Kỳ công nghề săn ong đất

Kỳ công nghề săn ong đất

Thứ 6, 04/10/2013 08:52

Nếu may mắn, chỉ cần một buổi sáng, thợ săn cũng có thể thu phục được tổ ong. Nhưng đôi khi, họ mất mấy tháng trời để lần dấu vết nhưng vẫn phải quay về tay trắng.

Thành quả của những người kiên trì

Những tháng ngày rong ruổi nơi rẻo cao Tây Bắc để chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang vàng óng, chúng tôi có cơ hội được thưởng thức những món ăn độc đáo là sản vật của núi rừng non nước nơi đây. Có lẽ vì thế, ai đã đặt chân đến vùng núi này mà không thưởng thức món ong đất thì quả là điều đáng tiếc. Để có được món ong đất thơm ngon trên bàn nhậu, những người thợ săn ong đã phải trải qua những tháng ngày theo dõi kỳ công, đối diện với không ít gian nan, thậm chí có thể nguy hại đến tính mạng nếu không cẩn thận.

Lạ & Cười - Kỳ công nghề  săn ong đất

Ong đất là món nhậu ưa thích của nhiều thực khách

Trò chuyện với Giàng A Dư (người dân tộc Mông, xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Yên Bái) người đàn ông ngoài 50 tuổi với kinh nghiệm hàng chục năm đi rừng, chúng tôi được biết, để tìm được một tổ ong đất rừng không hề đơn giản. Không giống như những loại ong sống trên cây, có thể dễ dàng quan sát thấy từng tổ một, ong đất sống ẩn dật trong lòng đất. Để phát hiện ra đại bản doanh của chúng, người đi rừng chỉ còn cách lần theo dấu vết của từng chú ong. Món khoái khẩu của ong đất là các loại côn trùng, đặc biệt là ong vò vẽ. Thế nên, thợ săn ong sẽ chuẩn bị mồi ngon làm từ các loại côn trùng ấy để nhử ong. Khi ong đã say mồi, sẽ lập tức tìm về tổ.

"Nếu có cơ hội đi theo những cánh thợ săn ong, các bạn mới thấy hết được sự gian nan, vất vả và nhiều tình huống bi hài. Có khi may mắn, cả đội chỉ mất buổi sáng là sẽ thu phục được cả lũ ong, nhưng cũng có khi, phải mất mấy ngày trời để lần ra dấu vết của một tổ ong nào đó. Việc phát hiện ra ong đất và cho nó cắn mồi đã khó nhưng để không mất dấu con ong đó còn khó hơn và nhiều khi thất bại. Ong làm tổ trong rừng, địa hình hiểm trở, ong bay thì dễ nhưng người chạy theo thì không hề đơn giản. Nhiều đội lên rừng ăn trực nằm chờ, theo dõi vài ngày liền mà vẫn phải quay về tay trắng. Chính vì thế, phát hiện thấy ong đất là mừng như bắt được vàng vậy. Ngày trước, nơi đây, ong ở rất nhiều, chỉ một buổi đi đốt ong là có thể mang mấy tổ ong liền. Nhưng dần dần, việc đốt ong để lấy nhộng chế biến món ăn trở nên khó khăn hơn. Rừng bị chặt phá để trồng cây công nghiệp, làm nương rẫy nhiều nên không còn nhiều chỗ cho ong trú ẩn, làm tổ. Người săn ong phải vào tận rừng sâu và việc tìm kiếm cũng không dễ dàng", ông Dư kể về sự gian khổ khi đi săn ong với niềm hứng khởi.

Lạ & Cười - Kỳ công nghề  săn ong đất (Hình 2).

Ong đất đã qua chế biến

Cuộc chiến với ong đất

Những người dân bản địa thường nói, ong đất là loài cực độc. Ba con ong đất đốt có thể làm chết một con trâu mộng. Người nào bị ong đất đốt, nếu không kịp thời uống thuốc và giải độc thì có thể mất mạng. Chính vì thế, khi đi bắt ong đất, người ta phải chuẩn bị rất nhiều thiết bị bảo vệ. Mỗi người thường phải có mũ bảo hiểm, lưới trùm mặt, găng tay, ủng cao su, quần áo nilon, cuốc thuổng và bao lưới.

