Sản phụ vượt cạn an toàn
Tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ cho biết vợ chồng chị T. do hiếm muộn nên đã đi khám ở một phòng khám tư nhân và được các bác sĩ tại đây tư vấn phương pháp thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào buồng trứng để thụ thai. Nhằm tăng cơ hội mang thai cho các trường hợp này, bác sĩ dùng thuốc kích thích cho hai buồng trứng. Khi nhiều noan nãng ở buồng trứng rụng xuống, gặp nhiều tinh trùng thì sẽ thụ thai và khả năng có đa thai là rất cao.
5 cháu bé đang được chăm sóc tại bệnh viện.
Trong quá trình mang thai, khi đi siêu âm phát hiện 4 thai, bác sĩ tại phòng khám có tư vấn cho vợ chồng chị T. bỏ đi 1 thai để tránh tình trạng nguy hiểm có thể xảy ra do mang đa thai như sinh non, hư thai,... Nhưng do quan điểm của gia đình và lại hiếm muộn chưa có con lần nào nên quyết định giữ lại cả 4 thai. Khi thai kỳ được 33,5 tuần thì thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ và được chuyển đến bệnh viện Từ Dũ vào chiều tối 17/3.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, do nhận định trước đây là một ca sinh khó đặc biệt, hiếm gặp nên khi phát hiện không nghe được tim thai, lúc đầu các bác sĩ của kíp mổ khá lúng túng và lo lắng đến sự an nguy của cả mẹ và con. Đến 19h10' cùng ngày, các bác sĩ quyết định phải mổ đẻ để tránh tình trạng băng huyết, thắt mạch tử cung dự phòng, nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ. Cũng chính trong quá trình mổ đẻ này, cả bệnh viện và gia đình mới biết chị T. không phải chỉ mang 4 mà là 5 thai, khi mà các bác sĩ đã mang 4 cháu bé ra ngoài, thì phát hiện vẫn còn thêm một em bé nữa.
Nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ, cả 5 bé (3 trai, 2 gái) chào đời đều khỏe mạnh, có cân nặng lần lượt là 2kg, 1.8kg, 1.5kg và hai bé sau cùng có cân nặng 1.3kg. Lý giải cho việc trong quá trình siêu âm, khám thai cho đến trước khi sinh bác sĩ đều không phát hiện ra chị T. mang 5 thai, tiến sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy cho biết, khi thai càng lớn thì quá trình siêu âm càng khó biết được số lượng thai. Đặc biệt hơn nữa, 5 phôi thai của chị T. lại nằm riêng trong 5 túi ối chứ không nằm chung một túi. Vì vậy việc xác định số lượng thai lại càng khó khăn hơn.
Sau ca mổ, sản phụ ra huyết nhiều hơn bình thường do mang đa thai, và tử cung thu hồi cũng không giống như các bà mẹ chỉ sinh một thai. Nhưng chị T. đã vượt cạn an toàn, được chăm sóc tại phòng hậu phẫu, còn 5 con của chị được chuyển đến phòng Dưỡng nhi. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy, ở bệnh viện Từ Dũ 10 năm trở lại đây mới chỉ có khoảng 4 trường hợp sinh đa thai, nhưng sinh 5 thì đây là lần đầu tiên. Tuy nhiên, với những biện pháp thụ tinh nhân tạo, thì tỷ lệ mang đa thai nhiều hơn 5 trên thế giới là rất cao.
Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc bệnh viện Từ Dũ.
Sức khỏe của 5 em bé tạm thời ổn định
Bác sĩ Vũ Tài Đăng, phó trưởng khoa Sơ sinh (bệnh viện Từ Dũ) cho biết, khi mới ra đời, tình trạng sức khỏe của 3 cháu đầu tiên khá tốt, không cần phải thở ôxi, nhưng 2 cháu ra sau thì yếu hơn và có biểu hiện suy hô hấp phải theo dõi bằng lồng ấp, thở bằng ôxi. Nhưng đến chiều ngày 18/3, tình trạng sức khỏe của cả 5 cháu khá ổn định, dù vẫn nằm trong phòng Dưỡng nhi và được theo dõi chặt chẽ, nhưng 2 cháu yếu hơn cũng không còn phải nằm trong lồng ấp và thở ôxi nữa.
Hiện 3 cháu khỏe mạnh đã có thể cho uống sữa. Hai cháu sau nuôi bằng tĩnh mạch, chưa dám cho ăn sữa nhiều, vì dễ gây bệnh về đường ruột. Hiện sản phụ đã phục hồi khá tốt, và có thể xuất viện trong vài ngày tới. Nhưng sức khỏe của các cháu dù tạm thời ổn định, về lâu dài vẫn không thể nói trước và cũng chưa thể đánh giá toàn diện. Vì các cháu vẫn còn vàng da, chưa thích ứng tốt với môi trường bên ngoài, nên không thể nói trước lúc nào có thể ra viện. Vài ngày nữa, nếu cháu bé nào hoàn toàn khỏe mạnh, thì có thể cho về với mẹ.
