Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã chính thức khép lại. Quốc hội đã thảo luận thông qua nhiều dự án luật, quyết sách quan trọng. Nhìn nhận lại cả kỳ họp, các ĐBQH cũng đã có những đánh giá riêng của mình trong kỳ Quốc hội lần này.
ĐBQH Mai Sỹ Diến (Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đánh giá chung về kỳ họp: “Có thể nói, kỳ họp 6 Quốc hội khóa XIV đã có nội dung chương trình sát, phù hợp với yêu cầu đặt ra.
Thứ nhất, phù hợp với chương trình xây dựng luật của Quốc hội đang ban hành. Thứ hai, đánh giá lại việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội giai đoạn 2016-2020, đây là đánh giá rất quan trọng. Quốc hội tiếp tục xem xét thông qua nghị quyết phát triển kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2019. Thông qua đánh giá việc 3 năm thực hiện chính sách về dân tộc ít người và miền núi.
Các ĐBQH cũng đã tập trung, thảo luận sâu vào những vấn đề cử tri phản ánh, cử tri bức xúc, những vấn đề doanh nghiệp trong việc tổ chức thực hiện còn những vướng mắc, khó khăn.
Thông qua, khảo sát, giám sát của ĐBQH phát hiện ra những vấn đề quá bất cập, đều được đặt lên diễn đàn Quốc hội để thảo luận. Thông qua đó, kiến nghị giải pháp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đề ra nhiệm vụ giai đoạn 2019 - 2020 trong lĩnh vực kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh.
Có những vấn đề ĐBQH cũng rất quan tâm như: Cải cách thủ tục hành chính, tư pháp, an toàn giao thông, bạo lực gia đình, nợ đọng thuế, lãng phí đầu tư công, tham nhũng, tham nhũng vặt vẫn còn tồn tại như một “luật ngầm”… Đây là những vấn đề thông qua thảo luận, các ĐBQH đã phản ánh đúng thực trạng vấn đề vướng mắc khó khăn, những vấn đề bức xúc, kiến nghị những giải pháp với Chính phủ để tháo gỡ, khắc phục”.
Vị Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh: “Trong kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến 6 dự án luật, xem xét thông qua 9 dự án luật và 1 nghị quyết, điều này, thể hiện rõ việc hoàn thiện hệ thống pháp luật".
Đặc biệt, kỳ họp này các ĐBQH cũng đã có kinh nghiệm trong nghiên cứu các dự án luật, cách tiếp cận, cách phát biểu, kiến nghị chất lượng và quyết liệt hơn. Tranh luận giữa các bộ ngành cũng có sự sôi nổi và trách nhiệm hơn”.
Ông Diến nói thêm: “Một vấn đề nữa là giám sát, lấy phiếu tín nhiệm các ĐBQH cũng đã thể hiện trách nhiệm của mình, đã dành thời gian báo cáo, nghiên cứu về người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trước nửa tháng.
Từ dư luận, truyền thông phản ánh các bộ ngành, lĩnh vực, thông qua các báo cáo của các bộ ngành tại diễn đàn Quốc hội thì ĐBQH đã thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm để lá phiếu của mình vừa ghi nhận thành tích của các thành viên Chính phủ, cũng như người giữ chức vụ được bầu và phê chuẩn. Đồng thời, cũng vừa là cái để đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách của tư lệnh ngành.
Tôi cho rằng, trưởng ngành có nhiều phiếu tín nhiệm cao cần cố gắng hơn nữa, còn ai nhiều phiếu tín nhiệm thấp thì phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của mình, lĩnh vực mình phụ trách còn những khó khăn, vướng mắc gì mà cử tri, người dân bức xúc…”.
Cũng đánh giá thêm việc kỳ họp này Quốc hội bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, ĐBQH Mai Sỹ Diến nói: “Đây là điều rất vui, không chỉ của ĐBQH mà còn của nhân dân, ý Đảng giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ứng cử làm Chủ tịch nước, ĐBQH đại diện cho cử tri cả nước bầu những lá phiếu của mình. Đây thể hiện được ý Đảng, lòng dân”.
ĐBQH Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) đánh giá: “Tôi cho rằng đây là một kỳ họp rất quan trọng, bản lề của 5 năm kế hoạch. Thứ nhất, công tác phát triển kinh tế xã hội, đây là điểm đánh giá thực hiện 3 năm. Quốc hội cũng thông qua những nghị quyết rất quan trọng đánh giá 3 năm và điều chỉnh lại một số mục tiêu cho phát triển kinh tế, đặc biệt điều chỉnh đầu tư công.
Vấn đề quan trọng nữa là Quốc hội đã thông qua hiệp định CPTPP là dấu ấn rất quan trọng, làm tốt hơn vấn đề công tác đối ngoại, xác định vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, trong lĩnh vực ngoại giao…
Tiếp nữa, về vấn đề giám sát và chất vấn, đây cũng là giữa nhiệm kỳ, nên vừa rồi chúng ta giám sát trở lại những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm. Đại diện của các ngành, các khối xem những cam kết đã thực hiện được đến đâu, tại sao chưa thực hiện được và được trả lời công khai.
Vấn đề tiếp là đã thông qua được các đạo luật, cũng là nền tảng rất quan trọng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng còn vài điểm chúng ta cần thời gian về việc xây dựng luật phòng chống tham nhũng, đặc biệt vấn đề xử lý tài sản kê khai chưa rõ nguồn gốc, đây cũng là điều sẽ quyết tâm làm tốt trong thời gian tới”.
Nguyễn Hường - Hoàng Bích