Dự kiến, ngày 22/10, Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý sẽ trình bày báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến ĐB cũng như nhân dân và trình dự thảo mới.
Các ĐB sẽ dành cả ngày 23/10 để thảo luận nội dung này ở tổ, sau đó là cả ngày 5/11 và một buổi sáng ngày 6/11 thảo luận ở hội trường. Phiên thảo luận này được phát thanh, truyền hình trực tiếp.
Ngày 18/11, các ĐB tiếp tục thảo luận dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã chỉnh lý sau khi tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận ở tổ và hội trường, để có thể thông qua vào sáng 27/11. Phiên biểu quyết này sẽ được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Cho đến nay, một số nội dung lớn vẫn còn ý kiến khác nhau trong dự thảo sửa đối Hiến pháp 1992 là mô hình tổ chức chính quyền địa phương, việc thu hồi đất của nhà nước, vai trò của các thành phần kinh tế, hội đồng hiến pháp...
Dự thảo luật Đất đai sửa đổi, sau khi lỗi hẹn ở kỳ họp trước, sẽ có một buổi chiều ngày 12/11 thảo luận ở hội trường về các nội dung còn ý kiến khác nhau và được truyền hình, phát thanh trực tiếp, trước khi được biểu quyết chiều 29/11.
Các đại biểu QH sẽ nhấn nút biểu quyết dự thảo Hiến pháp sửa đổi, luật Đất đai sửa đổi, phê chuẩn việc bổ nhiệm hai Phó Thủ tướng mới tại kỳ họp khai mạc hôm nay.
14/11 sẽ có hai Phó Thủ tướng mới
Một nội dung quan trọng của kỳ họp này là công tác nhân sự. Sáng 12/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình QH đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng đối với ông Nguyễn Thiện Nhân và việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đối với ông Vũ Đức Đam. Hai vị này có thể sẽ phát biểu ý kiến.
Việc miễn nhiệm dự kiến được thực hiện vào sáng hôm sau 13/11. Ngay sau đó, Thủ tướng sẽ trình QH đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó Thủ tướng CP. Danh sách dự kiến có ông Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Việc bổ nhiệm này được thực hiện sáng 14/11. Ngay sau đó, Thủ tướng sẽ trình QH đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP thay ông Vũ Đức Đam. Nhân sự này sẽ được bổ nhiệm sáng hôm sau, 15/11.
Nghe báo cáo về tái cơ cấu
Bên cạnh việc xem xét, thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách như thường lệ, QH sẽ nghe báo cáo việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu CP cho một số dự án quan trọng, cấp bách như mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh.
QH cũng sẽ nghe báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, tình hình rà soát quy hoạch tổng thể về thủy điện, việc điều chỉnh địa giới hành chính thủ đô.
Trong các báo cáo gửi ĐB tự nghiên cứu có một số báo cáo đáng chú ý như việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn giao thông; tình hình thực hiện công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh, đường sắt đô thị TP.HCM, thủy điện Lai Châu, điện hạt nhân Ninh Thuận, thủy điện Sơn La; tình hình xây dựng Nhà Quốc hội; kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các sai phạm trong quản lý, sử dụng vốn trái phiếu CP giai đoạn 2006 - 2012.
Tiếp thu ý kiến ĐB, một số báo cáo riêng sẽ được gửi để ĐB tự nghiên cứu về việc quản lý và bình ổn giá xăng dầu, điện, sữa, thuốc...; việc cấp sổ đỏ; việc xử lý các vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng như Vinashin, Vinalines...
Tại kỳ họp này, một số luật quan trọng sẽ được thông qua như tiếp công dân, đấu thầu (sửa đổi), thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), việc làm.
QH cũng sẽ cho ý kiến về các dự án luật xây dựng (sửa đổi), hôn nhân và gia đình, bảo hiểm y tế, đầu tư công, công chứng...
Như thường lệ, việc chất vấn và trả lời chất vấn của QH với các thành viên Chính phủ sẽ diễn ra trong 2 ngày rưỡi, 19-21/11, và được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Theo Vietnamnet.vn