Kỳ công nuôi cá “đế vương” theo... phong thủy

Kỳ công nuôi cá “đế vương” theo... phong thủy

Thứ 5, 27/12/2012 23:54

Được coi là đế vương trong thế giới các loài cá cảnh, cá rồng luôn được các "đại gia" săn đón, cưng nựng coi như "thần tài" trong nhà.

Ngoài việc kỳ công trong phương thức lựa chọn, đặt mua cho đến thú vui phong thủy hiện vẫn còn nhiều chuyện may, rủi từ những đại gia lắm tiền nhiều của xoay quanh loài cá "độc nhất vô nhị", có khi giá lên tới hàng trăm triệu một con này.

Sự kiện - Kỳ công nuôi cá “đế vương” theo... phong thủy

Hai con huyết long (cá rồng) có giá hàng trăm triệu đồng

May - rủi khó lường

Nghe kể về cá rồng, rất nhiều nhưng được tận mắt chứng kiến đôi huyết long (toàn thân cá màu đỏ) lượn trong bể cá của một người chơi cá rồng có tiếng ở Hà Nội mới thấy hết được uy phong của loài cá thuộc hàng "đế vương" này. Trong chiếc bể gần 2 khối nước với khung bể được bọc bằng loại gỗ đắt tiền, kính bể là loại kính chống đạn trong vắt với độ chịu lực gần 1 tấn, hai con huyết long thoải mái uốn mình, lượn lờ trong làn nước.

Anh Nguyễn Mạnh Hưng, chủ nhân cá quý tâm sự: "Hai chú huyết long này được nhập từ trại cá Alkido - một trại cá nổi tiếng Singapore, để đạt được chiều dài 50 cm như hiện nay phải tốn mất gần 3 năm chăm sóc".

Thông thường cá rồng có kích thước khá lớn, khi trưởng thành đạt chiều dài từ 60 - 80cm, một số trường hợp cá biệt có thể dài hơn. Tuổi thọ của cá rồng lên đến hàng chục năm, trở thành biểu tượng của sự trường tồn. Ngoài ra, bộ vảy lớn với màu sắc rực rỡ khiến người ta dễ liên tưởng đến vảy rồng; môi dưới của cá có hai râu dài hệt như râu rồng. Dân chơi còn coi cá rồng gắn với thuyết "cá vượt vũ môn" hay "cá chép hóa rồng".

Theo quan niệm của người Á Đông, đặc biệt ở Việt Nam, người nuôi cá thường coi loại cá rồng là biểu tượng của sự quyền quý, may mắn và thịnh vượng. Nhiều gia đình dù diện tích rất hạn hẹp nhưng vẫn dành chỗ để đặt một bể cá rồng trong nhà như một thuật phong thủy những mong trấn tà ma xui rủi, đón phúc lành lộc tốt vào nhà.

Việc đặt bể để nuôi một con cá rồng trong nhà được dân chơi cá rồng tuân thủ rất khắt khe. Loài cá đế vương này có nhiều dòng, nhưng tựu chung lại có thể chia thành hai dòng chính là quá bối (toàn thân màu vàng) và huyết long (toàn thân màu đỏ). Tùy tuổi của thân chủ mệnh gì, đứng hàng can nào sẽ chơi loại cá rồng màu đó. Theo giới chơi cá rồng, thường người tuổi Thìn đứng hàng Nhâm (Nhâm Thìn) sẽ hợp với nuôi huyết long. Điều kiêng kị nhất trong chơi cá rồng đó là tuyệt đối không được đặt bể cá dưới các tượng thần, đặc biệt là thần Tài hay ông tam đa Phúc - Lộc - Thọ.

Ông Nguyễn Xuân Thành, (trú tại quận Hai Bà Trưng - Hà Nội) người chuyên nuôi cá rồng lâu năm cho biết: "Về lý thuyết và thuật phong thủy là vậy, ngay cả tâm lý người chơi luôn mong muốn cá mình nuôi luôn phát triển, còn để xảy ra hiện tượng cá chết là điều bất khả kháng. Cách đây khoảng 3 năm về trước, tôi có nuôi một con huyết long rất đẹp, mặc dù rất kỳ công chăm sóc nhưng chẳng hiểu sao cá lại bị mọc nấm toàn thân, sau một thời gian thì chết. Cũng khoảng thời gian này không biết vì ngẫu nhiên hay không nhưng gia đình tôi lại xảy ra chuyện. Tâm sự với anh em cùng nuôi loại cá này đều chia sẻ, cá đang khỏe mạnh mà không may đổ bệnh, xảy ra cảnh cá chết là điều rất không may. Về tâm lý, khi làm ăn phát đạt thường ít ai để ý tới việc nuôi cá nhưng khi xảy ra việc, ngẫm nghĩ lại dường như có điềm gì đó báo trước".

