Nhiều người cho là phù phiếm nhưng người dân tại Huế và cả nơi khác thì đã được mắt thấy tai nghe. Thậm chí, đến cả bác sỹ thú y cũng khuyên người dân nên tìm đến những thầy lang này để chữa chạy cho gia súc. Dù công dụng hiệu nghiệm như vậy nhưng thầy thuốc không hề lấy một đồng phí nào và còn truyền dạy bí kíp phương thuốc thần cho nhiều người. Song trên thực tế, ít ai có thể học được.
Bí ẩn phương thuốc lạ
Người phụ nữ sau khi cung cấp đầy đủ thông tin về con vật nuôi bị bệnh rồi tần ngần chờ thầy lang cho thuốc. Còn vị thầy lang lại thư thái khoát tay bảo: "Vậy là xong rồi, cứ về đi, ba ngày nữa sẽ khỏi, nếu không khỏi thì quay lại đây". Nhưng cũng như nhiều người khác đến đây xin thuốc, người phụ nữ kia chẳng quay trở lại lần hai. Đơn giản vì con gia súc bị bệnh đã được vị thầy lang này chữa lành trong lần làm thuốc đầu tiên.
Chữa bệnh cho gia súc trên 30 năm, nhưng ông Lê Đệ (ngụ ở xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), vị thầy lang nổi tiếng khắp vùng thượng nguồn sông Hương này không hề giữ bí quyết phương thuốc bí ẩn cho riêng mình. Tuy nhiên, dẫu đã truyền lại bí quyết chữa bệnh độc đáo ấy cho rất nhiều người, nhưng không phải ai cũng thực hiện được thành công. Theo ông, chính lòng tin quyết định hiệu lực của phương thuốc.
Thầy lang Lê Đệ
Không giống sư phụ của mình và những bậc thầy của thế hệ trước, vị thầy lang Lê Đệ rất cởi mở trong việc truyền công thức của phương thuốc lạ này cho những ai muốn học. Ông bảo mình chữa bệnh chủ yếu là giúp đỡ dân làng, chẳng lấy tiền của ai, nên không việc gì phải khư khư giữ lấy phương thuốc làm của riêng. Với ông, truyền lại "bí kíp" cho người khác cũng là cách phân tán con bệnh mỏng ra.
Ông lý giải, nếu nhiều người biết cách chữa trị, thiên hạ sẽ bớt đến tìm ông hơn, ông cũng đỡ bận rộn hơn. Những ai nuôi nhiều gia súc và hay đến xin thuốc, ông đều bày cho công thức để tự chữa trị ở nhà mỗi khi gia súc bị bệnh. Có rất nhiều người đã thực hiện thành công. Tuy nhiên có người làm hoài vẫn không được, họ lại đến tìm ông nhờ giúp.
Thầy lang Đệ cho hay, phương thuốc này đã có từ rất lâu và được truyền từ đời này sang đời khác. Sư phụ truyền lại cho người kế tục qua ngôn ngữ chứ không có sách vở gì nên chẳng biết ai là người phát minh ra phương thuốc ấy. Cũng không có tài liệu nào ghi chép và lý giải vì sao gia súc bị bệnh không uống thuốc, không bôi thuốc mà thông qua làm phép, giòi bọ ở vết lở loét tự động chui hết ra ngoài, vết thương sau vài ngày là khô ráo, liền da.
Là người không tin vào mê tín dị đoan, không tin vào thần linh ma quỷ, nhưng lại ông Đệ gặp cơ duyên với sư phụ, được sư phụ truyền cho phương thuốc lạ. Sau hơn ba mươi năm chữa bệnh, cứu chữa trên vài triệu gia súc khắp các vùng, vị thầy lang Lê Đệ vẫn không hiểu được nguyên do khiến phương thuốc ấy trở nên công hiệu đến thế. Điều lạ lùng là phương thuốc ấy chỉ có tác dụng với những ai tin tưởng.
Thầy lang Đệ cho biết, người muốn học và sử dụng phương thuốc này để chữa bệnh giòi bọ trên vết thương của gia súc cần phải nuôi một cây thuốc trong nhà. Đó là cây ngái hoặc cây sung, thứ cây mọc rộng rãi khắp các vùng miền ở nước ta. Thầy thuốc phải thường xuyên lui tới thăm nom để cây thuốc quen hơi người, cũng có thể để linh khí của cây hòa quyện với linh khí con người mà tạo nên sức mạnh vô hình nào đó (?).
Ông giải thích tiếp: Nhiều khi cây thuốc trong vườn nhà bị sâu ăn hết đọt non (ngọn), phải kiếm đọt từ một cây khác mình không chăm sóc, khi chữa trị hiệu quả của nó giảm sút đáng kể. Người đến xin thuốc chỉ cần nói rõ họ tên của chủ nuôi, sau đó khai rõ con vật cần chữa bệnh, màu sắc, bao nhiêu tháng tuổi, giống đực hay giống cái, vị trí vết thương để thầy lang tiện bốc thuốc.
