Trên thế giới mương phạ còn phân chia thành cõi niết bàn - vùng cư ngụ của những linh hồn dòng họ quý tộc và cõi đẳm đoi là nơi cư ngụ của những linh hồn thứ dân. Nông Quai Ha và Nậm Tốc Tát là hai địa danh mà những linh hồn người quá cố cần phải đi qua để sang được thế giới bên kia...
Nặm Tốc Tát - đường về Mường Trời
Từ bao đời nay, người Thái đen luôn quan niệm dòng thác Nặm Tốc Tác nằm giữa đồi núi ngút ngàn thuộc địa phận xã Thạch Lương (Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Yên Bái) là con đường lên trời của những linh hồn người chết sau khi qua đời. Nặm Tốc Tát trong tiếng Thái có nghĩa là dòng nước rơi. Thác nước được cho là ranh giới giữa Mường Trời (cõi người chết) và Mường Người (cõi người sống).
Nặm Tốc Tát có ba thác nước dành cho ba tầng người thượng lưu, trung lưu và hạ lưu. Những linh hồn người Thái đen từ khắp nơi sau khi nghỉ chân dưới tán cây đa và gửi trâu vào rừng Đông Quai Ha sẽ bay đến nơi thác nước để tắm gột rửa bụi trần.
Núi bên dòng Nặm Tốc Tát
Người Thái đen tin rằng chỉ có trẫm mình dưới dòng nước mát rượi nơi đây thì linh hồn mới thực sự rũ bỏ được mọi thứ liên quan ở dương gian để trở về với tổ tiên trên trời. Án ngữ trước dòng Nặm Tốc Tát là một tảng đá lớn mang hình một con chó được cho là con vật canh giữ cổng lên thiên đàng. Con chó bảo vệ đó sẽ làm nhiệm vụ kiểm duyệt những hồn ma bay vào Nặm Tốc Tát. Những linh hồn người chết tiêu cực như ăn lá ngón tự tử, làm việc xấu mà chết sẽ phải dừng lại trước con chó bảo vệ để tẩy rửa tội lỗi rồi mới được vào trong. Những linh hồn ma quỷ xấu xa hoặc của các bộ tộc khác đều phải dừng bước trước cửa canh giữ này.
Dòng Nặm Tốc Tát được bắt nguồn từ đỉnh núi cao thuộc huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Cụ bà Lò Thị Sang sống dưới chân dòng Nặm Tốc Tát cho biết: “Đối với dân tộc Thái đen chúng tôi, dòng Nặm Tốc Tát có ý nghĩa rất đặc biệt. Bất cứ linh hồn người chết nào cũng phải tắm nước suối này mới có thể bay về Mường Trời được. Trước đây khu rừng có dòng thác Nặm Tốc Tát được mọi người truyền lại là một trong những khu rừng cấm không ai dám xâm phạm. Ai đi qua cũng phải cúi lạy, cũng phải xuống ngựa, đàn bà con gái phải cởi khăn piêu xuống lặng lẽ bước qua, những con thú bị thương trong những cuộc săn bắn nếu chạy vào trong rừng không ai được đuổi theo và sẽ được rừng che chở bảo vệ”.
Nghệ nhân Lò Văn Biến - pho sử sống về lịch sử văn hóa dân tộc Thái đen
Tục đốt xác của người Thái đen
Từ xa xưa, người Thái đen đã có tục hỏa táng người chết với quan niệm được tắm bằng lửa, linh hồn sẽ được lên Mường Trời tiếp tục sống trong một thế giới khác tốt đẹp hơn. Đến nay chỉ còn người Thái đen ở vùng Thung lũng Mường Lò (Nghĩa Lộ, Yên Bái) còn giữ được phong tục này.
Sau khi hỏa táng, linh hồn người chết sẽ đi qua Đông Quai Ha (rừng hồn trâu) và Nặm Tốc Tát (thác nước đổ) theo về Mường Trời với tổ tiên. Đây là quan niệm của người Thái đen về cái chết thể hiện mong ước một cuộc sống no đủ, tốt đẹp ở thế giới bên kia. Khi một người Thái đen chết, việc đầu tiên là người nhà sẽ đi mời một thầy mo đến để lo liệu việc cúng tế.
