Kỳ diệu cuộc tái sinh của đứa trẻ hoang dã nhất thế giới

Kỳ diệu cuộc tái sinh của đứa trẻ hoang dã nhất thế giới

Thứ 7, 09/11/2013 07:12

Không biết nói, chẳng thể ăn, 8 tuổi vẫn phải dùng tã và phản ứng duy nhất là cắn và hét. Tuy nhiên, ở miền Nam nước Mỹ, cặp vợ chồng Bernie và Diane Lierow đã giang rộng vòng tay đón Danielle tội nghiệp về làm con nuôi.

Trở thành hoang dã vì không được tiếp xúc với con người

“Đứa trẻ hoang dã nhất thế giới”. Trưởng khoa tâm lý nhi khoa của đại học Nam California, người thầy thuốc đầu tiên trong cuộc đời của Danielle đã phải sửng sốt thốt lên như vậy khi lần đầu ông thăm khám cho cô bé. 7 tuổi song bé không biết nhai, không thể giao tiếp bằng mắt, không phản ứng lại với cái nóng, cái lạnh hay sự đau đớn. Có chọc mũi tiêm vào da, bé cũng sẽ chỉ lặng im. Bé không bao giờ khóc.

Thậm chí đến bản năng cơ bản của con người là đi bằng hai chân, bé cũng không biết. Bé hoàn toàn có thể đứng nhưng khi cần đi, bé lại bò ngang như một con cua vậy. Tất nhiên, bé không thể nói, không lắc đầu khi từ chối hay gật đầu khi đồng ý.  Thỉnh thoảng, bé lại cất tiếng kêu ủn ỉn như lợn vậy.

Rất giống như những người rừng trong các bộ lạc nguyên thuỷ nơi rừng xanh nước thẳm. Nhưng trớ trêu thay bé lại ở ngay trong một ngôi nhà giữa thành phố Plant, Floria, Mỹ. Đời sống cỏ cây của bé chỉ được người ta biết đến khi cảnh sát liên bang nơi đây mở cuộc điều tra về vấn đề bạo hành trẻ em mà không ai khác mẹ em là đối tượng khả nghi.

Điều tra viên của Cục bảo vệ gia đình và trẻ em bang Florida, Hostle kể lại ngày đầu cô đến nhà bé: “Tôi đứng trong gian phòng ngập ngụa các xác sinh vật chết lâu ngày bốc mùi hôi nồng nặc. Nước tiểu, phân, chó, mèo và cả phân người vấy bẩn khắp tường và văng đầy trên thảm khiến tôi vội vã bước ra ngoài. Và khi bước đến căn phòng nhỏ hẹp bên cạnh, tối om, bất giác tôi đưa mắt nhìn vào chiếc đệm bẩn thỉu ngay dưới chân và bất ngờ khi thấy một em bé đang cử động.

Nhìn kỹ hơn, tôi thấy một đôi mắt đen, to và không hề chớp. Bé nằm trên chiếc đệm đặt trên sàn nhà mốc meo nửa cuộn nửa mở, đôi chân gầy tong teo gập lại làm cho những xương sườn, xương đòn chồi ra rõ rệt. Mái tóc bợt bạt, lúc nhúc chấy rận. Những vết côn trùng cắn, mụn nhọt và các vết thương lỗ chỗ khắp trên da. Và dù thân thể cô bé đã lớn như một cô học trò tiểu học nhưng chỉ có độc một chiếc tã nhỏ lót dưới mông để thấm nước tiểu, phân giống như trẻ sơ sinh vậy.

Lạ & Cười - Kỳ diệu cuộc tái sinh của đứa trẻ hoang dã nhất thế giới

Khi tôi cúi xuống đỡ bé dậy, cô bé chỉ phát ra tiếng kêu ăng ẳng trong cổ họng, nhưng cũng không vùng vẫy phản kháng. Tôi hỏi tên, bé lặng im như không nghe thấy. Tôi lần tìm quần áo của bé nhưng chẳng thấy gì. Khi tôi tìm đồ chơi thì giật mình vì thứ duy nhất mà tôi thấy được đã bị giòi phủ kín”.

Ngay sau chuyến thăm khám của nhà chức trách, bé được đưa về viện Nhi chăm sóc nhưng tình hình chẳng mấy khả quan hơn. Bé vẫn không thể nhai hay nuốt thức ăn cứng mà phải truyền thức ăn qua tĩnh mạch. Bé không biết cầm nắm. Các bác sĩ nhi khoa ở đây đều khẳng định: “Bé sẽ tàn tật suốt đời”. 

Có nhiều lý do khiến con người phải rơi vào cảnh sống như thực vật, nhưng trong tất cả các lý do ấy, lý do của bé có lẽ là đau xót nhất. Tất cả các kiểm tra như scan não, thị lực, tim và gens đều cho thấy bé chẳng có gì bất thường. “Bệnh” tâm thần của bé ở đây hoàn toàn là do sự nhẫn tâm của người sinh thành ra bé nhưng không cho bé lớn lên thành người.

Theo các bác sĩ bởi bé không được giao tiếp quá lâu với con người nên bé đã dần mất đi khả năng tương tác với người khác. Các kỹ năng cơ bản của loài người như đi lại, cầm nắm, ăn, nghe, nói bé cũng chưa một lần được trải nghiệm nên vì thế mà bé cũng không thể hình thành cho mình. Tất cả những giao thiệp trước nay của bé chỉ là qua mẹ với hành động duy nhất là sự tiếp tế thức ăn, nước uống ở mức chỉ đủ để duy trì sự sống.

