Nghe bằng mắt...
Điều kỳ diệu "người điếc câm hát" bắt đầu bằng một sự tình cờ xuất phát từ tấm lòng người mẹ của cô Phạm Cao Phương Thảo (Giám đốc tổ chức Cộng đồng người điếc câm TP.HCM). Với nỗ lực tạo mọi điều kiện và hình thức sinh hoạt mới cho các thành viên trong tổ chức yêu đời hơn, cô Phương Thảo đã nảy ra ý tưởng dạy người điếc câm hát. Ý tưởng này chợt lóe sáng khi thành viên ban tổ chức thuộc Thành Đoàn TP.HCM trong hội diễn dành cho người khuyết tật thắc mắc người điếc câm sẽ biểu diễn gì, ngoài kịch câm.
Cô Phương Thảo nhớ lại: "Hội diễn dành cho người khuyết tật tổ chức vào năm 2011, tôi vẫn đang băn khoăn không biết dựng tiết mục nào cho các em trong tổ chức biểu diễn. Một anh trong ban tổ chức gặp tôi và hỏi "Năm nay lại diễn kịch câm hả chị?". Lúc đó, tôi nảy ra ý tưởng: "Hay tôi cho các em hát bài Cả nhà thương nhau?". Anh này tròn mắt nhưng rất tin tưởng, bảo tôi tìm bài người lớn dạy cho các em, bài đó ngắn quá. Về nhà, cô tìm những bài hát có lời hay, ý nghĩa, phù hợp để các em có cơ hội biểu diễn hết khả năng.
Nhiều người không hiểu cô Thảo dạy các em điếc câm hát bằng cách nào, nghe các em cũng không nghe được, mà phát ra lời lại là việc không tưởng. Người điếc câm không nghe thấy làm sao cảm thụ được các âm sắc trong nhạc lý. "Các em học bằng mắt và cô dạy nhạc bằng tay", cô tự hào chia sẻ cùng chúng tôi về sự sáng tạo ra cách truyền dạy âm nhạc đặc biệt của mình. Đầu tiên, cô Thảo sẽ học thuộc lòng lời bài hát rồi chuyển dịch sang ngôn ngữ ký hiệu dành riêng cho người điếc câm. Ngôn từ của bài hát vô cùng bóng bẩy, gợi hình, gợi thanh sắc nên để dịch sang ngôn ngữ ký hiệu hết sức khó khăn.
Đôi bàn tay làm nên tiếng hát
Từ điển ký hiệu dành cho người điếc câm chỉ có hơn 1.600 từ, ý nghĩa của mỗi từ ngữ phải tối giản đến mức cao nhất. Và không phải từ nào trong bài hát, cô Phương Thảo cũng có thể chuyển sang ký hiệu. Những lúc đó, cô lại nhờ đến người con trai Đoàn Phạm Khiêm, một người điếc câm có nhiều thành tích nổi bật trong học tập và các hoạt động của cộng đồng người điếc câm.
Cách làm "thủ công" của cô Phương Thảo lại cực kỳ hiệu quả và dễ hiểu với các em điếc câm. Cô mở nhạc để tâm hồn mình trôi theo mạch cảm xúc rồi tay bắt đầu ra ký hiệu khi lời bài hát vang lên. Mỗi câu hát tương ứng với một mạch động tác cô trình bày cho các em trong đội hát nhìn và ghi nhớ. Cô kiên nhẫn tập cho các em từng động tác thật nhuần nhuyễn rồi ghép thành câu, thành bài. Như một người nhạc trưởng chính hiệu, cô truyền cho các em cảm xúc mà mình là người duy nhất cảm nhận được bằng thanh âm.
Và hát bằng cả trái tim
Không nghe được thanh âm, các em chỉ nhìn, cảm thụ giai điệu của bài hát qua ngôn ngữ ký hiệu và biểu lộ cảm xúc của cô Phương Thảo. Đi kèm với ngôn ngữ ký hiệu, nét mặt, điệu bộ của cô Thảo đóng vai trò khuông nhạc để các em trở thành những nốt nhạc đáng yêu "nhảy múa" theo cách cảm nhận riêng từ tâm hồn của mỗi người. Những nét mặt hồn nhiên biểu cảm vui buồn, hạnh phúc theo từng ký hiệu. Dĩ nhiên, các em điếc câm không cảm nhận đủ các khía cạnh của ngôn từ mà người bình thường phải nghe, nói, nhìn, trải nghiệm mới hiểu hết ý nghĩa.
