Sau khi ăn bốn viên đạn từ nóng súng K59 của đồng chí Phạm Thanh Sơn, Bạch Hải Đường không chết. Những viên đạn này găm thẳng vào đùi của tên tướng cướp khét tiếng giang hồ. Lập tức còng số 8 bập vào cổ tay hắn. Hai đồng chí Lê Trường Thanh và Phạm Thanh Sơn áp giải Bạch Hải Đường ra xe trực chỉ nhà giam Vàm Cống.
Khi nằm thẳng cẳng trên xe, Bạch Hải Đường đã tỉnh dậy sau cơn choáng vì dính bốn phát đạn và máu tuôn ướt đẫm phần đùi. Hắn có sức khỏe lạ kỳ và nói chuyện tỉnh bơ, khen các trinh sát đã làm hắn thất thủ: "Các ông lỳ đòn và "độp" cũng giỏi lắm. Tôi đã tính sai một nước cờ nên mới chịu thúc thủ. Bạch Hải Đường thua rồi".
Tướng cướp ốm đau triền miên trong trại giam
Tháo khóa, còng như biểu diễn ảo thuật
Và quả đúng như thế, lần này Bạch Hải Đường không còn cơ hội để đào thoát nữa. Lần trước hắn bị các trinh sát Thị đội "để" ba phát đạn vào chân, còn bây giờ là trinh sát Đội trọng án của CA ghim bốn phát nữa ở chân còn lại. Lãnh tới bảy phát đạn trong vòng hai tháng dù có sức khỏe tốt đến đâu, gan lỳ tới cỡ nào cũng phải "xuống máu". Bạch Hải Đường lần này ở trong trại giam là như vậy.
Bạch Hải Đường được chữa trị vết thương và biệt giam với chế độ còng hai tay, hai chân, chỉ được xê dịch trong phạm vi giới hạn. Sức khỏe yếu, thương tật chưa lành, tâm trí xáo trộn nên mỗi khi lấy khẩu cung xong hắn đều cam kết sẽ "hoàn lương" nhưng rồi vẫn có ý định vượt ngục.
Cả ngày lẫn đêm, Bạch Hải Đường đều mang còng tay lẫn còng chân. Tuy nhiên, những dụng cụ này đối với hắn giống như trò chơi mở 30 giây. Hắn sinh ra là để "chuyên trị" các loại khóa và ổ khóa. Còng số 8 bập hai cổ tay, nhưng chẳng biết làm thế nào hắn có thể mở trong vòng một phút, rồi tới mở khóa cùm chân, cũng như ảo thuật gia.
Một buổi trưa, cán bộ quản giáo Trần Thanh Bình có nhiệm vụ quản lý Bạch Hải Đường sau khi ăn cơm trưa và định nghỉ trưa thì nghe có tiếng động khả nghi từ phòng giam của hắn. Anh đi qua kiểm tra bỗng cảm thấy không tin ở mắt mình. Trên sàn phòng, chỗ Bạch Hải Đường bị còng tay, cùm chân chỉ còn trơ lại còng và cùm. Trong khi đó, Bạch Hải Đường đang làm người nhện, đu lên trần phòng giam định gỡ lưới ngăn… đào thoát. Đồng chí Bình không biết làm thế nào chân còn bị thương, bị cùm, tay còn bị còng mà hắn tháo nhoáng ra được rồi phóng người đu trên trần phòng giam rất cao. Khi phát hiện, Bình đã ra lệnh: "Mày xuống ngay đi Truyện, định làm chuyện liều lĩnh trốn ra ngoài nữa hả?". Bạch Hải Đường phóng xuống nhẹ như chiếc lá. Cái chân bị thương tới bốn dấu đạn vẫn khỏe khoắn như không. Hắn còn ngụy biện:"Tối qua tôi ngủ mơ, thấy bà già hiện về bảo phải trốn ra ngoài chứ nằm trong này trước sau gì cũng chết. Tôi sợ chết nên muốn ra ngoài theo lời bà già báo mộng vậy thôi".
Còn việc tháo còng, hắn giải thích rằng ở một mình trong buồng giam hắn quá rảnh, nhiều thời gian trống chẳng biết làm gì cho đỡ buồn nên mày mò tháo còng, mở khóa cùm nghịch chơi. Còng, khóa loại nào, cỡ nào Bạch Hải Đường cũng mở nhanh như chớp. Đến nỗi Trần Thanh Bình phải thay khóa liên tục. Nhưng thay hết khóa hắn vẫn mở được. Điên máu quá, Bình quát: "Mày hết chuyện làm rồi sao Truyện. Cứ mở khóa còng mãi vậy, rồi khóa đâu để tao thay?". Bạch Hải Đường mỉm cười đáp: " Em mở chơi thôi mà rồi…tự khóa lại".
Bạch Hải Đường đã giải thích đơn giản như thế. Nhưng đối với cán bộ quản giáo thì đó không phải là chuyện nhỏ. Ai chứ với Bạch Hải Đường thì không thể chủ quan. Do đó quản giáo Bình có sáng kiến dùng một cây sắt to, dài móc cùm khóa chân Bạch Hải Dường xuyên vào đó để cây sắt xuyên qua phòng mình rồi bóp ống khóa bên ấy. Thế là Bạch Hải Đường "bó tay", không có ống khóa cùm nào để giỡn chơi nữa. Từ đó họ mới có thể "quản lý" được Bạch Hải Đường.