Thú chơi không dành cho người ít tiền

Cũng theo ông Thành, thú vui nuôi cá đòi hỏi cả một nghệ thuật, ngoài điều kiện về tài chính, vì giá một con cá rồng hiện nay vào khoảng 30 triệu đồng, những con cá đẹp có giá từ 80-100 triệu đồng, những con đặc biệt thì vô giá, người nuôi phải tốn rất nhiều công sức. Từ việc lựa chọn thức ăn cho cá sao cho bổ dưỡng nhất, còn phải thường xuyên tìm kiếm thức ăn mới thay thế, chính vì vậy mà nhiều khi thức ăn cho riêng loài cá độc nhất vô nhị này bị người bán hét với giá trên trời. Thông thường thức ăn cho cá thường là tôm đông lạnh, rết, chuột bao tử, thạch sùng, lươn, trạch còn sang hơn nữa đó là thức ăn bằng sâu thường được gọi là "super worm".

Ông Thành cho biết thêm: Việc nuôi cá đã khó nhưng để cá rồng có thể lên màu như mong muốn lại là cả một nghệ thuật, đối với giới kinh doanh còn có cả một chút xảo thuật ở trong đó. Một trong những kỹ thuật đặc biệt quan trọng trong giới chơi cá rồng được gọi là "tem đèn". Trong tự nhiên, dưới ánh nắng mặt trời, cá rồng thường lên màu đỏ hoặc màu vàng rất đẹp. Khi đưa vào trong bể nuôi sẽ mất đi nguồn sáng tự nhiên này do đó giới chơi cá rồng bèn sử dụng một loại đèn trắng, có cường độ ánh sáng gần tương đương, chiếu sáng bể cả ngày lẫn đêm để kích thích con cá lên màu. Đối với dòng huyết long cần "tem đèn" ngang thành bể để kích thích những hàng vẩy hai bên thân cá lên viền màu đỏ (cũng có thể là cả vảy), thường khi con cá đạt kích thước 30cm, người chơi sẽ tiến hành "tem đèn".

Kỹ thuật "tem đèn" cho dòng quá bối lại khác: Người ta nuôi con cá ngay từ khi chỉ nhỏ bằng cái bật lửa trong thùng composite trắng và soi đèn từ trên nóc thùng xuống, cũng với thời lượng 24/24h và kéo dài cho đến khi con cá đạt kích thước chừng 45cm, mới đưa lên bể kính để chơi, trưng bày. Nói sơ qua thì ngắn, nhưng trên thực tế khoảng thời gian này có thể kéo dài từ 1,5 -2 năm, đủ để phần da màu đen trên đầu con cá biến đổi thành màu vàng - gọi là quá bối đầu vàng - dòng cá rồng rất có giá trị.

Ngoài ra nếu đi sâu hơn, người chơi cá rồng kỳ cựu thường săn lùng những con huyết long đầu đỏ hoặc quá bối đầu vàng nhưng lại gù (gọi là Fafulong). Loại có cả 2 đặc điểm này cực hiếm, tỉ lệ từ các trại cá có thể là 1/10.000. Nhiều khi có trại cá cũng không bán ra hoặc nếu bán họ sẽ bán với giá rất đắt. Tuy nhiên, không vì thế mà giới chơi cá rồng lại giảm công sức săn tìm.

Những điều tối kỵ

Theo quan niệm phong thủy, cách bố trí đó mang ý nghĩa "chính thần hạ thủy", sẽ gây ra cảnh tán gia bại sản. Không đặt bể cá phía dưới bàn thờ vì khói và bụi hương rơi vào bể sẽ gây ô nhiễm môi trường sống dẫn đến cá chết. Không đặt bể cá trong phòng ngủ dẫn đến hiện tượng âm thịnh dương suy. Vì khi ngủ, nhịp sinh học giảm đến mức thấp nhất để mọi cơ quan trong cơ thể nghỉ ngơi nhưng do thiết bị tạo bọt của bể cá luôn vận hành, khiến nước trong bể cá luôn luân chuyển, làm ảnh hưởng đến nhịp sinh học, khiến người nuôi cảm thấy mệt mỏi.

Hoàng Văn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.