Kỳ họp có sự tham dự của Tổng Giám đốc các Công ty Dầu khí Quốc gia/Người đứng đầu Cơ quan quản lý Nhà nước về dầu khí của 10 nước ASEAN, Ban Thư ký ASCOPE do Tổng Thư ký ASCOPE Trần Hồng Nam chủ trì điều phối, Điều phối viên các nước, Trưởng các Tiểu ban và đại diện của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) (khách mời).
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự với tư cách là Thành viên Hội đồng Dầu khí ASEAN (ASCOPE) do Phó Tổng Giám đốc Lê Ngọc Sơn làm Trưởng đoàn, cùng đại diện các Ban của Tập đoàn và Ban Thư ký ASCOPE (do Petrovietnam đảm nhiệm từ cuối năm 2019).
Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp, Giám đốc Điều hành Công ty Nhiên liệu Quốc gia Lào ông Sysangkhome Khotnhotha nhấn mạnh bức tranh năng lượng toàn cầu đã và đang thay đổi mạnh mẽ với những quan ngại về biến đổi khí hậu, ngày càng tạo thêm áp lực đối với ngành nhiên liệu hóa thạch trong khu vực. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), cuộc khủng hoảng năng lượng ngày nay cho thấy an ninh năng lượng chính là động lực thúc đẩy đầu tư năng lượng sạch hơn là biến đổi khí hậu. Đầu tư năng lượng toàn cầu dự kiến sẽ tăng 8% vào năm 2022, đạt 2,4 nghìn tỷ USD, với mức tăng chủ yếu cho năng lượng sạch.
Chia sẻ tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn được ủy quyền của Tổng giám đốc Petrovietnam, Thành viên Hội đồng ASCOPE của Việt Nam đã phát biểu “Việt Nam là một trong sáu quốc gia ASEAN có cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị COP26. Với vai trò là tập đoàn năng lượng nòng cốt của quốc gia, Petrovietnam sẽ tập trung nghiên cứu, triển khai các dự án năng lượng tái tạo (đặc biệt là năng lượng ngoài khơi) và nhiên liệu sạch (hydrogen, ammonia…) nhằm khai thác tối đa các nguồn tài nguyên trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay, Petrovietnam tập trung vào sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng, đồng thời, nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm thiểu, thu hồi và lưu trữ trực tiếp khí thải nhà kính (CCS/CCUS).
Trong báo cáo Hội đồng ASCOPE, Tổng Thư ký ASCOPE Trần Hồng Nam đã nhấn mạnh trước xu hướng chuyển dịch năng lượng mạnh mẽ, trong năm 2022, ASCOPE đã thành lập Tiểu ban Năng lượng sạch, thể hiện sự thay đổi kịp thời nhằm đáp ứng xu hướng này. Trong kế hoạch thời gian tới, Tiểu ban mới sẽ xây dựng thí điểm một dự án hợp tác chung giữa các Thành viên ASCOPE về năng lượng sạch và kế hoạch ủng hộ phát triển năng lượng sạch.
Kỳ họp cũng ghi nhận cập nhật của các Thành viên ASCOPE trong nỗ lực chuyển dịch năng lượng. Công ty Dầu khí quốc gia Malaysia (PETRONAS) trong năm 2022 đã dành khoảng 10% trong tổng chi phí đầu tư 60 tỷ Ringgit (khoảng 14 tỷ USD) cho lĩnh vực phi truyền thống như hóa chất đặc biệt, năng lượng mặt trời… nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng vào năm 2050. Công ty Dầu khí Quốc gia Thái Lan (PTT) dành 15% chi phí đầu tư giai đoạn 2021-2030 cho năng lượng tương lai và 17% cho hoạt động kinh doanh mới. Công ty SLNG (Singapore) xây dựng Chiến lược Xanh nhằm sử dụng LNG lạnh để giảm thiểu phát thải CO2 từ các nhà máy công nghiệp. Đại diện Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thông báo Cơ quan này vừa qua đã đưa ra Chương trình chuyển dịch năng lượng sạch bao gồm các lĩnh vực hợp tác kỹ thuật, đào tạo, nâng cao năng lực và các đối thoại chiến lược để hỗ trợ các nước tham gia.
Với những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tích cực giữa các Thành viên Hội đồng ASCOPE, Kỳ họp Hội đồng ASCOPE năm nay đã trở thành một diễn đàn quan trọng, ý nghĩa để các nước thúc đẩy hợp tác trong nỗ lực chuyển dịch năng lượng, góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN phát triển bền vững.
Hương Anh