Thông tin từ Bs.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó Giám đốc chuyên môn, Giám đốc Trung tâm Tim mạch bệnh viện Đa khoa Trung Ương Cần Thơ (ĐKTW) cho biết, các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim vừa phẫu thuật thành công một bệnh nhân suy tim do hẹp nặng nhiều nhánh động mạch vành.
Bệnh nhân là Trần Văn K., 58 tuổi, ngụ huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Bệnh nhân K. được phẫu thuật bằng phương pháp bắc cầu mạch vành không dùng máy tim phổi nhân tạo với mạch máu làm cầu nối toàn bộ bằng động mạch. Đặc biệt, sử dụng động mạch nuôi dạ dày cho cầu nối động mạch vành phải.
Trước đó, lúc 6h30 ngày 22/10, bệnh nhân K. nhập viện với triệu chứng đau thắt vùng ngực trái; mệt, khó thở phải ngồi. Tiền sử: Hút thuốc lá nhiều, tăng huyết áp, Đái tháo đường type II, nhồi máu cơ tim cũ,…
Ngày 29/10, ê-kip phẫu thuật do Bs.CK2 Lâm Việt Triều, Trưởng khoa Phẫu thuật tim, Ths.Bs Nguyễn Công Cữu (khoa Phẫu thuật tim), Ths.BS Trần Thị Kim Luyến (Khoa Gây mê hồi sức) cùng với sự hỗ trợ về chuyên môn từ trung tâm Tim mạch Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển sang khu hồi sức với tình trạng huyết động ổn định. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn định, vết mổ khô, sinh hoạt bình thường, các chỉ số xét nghiệm ổn định.
Bs.CK2 Lâm Việt Triều cho biết: Phẫu thuật bắc cầu mạch vành không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể sẽ có nhiều khó khăn, phức tạp hơn so với phương pháp cổ điển.
Để thực hiện được đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn của ê-kíp phẫu thuật và các trang thiết bị phù hợp. Phương pháp này chỉ được triển khai khi ê-kíp phẫu thuật đã thành thạo với phương pháp cổ điển.
Dưới sự hỗ trợ chuyên môn của trung tâm Tim mạch bệnh viện Chợ rẫy (TP.HCM), bệnh viện ĐKTW Cần Thơ đã áp dụng thành công kỹ thuật nêu trên trong điều trị phẫu thuật cho nhiều bệnh nhân có tình trạng hẹp nặng nhiều nhánh động mạch vành.
Đây là một trong những kỹ thuật đỉnh cao của phẫu thuật tim mạch, thường chỉ được thực hiện ở các trung tâm phẫu thuật tim mạch lớn, kể cả trong nước và trên thế giới.
Thanh Lâm