Cũng như nhiều người khác theo nghiệp võ vì truyền thống "cha truyền con nối", võ sư Thành theo học Thiếu Lâm từ nhỏ và sư phụ của bà cũng chính là người cha: cụ Nguyễn Văn Tiến (cụ cả Tiền), một tiền bối võ thuật có tiếng tại Hà Nội.
"Không qua lửa, không thành thép"
Năm lên 8 tuổi, cô bé Thành đã bắt đầu làm quen với quyền cước. Ban ngày đi học văn hóa, đến tối sư phụ lại bắt đứng tấn hàng giờ đồng hồ mới cho nghỉ. Sau này khi bố mẹ cô sinh thêm được 1 em trai, lúc ấy cô có thêm một sư đệ cùng nhau tập luyện.
Những ngày đầu học võ, bài học đầu tiên mà cô bé Thành là buộc dây chun vào chân rồi đá hàng trăm lượt mới nghỉ. Để luyện tay, bà phải tự đấm vào thân cây đến mức thân bưởi trước nhà đổ gục...
Học võ Thiếu Lâm, việc đứng tấn là vô cùng quan trọng, là bước khởi đầu, bước nhập môn. Không phân biệt mùa đông hay mùa hè, cụ Tiền thường thắp một nén hương ngoài sân và bắt người con gái của mình đội sương luyện "trung bình tấn" đến khi nén nhang cháy hết.
Năm 21 tuổi, bà lập gia đình với một đệ tử của cha mình. Trước đó, hai người thường xuyên đi theo cụ Tiền "phiêu bạt giang hồ" để biểu diễn võ Thiếu lâm. Ngày ấy, khi đi biểu diễn ở các tỉnh xa, nhiều người cảm thấy ngạc nhiên vì bà là phụ nữ lại biểu diễn võ thuật đạt đến độ thượng thừa.
Năm 1982, vừa mới sinh con được 2 tháng, Sở Thể dục Thể thao Hà Nội (TDTT) có tổ chức buổi biểu diễn võ thuật ở công viên Lê Nin (nay là công viên Thống Nhất). Đến gần thời gian biểu diễn, một võ sư đã đăng kí tiết mục biểu diễn nhưng bận việc đột xuất nên không thể tham gia. "Lúc ấy một cán bộ công tác tại Sở, cũng là đệ tử của cha tôi đến nhà năn nỉ tôi tham gia biểu diễn. Tôi phân vân mãi vì con lúc ấy còn đang bú. Nhưng rồi nể quá, hơn nữa đang "ngứa nghề" nên tôi quyết định lên đài biểu diễn", bà Thành kể lại.
Không ai ngờ tiết mục của người biểu diễn "chữa cháy" lại trở thành tiết mục "đinh". Bà biểu diễn liền một lúc hai bài là "Đại đao" và "Song kiếm". Đây được coi là hai bài khá khó trong các bài tập binh khí thuộc môn phái Thiếu Lâm tự.
Võ sư Thành tâm sự: "Lúc ấy vừa sinh con, sữa còn đầy nên khi biểu diễn phải nén khí, sữa chảy ra ròng ròng ướt cả áo. Lúc tôi đang biểu diễn, nhiều người tưởng tôi do căng thẳng quá chảy mồ hôi ướt áo. Khi Ban tổ chức giới thiệu tôi vừa sinh con được hai tháng, tất cả mọi người đều đứng dậy vỗ tay thán phục. Biểu diễn xong, tôi chạy thẳng một mạch về nhà cho con bú".
Sau lần đó, giới võ lâm Hà Nội truyền tai về câu chuyện của bà như một giai thoại về tinh thần thượng võ.
Sau tiếng vang từ buổi biểu diễn tại công viên Lê Nin, võ sư Thành được mời về công tác tại Sở TDTT Hà Nội. "Hữu xã tự nhiên hương", liên tục nhiều tỉnh mời bà về địa phương dạy võ. Niềm đam mê muốn cho môn phái Thiếu Lâm nổi danh hơn nữa nên những chuyến công tác xa nhà kéo bà đi liên miên.
Bà chia sẻ: "Lúc đó tôi đã có hai con nhỏ, nhưng vì phải đi dạy võ ở các tỉnh xa nên bỏ bê công việc, trách nhiệm của người phụ nữ. Rồi đến năm 1990, tôi và chồng chia tay nhau".
Nỗi niềm riêng phụ nữ theo nghiệp võ
Năm 1986, bà được mời lên Cao Bằng dạy võ. Nghe tiếng, một thanh niên tên Kỳ "đen" vào xin học. Trước đó, người này đã từng theo học rất nhiều môn phái, không biết sợ một ai và chưa từng có đối thủ.
Nữ võ sư Nguyễn Kim Thành
Bà Thành nhớ lại: "Có lẽ cậu ta đến với mục đích muốn thử trình độ của mình như thế nào nên đòi thi đấu". Bà quyết định lên đài để "dạy dỗ" cho cậu ta một bài học. "Cậu ta múa rất nhiều thế võ của nhiều trường phái còn tôi thì đứng im. Cứ mỗi khi cậu ta chuẩn bị tấn công, tôi nhích người lên tung một cú đá lại khiến đối thủ ngã lăn ra sàn. Sau 4 lần như vậy, cậu ta đầu hàng và nhận tôi làm sư phụ, dẫn thêm hơn chục người đến xin học võ Thiếu Lâm".
Hay một lần ở Hải Phòng, thấy phụ nữ đi dạy võ, một thanh niên đến cười nhếch mép: "Tôi rất thích học võ Thiếu Lâm nhưng liệu bà có đánh được tôi không mà đòi làm thầy". Cậu thanh niên này mời võ sư Thành tỉ thí "phân tài cao thấp". Bà càng từ chối thì thanh niên kia càng buông những lời thô tục để hạ thấp bà.
Võ sư Thành quyết định lên đài và chỉ sau 2 cú đá, đối thủ đã gục ngã. "Cậu ta muốn bái tôi làm sư phụ nhưng tôi quyết không nhận vì tính cách của người này quá ngỗ ngược, học võ cũng chỉ đi hại người", bà nhớ lại.
Được biết, trong những năm đi dạy võ ở các tỉnh xa, đã nhiều lần võ sư Thành bị người của một số môn phái khác đến quấy rối, ngăn cản việc giảng dạy. Tuy nhiên, người phụ nữ này luôn khéo léo xử lí để tránh phải động thủ, gây mất đoàn kết với các môn phái khác.
Đến nay, các học trò của võ sư Thành vẫn còn nhắc về vụ một mình bà "đo ván" 3 môn đệ của một môn phái khác. Một lần bà đi làm về ban đêm, đến đoạn vắng thấy 3 bóng áo đen xuất hiện.
Một tên định đánh lén từ phía sau, võ sư Thành né đòn sang bên trái quay người tung quyền chân đúng vào bụng đối thủ khiến cho hắn gục xuống. Hai tên khác cùng lao vào, nhanh như cắt bà nhảy lên đạp thẳng hai chân vào ngực đối thủ. Sau khi ăn đòn, mấy đối tượng đánh lén lê lết chạy đi.
Văn Chương