Kỳ cuối: Ngày trở về của huyền thoại tình báo

Kỳ cuối: Ngày trở về của huyền thoại tình báo

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Ngày trở về, trái tim Thương như vỡ òa trong niềm vui sướng. Nước mắt không thể nói thành lời cứ tuôn trào trên khuôn mặt của người chiến sĩ “mình đồng da sắt”.

Nước mắt ngày gặp lại

Bị cưa chân 6 lần chưa phải là đã kết thúc cuộc tra tấn dành cho Nguyễn Văn Thương. Khi chuyển về trại giam Hố Nai, anh tiếp tục bị địch hành hạ không thương tiếc. Vốn dĩ, bọn chúng đã hiểu quá rõ về anh nên không hy vọng gì vào lời khai của anh nữa mà mục đích chính bây giờ là chúng phải tra tấn cho hả cơn giận. Anh bị giam trong một xà lim sắt mà ban ngày thì nóng như thiêu như đốt, ban đêm lạnh thấu vào tận xương. Vết thương bị cưa chân chưa lành, lúc nào cũng rỉ máu âm ỉ và đau nhức toàn thân. Vậy mà Thương chịu đựng được tất cả, anh đã chiến thắng sự dã man và tàn độc của giặc Mỹ thì ở xà lim không là gì đối với anh cả. Tại đây, sau thời gian bị cầm tù, anh bắt liên lạc được với chi bộ nhà tù và lại cùng anh em bày mưu tính kế hoạt động cách mạng.

Thế giới - Kỳ cuối: Ngày trở về của huyền thoại tình báo

Trở về từ cõi chết, người anh hùng Nguyễn Văn Thương hiện có một cuộc sống hạnh phúc bên vợ con

Ở bài viết này, chúng tôi không đề cập đến quá trình hoạt động trong nhà tù của Nguyễn Văn Thương bởi vào thời đó, sự tàn khốc của nhà tù dưới thời chế độ Mỹ - Ngụy hẳn ai cũng biết.

Máy bay đổ tù binh từ khắp các trại giam miền Đông nam bộ theo lệnh trao trả đã được kí. Thương nhỏ bé, khuất lấp sau hàng trăm con người cùng chung niềm vui. Anh hồi hộp không biết có ai quen, có người thân của mình ra đón không?. Giờ đây, anh đã trở về từ cõi chết. Thương hoa mắt trong cảnh ồn ào, náo nhiệt tại phi trường. Anh đang được một đồng chí cõng trên lưng, tay anh vẫn cầm hai cái ghế làm phương tiện đi lại. Tất cả các khuôn mặt đang hướng về bên lá cờ giải phóng. Các chiến sĩ trở về hát vang bài ca giải phóng Miền Nam.

Thương nhanh nhẹn bò ra phía trước để nhìn xem có ai là người quen ra đón mình không. Từ phía xa, anh Tư Cang (cụm trưởng cụm tình báo trong mạng lưới Hai Trung - Phạm Xuân Ẩn) đã nhìn thấy Thương đang như vừa bò vừa chạy. Anh Tư Cang chỉ tay về phía đó hô to: “Thằng Thương kìa, tao nhìn thấy nó rồi, nó đang bò kìa”. Anh chạy thật nhanh lại bế Thương lên. Không ai cầm nổi nước mắt và cả nụ cười. Thương khóc thật to, cười thật lớn.

Anh Tư Cang vuốt khắp người Thương, sờ vào phần đùi còn lại của Thương mà thốt lên: “Em vẫn còn sống, ôi người đồng chí kiên cường của tôi”. Họ ôm nhau trong tiếng khóc ngày trở về. Những giọt nước mắt cho hòa bình, cho niềm xúc động, cho nỗi cảm thương một đồng chí kiên cường, bất khuất, quyết bảo vệ tổ chức mà bao lần chịu đau đớn cưa đứt mất hai chân.

Được trở về với tổ chức cùng niềm vui chiến thắng, Thương cảm nhận mình đã được quá nhiều, anh thấy mình là người hạnh phúc nhất. Lần đầu tiên trong 4 năm liên tục bị hành hạ, tra tấn với những giấc mơ chập chờn trong đêm. Tối nay, Thương ngủ một giấc thật ngon trong tự do yên bình sau hàng ngàn đêm ác mộng.

Những ngày tiếp theo, Thương sống một cuốc sống tự do bên cạnh những đồng chí đồng đội của mình. Chuyện của Thương được mọi người kể ra đã khiến nhiều người rơi lệ, có những chị em phụ nữ, khi nghe xong câu chuyện đã khóc ngất vì xúc động. Thương được gặp lại từng người một, vị chỉ huy trực tiếp của Thương, má Hai trong những ngày tháng cưu mang, đùm bọc anh ở trong lòng địch. Và niềm vui khôn xiết là anh được gặp lại vợ con của mình. Chị Hai Em, vợ Thương không nói một lời nào, chị nhìn anh và lặng lẽ khóc. Chị khóc vì thương chồng phải chịu đựng quá nhiều đau khổ. Đứa con trai sờ nắn đùi ba, nhìn ngỡ ngàng. Anh cười trong niềm hạnh phúc.