Khi đốt tổ ong, không thể thiếu đuốc (cây nứa khô), rơm khô, lá khô… Người thợ săn ong kinh nghiệm sẽ dễ dàng phát hiện cửa vào và cửa ra của ong. Chiếc ống nứa sẽ được đút sẵn một đầu vào bao, một đầu đút vào cửa ra của tổ ong. Ở cửa còn lại, người ta sẽ đốt lá hay rơm khô rồi quạt khói vào trong tổ. Đàn ong phát hiện bị tấn công sẽ đổ xô bay ra phía cửa ra, theo ống nứa lần lượt chui vào bao lưới. Những con ong vừa đi kiếm mồi về thấy có kẻ lạ chắc chắn sẽ lao xuống tấn công đám thợ. Khi ấy, người thợ săn phải dùng cành cây tươi xua đuổi lũ ong và nhanh chóng thoát khỏi hiện trường. Thông thường, việc đốt ong phải diễn ra thật nhanh gọn để tránh sự tấn công của những con ong còn chưa về tổ.

Khi chúng tôi thắc mắc, tại sao loài ong này lại khiến nhiều người săn lùng đến vậy, ông Dư thong thả nói: Với nhiều người, săn ong đất như thú vui, chinh phục những thử thách trong rừng. Cảm giác tận hưởng thành quả với món nhộng ong hấp thơm phức trên bàn rượu khiến nhiều người si mê.

Có những gia đình, săn ong rừng lấy nhộng không phải để buôn bán mà chỉ để chế biến món ăn trong gia đình, nâng cao chất lượng bữa ăn hoặc làm quà biếu bởi nhộng ong được xem là đặc sản quý hiếm của núi rừng và không phải mùa nào cũng có. Song với lợi ích kinh tế mà con vật này đem lại, nhiều người cũng coi đây như một nghề để mưu sinh kiếm sống. Người chuyên săn ong sẽ có những mối thu mua ổn định và thường bán được giá tốt hơn, thường là từ 200.000 đến 250.000 đồng/1kg (bao gồm cả ong, nhộng ong và tổ).

Người dân tộc vô tình bắt được ong khi đi rừng mà bán cho các cửa hàng thường bị bắt chẹt nên chỉ được 150.000 đồng/kg. Người ta ngâm ong đất đã phơi khô với rượu và chỉ uống rượu khi đã hạ thổ ít nhất 100 ngày để trị đau lưng, mỏi lưng, đau đầu. Một số nơi còn xào nhộng ong đất để ăn, nhưng họ đều phải bỏ ruột, mật, đầu, cánh, chân. Loại nhộng để ăn cũng là loại nhỏ tí mới ngon ngọt. Vì đây là món ăn giàu đạm nên những ai ăn được hải sản, nhộng dâu tằm thì mới không bị dị ứng với ong đất.

Giá bán ong đất cao là vậy, nhưng không phải ai cũng kiếm được món lời lớn từ loài vật này. Ông Giàng A Dư cho hay, có thời gian, nhiều người cứ nghĩ đây là nghề "hái ra tiền" nên đổ xô đi săn. Vì không có kinh nghiệm, không hiểu được sự độc hại khi bị ong đốt, nhiều người phải trả giá quá đắt, có khi nguy hiểm đến tính mạng. Đã có những trường hợp, bám theo ong mà bị trượt ngã gãy chân giữa rừng sâu, có người không may bị ong đốt sưng tấy khắp mình mẩy, phải chịu đau đớn cả tháng trời. Nhưng ở những vùng khó khăn như Mù Cang Chải, vì muốn kiếm mấy đồng trang trải cuộc sống, nhiều người vẫn phải bất chấp nguy hiểm lăn vào rừng sâu để săn tìm loài ong đất.

Quý nhưng… độc

Ong đất hay còn gọi là ong bắp cày, ong bò lỗ thường làm tổ ở các gốc cây mục rỗng hay dưới mô đất. Tổ ong đất rất khó phát hiện vì tại vị trí làm tổ thường chỉ gợn lên một lớp mùn. Ong đất là loài có nọc cực độc nhưng lại luôn được con người ưa thích và săn lùng bởi theo dân gian, ong đất và nhộng của nó có thể chế biến nhiều món ăn giàu đạm, bổ dưỡng hoặc có thể ngâm rượu để chữa các bệnh về xương cốt. Có lẽ vì đặc tính "quý" nhưng "độc" ấy, mà loài ong này cũng rất tinh ranh, chúng thường trú ngụ tận trong rừng sâu và ở những nơi ẩm ướt, gần nguồn nước.

Hồng Dương - Bảo Vy

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.