Kỳ công chơi sáo diều của ... "người nhà quê" lên phố

Kỳ công chơi sáo diều của ... "người nhà quê" lên phố

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Gác lại mọi lo âu, bộn bề của cuộc sống đầy bon chen nơi thành thị, những "người nhà quê" tụ họp lại với nhau, tung con diều sáo kêu u...u o ... o giữa trời lộng gió. Ở phương Nam này, sáo diều rất lạ, nên thú vui sáo diều cũng khiến người ta hiếu kì. Bởi sáo diều không ai bán, người chơi phải tự mày mò mà đẽo lấy...

Nghề chơi lắm công phu

Cứ mỗi cuối tuần là anh Trịnh Quang Trung – thành viên CLB Diều truyền thống Gò Vấp, lại cầu mong trời đừng mưa, để được cùng chiến hữu "tung tăng" nơi đồng diều. Sinh ra và lớn lên ở miền đồng quê Bắc Bộ, tiếng sáo diều vi vút mỗi trưa chiều lộng gió đã hằn sâu vào kí ức tuổi thơ anh. Để rồi khi xa xứ, vào Nam lập nghiệp, anh nhớ sao da diết tiếng sáo diều. Nghĩ là làm, anh bắt đầu tự đi tìm nguyên vật liệu, tự may diều, đẽo sáo rồi mang ra bãi đất trống gần nhà thả cho đỡ... ghiền.

Sự kiện - Kỳ công chơi sáo diều của ... 'người nhà quê' lên phố

Cụ Đảm cười phơ phơ làn râu trắng khi mới tung được con diều sáo to – Ảnh Hữu Long

Khi tôi ghé thăm đồng diều, anh Trịnh Quang Trung không ngần ngại mang hết "bửu bối" của mình ra cho tôi xem. Vừa mân mê từng dàn sáo được đẽo gọt tỉ mỉ anh vừa giảng giải: "Sáo diều gồm nhiều ống sáo kết hợp lại. Có rất nhiều tên gọi riêng cho từng ống sáo. Ví dụ trong dàn sáo 5 ống thì hai ống nhỏ nhất thường được gọi là sáo chim, sáo con ... tiếng kêu nhẹ, đôi khi rít lên như tiếng còi. Hai ống vừa vừa gọi là sáo đẩu, sáo mẹ... âm thanh vừa trầm vừa bổng, rất mượt mà như lời ca tiếng hát. Ống sáo to nhất tên là sáo cồng hay sáo cha ... âm thanh rền vang như tiếng cồng. Khi được tung lên bầu trời, thanh âm của các loại sáo kết hợp lại với nhau tạo nên một âm hưởng vô cùng da diết".

Cụ Trịnh Quốc Đảm, năm nay đã ngoài 80 tuổi, là tay chơi sáo diều lão luyện vừa tung được con diều dài 3m gắn dàn sáo cỡ trung. Cụ tìm chỗ neo diều rồi thong thả cười rung rung làn râu trắng, nói: "Làm sáo diều rất mất thời gian, kỳ công, và không phải bất kì ai cũng có thể "theo nghề". Theo cụ Đảm, ống sáo thường được làm bằng nứa, nứa càng già lại càng tốt. Thân đanh, chắc, tròn đều, không mối mọt, gặp nắng mưa không nứt nẻ,... thì thanh âm mới sâu, mới có hồn. Ống tre nứa khi mang về thường không được tròn đều cả 2 đầu, nên phải "nắn" bằng cách ngâm nước hay hơ lửa cho mềm. Sau đó, dùng chai lọ nong dần dần cho tròn đều. Đôi lúc phải dùng dao gọt bớt phần lòng trong của ống tre, ống nứa cho đường kính cả hai đầu bằng nhau thì mới thôi. Hai đầu sáo được bịt bằng hai mảnh gỗ tròn, được đẽo gọt thật mỏng, có dạng khum khum lòng chảo được gọi là mặt sáo hay nắp sáo.

Dân chơi sáo diều hay chọn gỗ mít làm mặt sáo. Cũng bởi gỗ mít dai, nên khi khoét gọt mặt sáo cho mỏng, sắc nét sẽ khó bị vỡ. Cụ Đảm tặc lưỡi, nói: "Đây là công đoạn khó nhất, vừa khoét, vừa gọt, lại phải mài cho nhẵn ... Làm 1 cái gãy, vỡ 3 cái là chuyện bình thường".

Sự kiện - Kỳ công chơi sáo diều của ... 'người nhà quê' lên phố (Hình 2).

