy uy quyền thần linh để ngăn sự xâm phạm tài sản, kiến trúc của tháp nhờ đó mà có những ngôi tháp tồn tại hàng trăm năm. Những giá trị văn hoá về kiến trúc, tập tục… được lưu giữ qua nhiều thế hệ đến ngày nay". |
Không chỉ khoác lên mình những câu chuyện mang tính liêu trai, tháp Mường Và còn được nhắc đến là một trong những công trình kiến trúc đặc sắc miền biên ải. Hai mặt Tây Bắc của tháp là ngọn núi cao tựa thế tay ngai, hai mặt còn lại nhìn xuống bản Mường Và với các dãy nhà sàn san sát của người Thái, người Lào, xa xa là thung lũng trồng lúa với suối Nậm Ca chảy qua như một dải lụa. Ngôi tháp tọa lạc trên một quả đồi nhân tạo, cao 5 tầng, xây dựng theo hình bút tháp. Đứng từ trên tháp, thả tầm mắt, du khách có thể bao quát được cả trung tâm xã Mường Và với cánh đồng rộng lớn và những dãy núi trập trùng bao quanh.
Ngọn tháp cao 15,6m. Trong đó, chân móng 2,6m, tháp cao 13m. Chân móng tháp hình vuông, bó bằng gạch, mỗi chiều rộng 9,2m, cao 2,6m. Xung quanh mặt chân móng là đường chạy đàn, rộng trung bình 3,9m. Tháp được xây bằng gạch vồ, liên kết các viên gạch là vôi, cát. Tháp xây đặc toàn bộ, không có cửa, phân chia 4 mặt khá đều nhau, mỗi mặt quay một hướng, có hình trụ vuông, dạng bút tháp, được chia thành 5 tầng. Niên đại chính xác của tháp vẫn chưa rõ ràng bởi không có văn bia ghi lại. Nhưng theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, ngọn tháp này là một trong hệ thống các chùa tháp xây dựng ở khu vực Tây Bắc. Niên đại có thể trên 400 năm.
Tron khuôn viên di tích này, trước đây còn có một chùa gỗ 2 gian, cách tháp 100m, dấu tích chỉ còn lại nền, một ở phía Tây Nam của tháp, cách tháp chừng 50m và một ở phía Đông Nam bản Mường Và, cách tháp chừng 1,5km. Cả hai đều tìm thấy nền móng và gạch vồ giống gạch xây Tháp. Theo lời kể ông Khinh, trước đây, chùa tháp có thờ 8 pho tượng đồng, 4 pho tượng gỗ, 1 tượng thủy tinh, 1 trống gỗ cổ, 1 pho sách cổ. Ngoài ra còn có một trống gỗ, một sách cổ viết bằng chữ Phạn. Trải qua chiến tranh tàn phá và không có sự quản lý, lưu giữ, hiện nay chùa bị phá huỷ hoàn toàn; hiện vật trong chùa chủ yếu do nhân dân lưu giữ.
Ông Trần Tân Phong, Trưởng phòng nghiệp vụ du lịch, sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết: "Mường Và mang nét văn hoá, tôn giáo của dân tộc Lào tại Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng. Để tôn tạo lại một di sản, mới đây Sở đã thực hiện trùng tu lại tháp, cố gắng giữ các hiện vật gần nhất với nguyên bản. Nét độc đáo của tháp ngoài hình khối còn phải kể đến nguyên liệu xây dựng tháp. Tháp được xây dựng bằng gạch vồ, màu đỏ, gắn với nhau bằng vôi, cát và mật. Chân tháp xây dựng theo hình vuông, xây đặc. Giữa các tầng tháp trang trí bằng hình lõm (nhìn mặt cắt như hình bán nguyệt). Nơi tiếp giáp với tầng 2 trang trí hoa văn dây xoắn, điểm xuyết hoa cúc. Nơi tiếp giáp với tầng 3 được trang trí hình voi đi lên núi... đến tầng 5 trang trí như một búp sen. Với những giá trị lịch sử - văn hóa của mình, tháp Mường Và đã được bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận xếp hạng di tích kiến trúc cổ cấp Quốc gia.
Hoàng Mai - Diệp Hương