Thế giới - Kỳ cuối: Ngày trở về của huyền thoại tình báo (Hình 2).

Thiếu tá Nguyễn Văn Thương thương được mời đi nói chuyện với thế hệ học sinh, sinh viên

Thời bình của một anh hùng

Trở về với cuộc sống đời thường sau những tháng năm cam go nhất của cuộc chiến tranh, AHLLVTND - Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương thường được mời đi nói chuyện cho các thanh niên, học sinh, sinh viên các trường trong các giờ ngoại khóa hay những buổi sinh hoạt tại Nhà văn hóa.

Ở cái tuổi 73 của đời người, trải qua tất cả những gì được gọi là khốc liệt nhất của chiến tranh, anh Hai Thương vẫn đi. Anh đi bằng đôi chân, bằng đôi nạng, bằng xe lăn và đi bằng chính nghị lực, ý chí và tinh thần phục vụ cách mạng không biết mệt mỏi. Anh không từ chối một lời mời đi nói chuyện nào, hôm tôi tới nhà anh, anh không chút ngạc nhiên vì ngày nào trong nhà cũng có khách. Anh bảo anh vừa đi nói chuyện ở Bình Dương về và ngày mai lại đi Bình Phước rồi ngày kia đi Miền trung. Mệt lắm rồi nhưng phải ráng thôi vì đất nước cần mình, mình không được từ chối.

Anh kể lại kỉ niệm đáng nhớ nhất là vào năm 1986, trong một cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn quân sự Mỹ qua thăm Việt Nam, một viên đại tá Mỹ đã hỏi Nguyễn Văn Thương. “Trong chiến tranh, người Mỹ đã tra tấn anh, đã cưa đứt hai chân anh, vậy anh có căm thù người Mỹ không?”

Nguyễn Văn Thương trả lời: “Tôi căm thù chứ, ngày ấy tôi căm thù người Mỹ tàn ác đã cưa chân tôi nhưng sau này hòa bình rồi, tôi hiểu đó là chiến tranh mà. Chiến tranh thì phải chiến đấu loại trừ, tiêu diệt nhau, có kẻ thắng người thua. Người thắng là chúng tôi, người thua là các ông cũng đều mất mát cả. Bây giờ tôi không căm thù người Mỹ mà chỉ căm thù chiến tranh, căm thù chế độ tổng thống Mỹ thời đó đã ra lệnh cho lính Mỹ tàn sát người Việt Nam chúng tôi. Nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình, lên án và phản đối chiến tranh thì tại sao tôi lại căm thù họ”.

Viên Đại tá Mỹ đứng dậy, bắt tay Thương và nghiêm trang giơ tay chào huân chương AHLLVT trên ngực anh.

Giờ đây, ở ngôi nhà trong con hẻm yên bình của TP. HCM, AHLLVTND Nguyễn Văn Thương đang sống hạnh phúc bên gia đình có đầy đủ cháu nội, ngoại và người bạn đời chung thủy tuyệt vời – hậu phương vững chắc của anh trong và sau cuộc chiến. Cuộc đời anh đã được viết lại bằng sách, được bạn bè trong và ngoài nước kính phục. Trong cuốn sách đó anh đã từng tâm sự: “Chuyện về cuộc đời tôi trải qua có thể nhiều người trên thế giới không tin là có thật. Nhưng nó lại là chuyện thật hoàn toàn đã xảy ra ở Việt Nam, trên quê hương tôi – chiếc nôi của cách mạng suốt mấy chục năm trời bị bom đạn địch cày xới trên mảnh đất Miền Nam thành đồng Tổ quốc đắng cay, chung thủy, gan góc dạn dày. Cha mẹ tôi, những người con tiên phong của Đảng đã sinh ra tôi: Nguyễn Văn Thương”

Luôn là câu hỏi: Mình đã làm gì cho Cách mạng?

Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng Nguyễn Văn Thương vẫn đi khắp nơi để làm việc, vận động chính sách thương binh liệt sĩ và tranh thủ khi mình còn có thể đi được, anh thăm lại những đồng chí, đồng đội của mình hay tới nghĩa trang liệt sĩ thắp nén hương cho đồng đội đã hy sinh.

Anh vẫn đi, vững vàng và giản dị của một anh hùng. Suốt cuộc đời, lúc nào Nguyễn Văn Thương cũng đặt ra cho mình một câu hỏi: “Mình đã làm gì cho Cách mạng? Và anh không bao giờ đòi hòi Cách mạng đã cho mình những gì.

Hoa Nguyên


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.