Không thể bỏ rơi

Giống như bất kỳ một cặp cha mẹ muốn nhận con nuôi nào, Bernie, 49 tuổi và Diane Lierow , 46 tuổi, Florida, Mỹ tìm đến với trung tâm bảo trợ trẻ em mà Danielle ở với kỳ vọng tìm được một đứa con nuôi ưng ý để làm bầu bạn với cậu con trai nhỏ của mình. Một đứa trẻ tàn tật, luôn cần phải phục vụ và nguy hiểm hơn, có thể làm tổn thương đến đứa con đẻ bé bỏng của họ như Danielle là điều hẳn chẳng bao giờ họ mảy may nghĩ đến.

Ấy vậy nhưng, khi đứng trước cảnh một đứa trẻ 9 tuổi nhưng hoang dại như cây cỏ mà chẳng người nào đến đây dám rước về nuôi thì tự nhiên cặp vợ chồng 5 con ấy lại thổn thức: “Đôi mắt bé như van nài, như cầu cứu, như muốn được ban ơn khi chúng tôi đến....”. Và tháng 10/2005, họ quyết định rước bé về nhà mình để làm con và tái sinh lại sự sống cho đứa bé tội nghiệp. 

Không thể kể xiết được những cực nhọc mà cặp vợ chồng nhân hậu đã phải trải qua kể từ ngày rước đứa trẻ hoang dại ấy về nhà. Họ phải xin nghỉ làm nửa tháng để chuyên tâm hướng dẫn bé thích nghi với cuộc sống trong ngôi nhà mới nhưng dường như mọi nỗ lực của họ đều không mấy kết quả. Khi họ nâng niu dành tặng cho bé những con búp bê đắt tiền, thì lập tức bé nghiến ngấu cắn gãy hết tay chân búp bê. Nhưng không vì thế mà bố mẹ nuôi ngừng mua búp bê vì lý do “khi có búp bê trong tay, mặt bé rạng rỡ hẳn”.

Các kỳ nghỉ của gia đình cũng thường xuyên mất vui chỉ vì bé luôn gào thét thảm thiết khi thấy biển và không dám chạm chân xuống cát. Bé không hề biết bóc vỏ giấy của kẹo sô cô la nên thường xuyên ăn cả giấy rồi nôn trớ khắp phòng. Hai vợ chồng miệt mài lau nhà cả ngày đêm mà nhà lúc nào cũng trong tình trạng sặc mùi nôn trớ khó chịu.

Từ ngày có bé, đêm nào cả gia đình cũng không trọn giấc, vì bé thường xuyên thức dậy và lục sục cả đêm để bò qua bò lại bếp bày bừa đồ ăn. Cực hơn nữa là khi dạy bé đánh răng hay chải đầu cho bé, chồng phải ôm bé chặt trong lòng để vợ chải tóc. Vậy mà trên đôi tay người mẹ nuôi và người cha ấy vẫn chồng chéo các vết rớm máu do bé cắn.

Chẳng một ai nhìn thấy cảnh sống đoạ đầy như thế này của cặp vợ chồng Bernie và Diane Lierow  mà lại không ngăn cản ý định tiếp tục nuôi dưỡng đứa bé. Hai vợ chồng cũng cảm thấy quá đỗi mệt mỏi khi vừa phải đảm bảo việc công sở, vừa phải chăm sóc bé bởi chẳng người giúp việc nào chịu trông đứa bé như vậy. Nhưng buồn hơn cả là họ không thấy có chút tiến bộ nào ở bé ngoại trừ việc tăng cân.

Nhưng rồi, giấu kín mọi nỗi buồn trong lòng, hai vợ chồng vẫn tiếp tục kiên nhẫn dạy bé từng chút, từng chút một từ cách đi giày đến dùng giấy vệ sinh, từ động tác uống nước đến ăn cơm. Họ đã khăng khăng đấu tranh với cô giáo ở trường học để bé được học chung lớp với các bạn bình thường. Họ cho bé học cưỡi ngựa, học võ, đi mua sắm, đi lễ. Bé thậm chí còn được bố mẹ quan tâm hơn cả cậu con đẻ cùng nhà. 

Sau hơn một năm ở trong gia đình mới, đôi chân của Danielle bắt đầu phát triển linh hoạt hơn. Bé được học bơi, học đi bằng hai chân. Tóc bé lúc này cũng chuyển sang màu vàng óng ả. Nhưng về trí tuệ, bé vẫn hoang dại như ngày mới đến. Bé vẫn la hét khi ai đó đến gần và rất sợ người lạ.

Trẻ em khó hoà nhập với người lớn nhưng có khi lại tiến bộ nhanh khi chơi với bạn đồng lứa. Nghĩ vậy và cả hai vợ chồng đã chẳng ngần ngại vận động cả cậu con trai nhỏ bé của mình vào công cuộc dạy dỗ bé. Họ đã truyền cho con trai một tình yêu vô điều kiện với đứa em bất thường.

Cứ vậy, từng ngày, nỗ lực dạy bé từng chút, bản năng hoà đồng của bé dường như đã dần trỗi dậy. Bé biết gọi tên anh trai, tự xúc ăn, tự đi vệ sinh và thoát khỏi tã. Bé có thể nghe được, hiểu và phản ứng với các yêu cầu của cô giáo ở lớp. Cha mẹ nuôi cũng rớt nước mắt xúc động mỗi lần thấy con buồn vì đã để bố mẹ thất vọng.

Nhưng dẫu vậy, với cặp vợ chồng người Mỹ này, điều đó dường như vẫn chưa là đủ. Họ vẫn hy vọng một ngày Danielle có thể gọi bố mẹ, có thể kết hôn và không còn phải sống phụ thuộc, không còn xem mình là người khác thường nữa.... Những mong ước của họ dài mãi như mong ước của bất kể đấng sinh thành nào dành cho những đứa con mà họ dứt ruột đẻ ra.

Thu Hương (Theo Reader’s Digest)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.