Cũng giống như các đồng bào dân tộc anh em khác, Tết cổ truyền là một lễ hội đặc trưng, tiêu biểu nhất về văn hóa truyền thống của dân tộc Mông. Đây là khoảng thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ gia đình, thôn, bản để cùng nhau tô đậm tình đoàn kết trong cộng đồng.
Tết cũng là dịp để các gia đình thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho mùa màng bội thu, con người có sức khỏe, cuộc sống bình yên qua đó cầu mong năm mới cuộc sống tốt đẹp hơn. Cứ mỗi khi Tết đến, đồng bào người Mông ở huyện miền núi Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An lại rộn ràng làm lễ cúng và thay Xử Ca – bàn thờ gia tiên của gia đình.
Mỗi dịp hoa đào đua nhau khoe sắc, các gia đình người Mông đều quét dọn nhà cửa, dán lại giấy tại bàn thờ Xử Ca. Việc dán lại giấy tại bàn thờ được làm rất cẩn trọng và tỷ mỉ với ý nghĩa làm cho bàn thờ mới hơn, gọn gàng hơn và cầu mong năm mới gia đình sẽ được các vị thần che chở, phù hộ. Bàn thờ Xử Ca được đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà, đó là một miếng giấy màu trắng được cắm 3 hoặc 5 núm lông gà trống.
Ngoài ra, người Mông còn dùng chính máu con gà trống đó để bôi lên Xử Ca. Già làng Huồi Đun Lỳ Xông Giờ cho biết: “Mỗi năm, cứ đến ngày 30 Tết, người Mông lại làm lễ để thay Xử Ca của gia đình. Ngoài lễ thay bàn thờ, người Mông còn phải có thêm một đôi gà trống để gọi vía tất cả thành viên trong gia đình mình. Gia chủ cũng dùng chính đôi gà này để làm vía cho năm mới được bình an, mạnh khỏe, mùa màng bội thu…”
Ông Hạ Bá Lỳ (SN 1989), Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn cho biết: “Đồng bào người Mông ở Huồi Tụ có rất nhiều phong tục và nhiều nét văn hóa độc đáo. Thờ cúng và thay Xử Ca là một trong những phong tục đặc trưng của đồng bào nơi đây. Mỗi khi Tết đến, Xuân về, người Mông lại rộn ràng giúp nhau làm lễ thay bàn thờ. Xử Ca vừa là nơi thờ cúng thần linh, vừa là bàn thờ tổ tiên của gia đình. Vào chiều 30 Tết, gia chủ người Mông phải tìm được một con gà trống lông đỏ, chân đen và cắt tiết ở bàn thờ Xử Ca. Sau một bài cúng, Xử Ca cũ sẽ được xé đi và dán cái mới vào. Máu của con gà trống được người Mông dùng để bôi lên trên Xử Ca mới. Con gà trống sau đó được luộc chín thì được treo cạnh Xử Ca cho đến ngày mùng 2 Tết mới được đưa xuống để ăn thịt”.
Bài khấn của đồng bào người Mông khá đơn giản nhưng đầy đủ, nói lên hết những mong ước của gia chủ đối với thần linh, tổ tiên. “Sau khi làm xong Xử Ca, gia chủ người Mông sẽ thay bộ quần áo mới rồi sửa soạn mâm lễ. Mâm lễ được đặt trên một chiếc bàn, gồm những món ăn ngon được bày biện gọn gàng. Sau khi mọi việc đã xong, chủ nhà trang trọng đứng giữa nhà, một tay cầm thìa để chỉ vào đồ lễ và thành tâm khấn bái: Hôm nay đầu Xuân năm mới, gia đình có con gà trống của nhà để dâng tặng các vị thần linh, ông bà tổ tiên về đón nhận thành quả của gia đình. Cầu mong mọi người hãy phù hộ cho con cháu năm mới luôn khỏe mạnh, xua đuổi tà ma cho màu màng được tươi tốt, bội thu…”, ông Lỳ cho biết thêm.
Tối 30 Tết, cũng như người Thái, người Tày, người Kinh… đây là thời điểm để con cháu nhớ về cội nguồn, những người đã khuất. Mặc dù có nhiều lễ lạt theo phong tục tập quán nhưng mâm cúng mời tổ tiên chính là thứ mang nhiều ý nghĩa nhất. Sau khi cúng tổ tiên xong, chủ nhà mời tất cả các thành viên trong gia đình và các vị khách vào mâm uống chén rượu chúc nhau những lời chúc may mắn trong năm mới.