Theo bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, một sản phụ bình thường sẽ mang thai từ 38 - 40 tuần. Trường hợp đa thai đa phần là có dấu hiệu chuyển dạ sinh rất sớm hơn so với bình thường. Chị T. đã giữ thai được đến 33,5 tuần là rất tốt, chứng tỏ chị đã có một chế độ dinh dưỡng khá tốt, để có thể vượt cạn an toàn với 5 cháu bé chào đời đều sống sót và sức khỏe chuyển biến ổn định.
Được biết người nhà của chị T. hiện cũng rất lo lắng về cách chăm sóc cho cả 5 cháu đều sinh thiếu tháng. Bác sĩ Vũ Tài Đăng cho biết: "Chúng tôi đã hướng dẫn cho người nhà biện pháp Kangaroo (một phương pháp y học hỗ trợ cho những em bé sinh non từ 2kg trở xuống) để có thể chăm sóc cho các cháu tốt hơn". Theo thông tin mà chúng tôi nhận được từ bệnh viện Từ Dũ, hiện đã có một vài công ty sữa xin tài trợ cho gia đình chị T. trong quá trình chăm sóc cho 5 cháu bé.
Nhiều nguy hiểm khi mang đa thai
Tuy đây là ca mang đa thai được sinh mổ thành công, nhưng các bác sĩ bệnh viện Từ Dũ cũng khuyến cáo các bà mẹ những mối nguy hại, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả bà mẹ và trẻ em khi có ý định mang đa thai.
Bác sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy cho biết việc mang đa thai mối nguy hiểm thường gặp nhất là tiền sản giật. Khoảng 50% các bà mẹ mang đa thai xảy ra tình trạng này, nếu cơ thể bà mẹ mắc bệnh cao huyết áp hoặc có đạm trong nước tiểu. Ngoài hiện tượng sinh non, hư thai ở những trường hợp mang đa thai chiếm tỷ lệ rất cao do tử cung dãn nở không tốt, việc mang đa thai còn khiến người phụ nữ trong quá trình sinh con có thể bị băng huyết, chuyển dạ kéo dài, nguy hiểm đến tính mạng.
Đối với thai nhi, trường hợp đa thai, khả năng sống sót không cao bằng một thai hoặc song thai. Việc sinh non cũng có thể dẫn đến tình trạng tràn dịch màng, suy hô hấp ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra các cháu còn có thể gặp khó khăn ở khả năng hấp thụ sữa, mắc bệnh vàng da, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng sơ sinh, và khả năng thích nghi với môi trường kém.
Không những thế, những cháu bé sinh ra từ những trường hợp mang đa thai còn đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh về thị lực và thính giác mà lúc sinh ra không thể phát hiện ngay được. Những cháu bé này cần có một chế độ chăm sóc đặc biệt, phải được theo dõi sức khỏe sát sao, để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường về sức khỏe và xử lý. Các bác sĩ cũng khuyến cáo những bà mẹ được chẩn đoán mang đa thai, sinh non thì phải được hỗ trợ phổi bằng cách tiêm thuốc ngay khi thai nhi từ 23 - 3 tuần tuổi.
Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, những thai phụ mang từ ba thai trở lên đều được tư vấn những nguy cơ có thể xảy ra. Tuy nhiên việc bỏ bớt hay giữ lại hoàn toàn do gia đình thai phụ quyết định. Nếu gia đình đồng ý bỏ bớt thì các cháu bé sinh ra có cơ hội tốt để phát triển hơn, ít phải đối mặt với những nguy cơ có hại về sức khỏe.
Bác sĩ đối mặt sinh tử cùng thai phụ Trước đây, bệnh viện Từ Dũ cũng từng thực hiện thành công ca sinh mổ cho trường hợp sinh 4 của sản phụ T.T.T. (31 tuổi, ngụ Đồng Tháp). Tuy nhiên, đó là trường hợp mang thai tự nhiên. Với trường hợp sinh 5 nhờ thụ tinh nhân tạo này, các bác sĩ của bệnh viện Từ Dũ đã trải qua những phút cam go, đầy lo lắng, hồi hộp, đối mặt sinh tử cùng thai phụ, vì đây là trường hợp mang 5 thai đầu tiên tại Việt Nam. Nhưng ca mổ đã thành công ngoài sự mong đợi, và trở thành trường hợp sinh 5 hiếm gặp đầu tiên tại Việt Nam. |
Hương Lam