Bà Lê Thị Hải bên chú heo vừa được chữa lành vết thương thông qua "làm phép"
Con bệnh ở xa, ngồi ở nhà chữa vẫn lành
Sau khi nắm được thông tin, thầy lang sẽ ra vườn hái thuốc. Nếu con vật là giống đực sẽ hái bảy đọt, còn giống cái là chín đọt. Đọt thuốc gói trong lá chuối tiêu sẽ được thầy lang mang vào trong bếp và thành kính khấn vái với thần bếp, mong muốn thần linh giúp đỡ để con vật chóng lành bệnh. Thầy lang cũng cung cấp các thông tin về người chủ và con vật bị bệnh, sau đó để gói thuốc ở phía sau ba ông táo trên bếp. Dưới sức nóng của bếp lửa, lá thuốc héo dần thì vết thương của con vật cũng dần lành lại. Để phương thuốc hiệu nghiệm, vị thầy lang khi làm thuốc phải thành kính, tôn nghiêm, đặt hết niềm tin vào phương thuốc ấy, nếu không sẽ không có tác dụng. Ngoài ra người đi xin thuốc cũng một lòng tin tưởng thì việc chữa trị mới thành công.
Sau khi làm thuốc 3 ngày, ở vết thương con vật máu không chảy nữa và giòi bọ lớn nhỏ dần dần rớt ra ngoài (loại giòi này chỉ ăn thịt tươi nên vết lở loét thường chảy rất nhiều máu). Đến 7 ngày thì vết thương liền da và lành hẳn. Về biệt tài làm thuốc dấu chữa bệnh cho trâu bò ở miệt thượng nguồn sông Hương, ngoài thầy Đệ, thầy lang Trương Sở cũng mát tay không kém.
Chuyện kể, hồi đó có một gia đình ở làng La Chữ thuộc xã Hương Chữ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế nuôi rất nhiều trâu bò. Khi bò bị bệnh lở loét dẫn đến nổi giòi bọ, cán bộ thú y không cách nào tiếp cận để chữa trị vì mấy con bò đó rất dữ, cứ nhảy loạn xạ lên khi có người lạ đến gần. Cán bộ thú y cũng sợ bị bò đá nên đành chào thua, không cách nào chữa được. Một người mách nước cho gia chủ lên vùng ngã ba Tuần xin thuốc dấu thầy lang Sở. Gia chủ hỏi người kia có cần phải dẫn bò lên nhà ông Sở hay không, người kia bảo cứ để trâu bò ở nhà rồi lên báo bệnh, ba ngày sau tức khắc giòi bọ sẽ tự động chui ra, vết thương sẽ lành.
Trước lời khuyên lạ lùng đó, gia chủ bán tín bán nghi mới hứa, nếu làm cho mấy con bò nhà ông lành bệnh, sẽ tặng thưởng một triệu đồng. Người kia sau khi quan sát kỹ vết thương của đàn bò liền lặn lội lên miệt thượng nguồn sông Hương, tìm đến nhà ông Sở xin thuốc. Quả nhiên ba ngày sau đàn bò lành bệnh. Người đi xin thuốc được tặng 1 triệu đồng, còn ông Sở thì nhận được một gói trà uống lấy thảo.
Ông Sở bảo: "Cái nghề này là vậy, chỉ làm phúc chứ không chữa bệnh lấy tiền. Đời tui chữa không biết bao nhiêu là trâu bò, có khi chữa một đàn trâu đàn bò trị giá cả trăm triệu đồng, mình có lấy đôi ba trăm ngàn hay cả vài triệu đồng, người ta cũng vui vẻ đưa cho. Nhưng đã làm nghề này, không ai ngửa tay lấy tiền cả, chỉ coi như làm phúc làm đức thôi. Người ta nhớ ơn, tặng đôi ba lạng trà uống cho vui là được". Thầy Sở bộc bạch tiếp: "Thứ thuốc này lạ lắm. Chỉ những ai tin tưởng mới có công hiệu, còn không tin, có làm thuốc cách nào cũng không lành".
Hầu hết những ca bệnh ông làm thuốc đều công hiệu. Ca bệnh nào sau ba ngày vết thương không khỏi, ông sẽ làm thuốc lại. Ông giải thích, không phải là mình làm thuốc không lành mà do người đi xin thuốc nói không đúng vị trí vết thương của con vật nên thuốc không công hiệu.
Do đó việc xác định vị trí vết thương trên thân thể vật nuôi rất quan trọng, nó góp phần rất lớn trong việc chữa trị có thành công hay không. Thầy Sở cho biết, rất nhiều người ở xa như Quảng Nam, Đà Nẵng hay tận Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tìm đến xin thuốc. Ông Sở kể, cũng có người tưởng nhầm ông làm bùa, làm phép nên đến xin ông bùa bình an, hay có người bị nổi sài ghẻ chữa mãi không lành cũng lặn lội đến ông xin thuốc. Tuy nhiên ông bảo, chỉ những vết thương nào có nổi giòi, ông mới chữa lành.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Văn Dưa, nguyên Phó ban Chăn nuôi thú y của xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế cho biết: “Có nhiều trường hợp khi gia súc sinh sản, cho con bú bị nhiễm trùng, vết thương trở nặng, người chủ mới tìm đến chúng tôi. Lúc đó, các bác sĩ Tây y chỉ có thể khoét bỏ vết thương sau đó khâu lại và bôi thuốc. Nhưng nếu chỉ làm như vậy con vật sẽ mất khả năng sinh sản hoặc không có vú để cho con bú. Chính vì thế, chúng tôi thường khuyến khích người chủ vật nuôi đến xin thuốc ở nhà ông Đệ, ông Sở. Với phương thuốc "thần", chỉ ba ngày sau, vết thuơng của vật nuôi đã lành lặn". |
Nhất Nghệ - Trung Nghĩa