Sau đó con cháu, họ hàng bắt đầu việc mổ trâu làm cơm để dân bản đến đưa tiễn người quá cố. Người chết sẽ được con cháu vuốt mắt, tắm bằng nước lá thơm, mặc bộ quần áo đẹp nhất và tháo chỉ ở hai bên ve áo cho vào đó vài đồng bạc trắng. Sau nghi lễ cúng tế, thầy mo sẽ giúp gia chủ chọn giờ tốt và nơi đất tốt để hỏa táng.
Bắt đầu nghi lễ đốt xác thường là vào lúc đêm khuya, thầy mo bản cầm bó đuốc hua hua lên trời cúng bài lam tang dẫn nhập hồn ma về trời, sau đó châm bó đuốc đã tẩm dầu vào tầng củi trên cùng sát quan tài người chết. Khi tầng củi cuối cùng cháy hết cũng là lúc trên mặt đất chỉ còn lại đống tro tàn. Mọi người ra về chỉ còn người nhà ở lại trông coi. Sáng hôm sau, người nhà dùng rượu đổ vào đám tro đã cháy hết tìm nhặt xương cho vào vại sành rồi chôn tại chính chỗ đã đốt xác. Rượu sẽ làm cho xương hiện trắng giữa đống tro và không để sót một mẩu xương nào.
Với quan niệm "trần sao âm vậy" người Thái đen cũng dựng nhà cho người chết với một số vật dụng cần thiết tối thiểu như nệm, gối, bát, đũa, nồi niêu, cốc chén đặc biệt là trồng cạnh mộ một cây nêu (cây cảo) làm bằng cây tre cao từ 5 - 7m. Có một sợi dây nối từ vại đựng xương lên nhà táng gọi là sai khớ, mục đích dẫn đường cho hồn lên trời. Trên đỉnh cây nêu đặt một con ngựa gỗ, máng đựng cỏ, thóc và có lọng che bằng vải màu. Ngựa dùng cho đàn ông có hai cánh, ngựa dùng cho đàn bà có bốn cánh. Ngựa này để cho hồn cưỡi về trời.
Người Thái đen không rườm rà trong giỗ chạp nhưng lại rất cầu kì trong việc làm ma. Nhà nào có người chết là phải mổ trâu vừa để có con trâu đi theo linh hồn người quá cố vừa là để làm cỗ để dân làng đến ăn.Nhà nào không có sẵn trâu, sẵn lợn, sẵn tiền thì phải đi cắm các nơi sau khi xong việc mới thanh toán", ông Lương Văn Tướng, một già làng tại xã Phúc Sơn cho biết. Gần ngọn cây nêu người ta đục hai lỗ đề luồn hai cây sào nhỏ song song với nhau. Trên cây sào ở tầng trên một bên treo chiếc áo của người quá cố hướng cúc áo ra phía Nặm Tốc Tát, một bên treo chiếc áo của chồng (vợ) người đó.
Nếu người chồng (vợ) đã chết thì hướng cúc áo cũng ra Nặm Tốc Tát còn nếu vẫn còn sống thì sẽ quay lưng lại, biểu đạt sự gắn bó tình nghĩa giữa hai vợ chồng. Trên cây sào ở tầng dưới treo áo cổ rồng (sửa co long) là chiếc áo do con dâu tự làm tặng bố mẹ chồng ngày đầu về làm dâu để tỏ lòng kính trọng và hiếu thảo. Đây là một chiếc áo dài cổ vuông làm bằng vải đen, đỏ can theo chiều dọc, bố mẹ không mặc áo này mà cất giữ cẩn thận để treo lên cây cảo khi qua đời, các con dâu thì mặc áo này trong tang lễ.
Nét văn hóa tâm linh đặc trưng Nghệ nhân Lò Văn Biến, người được cho là pho sử sống về văn hóa dân tộc Thái cho biết: “Vùng Thung lũng Mường Lò với rừng hồn trâu và dòng thác Nặm Tốc Tát được coi như vùng đất tổ của người Thái đen. Không chỉ linh hồn của người Thái đen Tây Bắc mà linh hồn của bất cứ người Thái đen ở đâu trên khắp Việt Nam hay Lào, Thái Lan cũng đều phải theo con đường này để trở về với tổ tiên. Hiện nay, tuy các hủ tục lạc hậu của người Thái đen ở Mường Lò đã được loại bỏ nhiều nhưng dòng Nặm Tốc Tát và đồi hồn trâu Đông Quai Ha vẫn được coi là một nét văn hóa tâm linh đặc trưng của dân tộc này”. |
Đinh Nhung