Theo thông cáo báo chí của văn phòng Quốc hội, sau 26 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao; với sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; với tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và sự chuẩn bị công phu của Chính phủ, các cơ quan liên quan; với sự quan tâm, theo dõi, giám sát và chia sẻ của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế và sự tham gia, đưa tin kịp thời, đầy đủ, chính xác của các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng khác.
Quốc hội đã xem xét, thông qua 3 luật (gồm: Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư) và 11 Nghị quyết .
Việc Quốc hội xem xét, thông qua những dự án luật, nghị quyết này nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, các quy định mới của Hiến pháp năm 2013… qua đó, tác động trực tiếp, tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội nước ta.
Riêng đối với dự án Luật về hội và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Quốc hội đã thống nhất chưa thông qua 2 dự án luật nêu trên tại kỳ họp thứ 2 và giao Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, nghiên cứu tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2017).
Quốc hội cũng đã xem xét, cho ý kiến đối với 14 dự án luật khác. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này sẽ là cơ sở cho việc tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp sau.
Kỳ họp thứ 2 là kỳ họp cuối năm, lại diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen, Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước để thảo luận các biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình trước mắt cũng như định hướng sự phát triển của đất nước trong những năm tiếp theo.
Trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2016 và phân tích, dự báo các khả năng, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức có thể xảy ra, Quốc hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của đất nước trong thời gian tới, gồm: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Quốc hội đã biểu quyết thông qua đề nghị của Chính phủ với tỉ lệ đồng thuận cao về việc dừng thực hiện Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Quốc hội đã dành thời gian xem xét các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng…
Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Tại kỳ họp thứ 2, đã có 2.406 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội; 89 phiếu chất vấn với 100 câu hỏi của đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành. Đây là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn. Trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và môi trường, Giáo dục-đào tạo và Nội vụ trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham gia báo cáo giải trình thêm chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Các phiên họp chất vấn diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và xây dựng; việc tổ chức chất vấn có những đổi mới so với trước. Tổng cộng đã có hơn 200 lượt đại biểu đặt câu hỏi chất vấn; trong đó, hơn 30 lượt đại biểu đặt câu hỏi đối với Thủ tướng Chính phủ, hơn 35 lượt đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi tranh luận. Phiên chất vấn được truyền hình, phát thanh trực tiếp, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo cử tri và đồng bào cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại, hạn chế, thách thức cần phải có quyết tâm cao, giải pháp đột phá để khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, Quốc hội nghiêm khắc phê phán trước Quốc hội và cử tri cả nước đối với ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây nhiều bức xúc trong xã hội…
Ngoài các nội dung nêu trên, Quốc hội cũng đã nghe báo cáo về tình hình Biển Đông, xem xét nghiên cứu nhiều báo cáo quan trọng khác theo chương trình nghị sự. Trong thời gian diễn ra kỳ họp, Quốc hội cũng đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Thu Dương – Đỗ Thơm