Các em có cách nghĩ riêng và hành động thể hiện cũng hết sức giản dị. Chúng tôi đã không hề rời mắt và không còn nghe thấy giai điệu cũng như lời bài hát phát ra từ chiếc loa phía sau lưng cô Thảo. Bao nhiêu giác quan của chúng tôi đều hướng đến cử chỉ, biểu cảm gương mặt của các em.
"Quê hương" của các em được miêu tả qua động tác vẽ chữ S, có tiếng sáo diều các em nghiêng tai lắng nghe, có nét mặt trông ngóng mẹ về, có nụ cười tỏa nắng và nét mặt cương nghị khi các em nghĩ về "Quê hương nếu ai không nhớ sẽ không lớn nổi thành người...".
Cô Phương Thảo chia sẻ: "Có lần, các bạn điếc câm của tổ chức cộng đồng điếc câm TP.HCM biểu diễn hát bằng múa dấu cho bà Trương Mỹ Hoa cùng một số cựu chiến binh bài hát "Tự nguyện". Họ xem xong đều lặng lẽ lau nước mắt. Tôi biết những giọt nước mắt ấy khóc cho một thời anh hùng đã qua và cho những mảnh đời bất hạnh của các em điếc câm phía trước. Nhưng các em đã tìm được niềm vui và đam mê thực sự trong âm nhạc. Khi hát bằng chính ngôn ngữ của người điếc câm, các em được giải tỏa những uất ức, nghiệt ngã của cuộc sống khiếm khuyết bủa vây".
Khi hát, khẩu hình các em có lúc tròn xoe, có lúc bập bẹ như trẻ con tập hát, hồn nhiên, đáng yêu đến kỳ lạ. "Người ta thường ác cảm với người câm điếc, họ quan niệm người điếc câm hỗn láo, dữ dằn, không hiểu biết. Thế nhưng, nếu họ được nhìn thấy cảnh người điếc câm hát bằng ngôn ngữ ký hiệu, họ sẽ hiểu và cảm thông. Đời sống tinh thần khiếm khuyết và văn hóa khác biệt khiến người điếc câm tách biệt với xã hội. Sự đồng điệu rất khó tìm đến nhau".
Bạn Võ Ngọc Hiếu, người được cô Thảo giới thiệu hát hay nhất nhóm chia sẻ bằng cách ra dấu, được cô Thảo dịch lại: "Tùy theo lời bài hát vui buồn, cô Thảo dịch sang, tụi em hiểu và làm theo. Ban đầu, tụi em học thuộc lòng động tác rồi bắt đầu suy nghĩ, hình dung và diễn tả cảm xúc ra khuôn mặt. Trước đây, tụi em không có biết tới âm nhạc, nhờ có cô mà tụi em thấy đời vui lên hẳn".
Cả nhóm cũng đồng thanh khoe: "Chúng em hát được các anh chị sinh viên yêu thích, khen ngợi và yêu cầu hát nhiều hơn nữa. Chúng em rất tự hào và hãnh diện. Chẳng những được người bình thường yêu thích, họ còn cho chúng em tiền, được các bệnh viện, các trường mời đi ăn nhà hàng. Có tiền, chúng em chia nhau, lấy về trang trải cuộc sống trong những lúc không có công việc".
Các thành viên thường tự tập thêm ở nhà, như vợ chồng bạn Quý (từng tham gia đám cưới tập thể do Thành Đoàn tổ chức) cho biết: "Nếu chồng bận đi làm ở tận Long An về không kịp, vợ đi tập một mình, rồi lấy điện thoại quay lại về cho chồng xem tập theo". Bản thân cô Thảo cũng đều đặn đứng trước gương tập luyện để điều chỉnh động tác thật đẹp, thật truyền cảm.
Hà Nguyễn - Ngọc Lài