Anh Trịnh Quang Trung tự hào khoe bộ sưu tập diều sáo đủ kích cỡ do chính mình gọt nên

Với nghệ nhân “nhà quê”- Càng khó càng mê

Để mang được cả dàn sáo lên không trung phải là loại diều có khung chắc chắn, sải diều dài và rộng, trung bình từ hơn 1m– 7, 8m. Người chơi, phải thiết kế làm sao để diều có thể được xếp gọn và tháo lắp dễ dàng. Tại CLB Diều truyền thống Gò Vấp, các thành viên thường làm diều cánh cung, bởi diều loại này vừa chắc chắn, vừa dễ đón gió lên cao. Vải căng cho diều cũng phải tự may. Cụ Đảm vừa cười, vừa kể: "Ban đầu, CLB toàn đàn ông con trai, may vải căng diều mà nhìn như "vá chằng, vá đụp" thế nhưng bây giờ quen tay rồi, cô thấy không, con diều nào nhìn cũng rực rỡ, mướt mắt".

Làm diều, đẽo sáo đã lắm kỳ công, mà thả được diều cũng không phải là điều dễ dàng. Cụ Đảm kể: "Chơi diều nói vậy chứ cũng có khi tai nạn dở khóc dở cười. Như gặp hôm nào gió giật, thả không chắc tay dễ bị diều quật lại như chơi. Cước thả diều, tuy chắc nhưng phải mảnh để đỡ trọng lượng cho diều, bởi vậy, sơ ý bị cước cắt tay chảy máu là chuyện thường tình. Còn khi mải mê theo diều, vấp đá, hụt chân té dập mặt như chơi". Nói rồi cụ cười sảng khoái. Người chơi diều nhất thiết phải có thể lực. Để đưa được diều lên không trung là sự phối hợp nhịp nhàng giữa cánh tay khỏe khoắn, đôi chân chạy theo nhịp nhấp, thả dây của tay ... có như thế diều mới căng đầy gió rồi vi vút bay cao.

Anh Trung cũng vừa mới ráp xong một con diều sáo, anh cười nói: "Thường thì diều mang được một dàn sáo, thì bất kể dàn sáo nào cũng có thể lắp vào. Nhưng dân chơi diều tỉ mỉ, lâu năm thường thích mỗi con diều là mỗi dàn sáo. Cũng như "mỗi cây mỗi hoa", kết hợp lệch đi tự nhiên nghe tiếng sáo lại thấy nó như thiếu thiếu thứ gì".

Dân chơi diều ở đây, hầu như chỉ cần nghe tiếng sáo đã biết được đó là diều sáo của ai. Vì mỗi dàn sáo là mỗi người tự đục đẽo ra, nên không ai giống ai. Tùy theo cái tâm người gọt sáo mà có dàn sáo thì trầm bỗng du dương, có dàn sáo thì réo rắt vui, trong trẻo như tiếng trẻ con hò reo trong gió ... "Thả mình giữa chiều lộng gió, nghe chính thanh âm mình tạo nên vi vút giữa trời, hòa âm cùng những bạn chơi khác, quả là thứ cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản khó thứ gì sánh bằng. Diều sáo cũng như là một người bạn, nhiều khi tôi thấy sáo diều của tôi như đang hát ca cho chỉ mình tôi nghe. Bởi vậy, người ta thường nói chơi diều sáo rất khó, lại mất nhiều thời gian. Nhưng hình như, cái gì càng khó, lại càng mê".

Anh Trung, cụ Đảm và những người yêu diều sáo nơi đây đều tự cho mình là "người nhà quê" vì đã lỡ quá đam mê thú chơi mộc mạc, dân dã, đậm chất ... nhà quê này. Tuy nói là dân dã nhưng lại vô cùng kỳ công, vừa có tính nghệ thuật, lại đòi hỏi kỹ thuật, ... nên, riêng tôi, gọi người chơi diều sáo là những nghệ nhân.

Diều sáo cũng như có tâm hồn

Cụ Đảm kể vui: "Mỗi lần đi chơi diều, trong túi phải dằn mấy chục mới an tâm. Vì khi diều bay cao, no gió quá, đứt dây diều băng có khi mắc trên cây, lúc thì lọt xuống ao, phải cho tiền người ta leo lên cây, lội xuống ao lấy giúp mình. Có khi diều băng đi chỗ nào kiếm không được, lại phải cho tiền mấy đứa con nít, tỏa ra kiếm diều. Có khi diều băng, hiếm lắm va phải người thế là phải lấy tiền để chuộc diều. Nhưng mà tôi không tiếc, thà mất ít tiền còn con diều sáo kì công mình đục đẽo. Có lần, con diều sáo tôi rất quý, bị băng mất, mấy ngày tìm kiếm không ra, tôi buồn đến mức không muốn làm gì. Cứ có cảm giác như diều sáo cũng có tâm hồn, cũng biết người là bạn, để hát ca cho người nghe".

Hồ Ngọc Giàu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.