Và cũng từ đó, mộng giang hồ đã tắt lịm sau song sắt nhà giam. Hắn hết ý định đào tẩu. Rồi hai lần bị bảy phát đạn, sức khỏe cạn kiệt dần, ý chí hao mòn, tinh thần xuống dốc, suy sụp với những nỗi hận tình, hận đời, Bạch Hải Đường lâm bệnh tật triền miên cho đến khi mất tại phòng giam số 15 (trại giam CA tỉnh An Giang). Năm đó, Bạch Hải đường mới 33 tuổi. Cái tuổi còn quá trẻ cho một đời người.
Tài mở còng của Bạch Hải Đường khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ
Huyền thoại và sự thực về tướng cướp
Trên cơ thể Bạch Hải Đường xăm chi chít những hình vẽ và câu minh họa, chú thích. Hình vẽ thì từ Phật tới rồng, đại bàng, lưỡi dao, bông hoa tới…con tim rỉ máu. Câu chữ minh họa, chú thích thì từ văn chương biền ngẫu tới bác học. Đây là những câu mà có lẽ chính Bạch Hải Đường cũng không hiểu nổi, hiểu hết và hiểu cho đúng. Còn hận đời thì kiểu "ghét kẻ tiểu nhân, thương người quân tử", nhưng hận tình thì khá…ác liệt. Bởi Bạch Hải Đường có rất nhiều vợ, nhân tình và không có ai cưới hỏi đàng hoàng vì hắn có đàng hoàng đâu mà cưới hỏi.
Từ trước đến nay, nói đến tướng cướp Bạch Hải Đường ai cũng phải công nhận là hắn rất mê gái đẹp. Nhiều lần tên này phạm tội cũng vì muốn có nhiều tiền để cung phụng gái đẹp. Tuy nhiên, có một sự thực đau lòng là gần như cuối cùng các cô gái đẹp này đều phản bội lại hắn, cho hắn "mọc sừng". Và không có câu chú thích nào minh họa cho các hình xăm ấn tượng và đúng với bản chất của Bạch Hải Đường hơn là hình xăm cô gái lõa thể cạnh đấy có trái tim bị lưỡi dao đâm xuyên quá rỉ máu từng giọt. Ngay ở dưới có câu chú thích minh họa: "Hận kẻ bạc tình". Cho tới những ngày cuối đời nằm trong trại giam cho tới khi nhắm mắt, không thấy có bà vợ nào, hoặc những người tình trẻ đẹp nào tới trại giam thăm nuôi hắn. Bạch Hải Đường hoàn toàn chết trong cô độc.
Bạch Hải Đường tức Nguyễn Ngọc Truyện sự thật chỉ là một tên "đá xế nóng", tức ăn trộm xe ngoài đường, nâng lên một bậc tới tên trèo tường khoét vách, tức "nhập nha" lấy trộm tài sản. Vụ cướp cuối đời là vụ "ăn may" 100 cây vàng vì có người chỉ điểm là tên Hùng "râu", mục tiêu cướp lại là chiếc ghe neo đậu trên sông có một người đàn ông và ba phụ nữ yếu đuối. Do Đại úy Nguyễn Văn Triệu, Phó chỉ huy cảnh sát TX.Long Xuyên tức khí vì bị Nguyễn Ngọc Truyện (lúc đó chưa nổi tiếng và mang biệt danh Bạch Hải Đường) đột nhập vào nhà lấy tài sản mà bắt mãi không được nên phát lệnh tầm nã nhờ các báo Sài Gòn lúc đó đăng với biệt danh là Bạch Hải Đường và nâng hắn lên thành "tướng cướp". Có lẽ, Đại úy Triệu cũng muốn vớt vát lại danh dự vì một tướng cướp sẽ khó đối phó hơn là là một tên ăn trộm vặt.
Do được Đại úy Triệu "tặng" không cho biệt danh Bạch Hải Đường nên hắn bỗng dưng nổi tiếng. Chính Nguyễn Ngọc Truyện cũng không biết cái tên này từ đâu ra. Còn Đại úy Triệu có lẽ cũng muốn chứng tỏ mình cũng là một tay có đọc sách và có lẽ cũng đọc ở đâu đó thấy tên Bạch Hải Đường nghe có vẻ lãng mạn nên chớp "tặng" ngay cho Truyện. Thật ra Hải Đường là tên của một loài hoa của Trung Quốc. Bạch là trắng, một đóa hải đường trắng, thế thôi. Cũng chính vì cái tên ấy bị tầm nã mà nhiều báo đăng vừa lãng mạn, vừa mơ hồ về một tên tướng cướp nguy hiểm. Chính hàng xóm chẳng ai biết Bạch Hải Đường mà chỉ biết có Nguyễn Ngọc Truyện.
Nổi danh nhờ sự hư cấu trong các bộ phim, sân khấu Và cũng chính vì sự nổi tiếng này, nên từ trước năm 1975, tướng cướp Bạch Hải Đường đã được dựng thành tuồng cải lương, lên sân khấu kịch, làm phim. Các tác giả đã hư cấu, thêu dệt thành một "huyền thoại" khiến Bạch Hải Đường giống như một tay anh chị lừng lẫy giang hồ, hào hoa phong nhã, được nhiều cô gái mê mệt và cuối cùng chết trong hào quang ấy. |
Võ Thu Sơn