Ký kết hợp tác giữa Tp.HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ

Ký kết hợp tác giữa Tp.HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ

Nguyễn Thị Hoà

Nguyễn Thị Hoà

Thứ 7, 15/04/2023 15:43

Tp.HCM và các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ ký kết hợp tác trên 5 lĩnh vực trong giai đoạn 2023-2025.

Hợp tác cùng phát triển

Sáng 15/4, tại Tp.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa diễn ra Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Tp.HCM với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ.

Hội nghị nhằm đánh giá toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Tp.HCM và 6 tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ gồm: Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi trong thời gian qua.

Từ đó, đề ra định hướng, giải pháp hợp tác, liên kết trọng tâm và hiệu quả cho giai đoạn 2023 – 2025.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết Tp.HCM được xem là động lực, là đầu tàu dẫn dắt với vai trò của một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo... lớn nhất của cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.

Trong khi đó, vùng duyên hải Nam Trung bộ cũng là một trong những vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, có vai trò quan trọng là cầu nối kinh tế, quốc phòng giữa vùng Bắc Trung bộ với Tây Nguyên và Đông Nam bộ, được xác định là một trong 4 vùng trọng tâm trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Sự kiện - Ký kết hợp tác giữa Tp.HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ

Các đại biểu tham dự hội nghị.

“Trong những năm qua, việc triển khai các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Tp.HCM với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ đã đạt nhiều kết quả tích cực, thiết thực và có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực như xúc tiến đầu tư và thương mại, công nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học - công nghệ, thông tin truyền thông, an sinh xã hội...

Mỗi địa phương trong vùng duyên hải Nam Trung bộ với những tiềm năng và lợi thế riêng đã thực sự phát huy được hiệu quả khi triển khai chương trình hợp tác phát triển với Tp.HCM, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương nói riêng và của cả nước nói chung”, ông Tuân nói.

Ông Tuân cho biết, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng Duyên hải Nam Trung bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có; một số nội dung hợp tác chưa thực sự phát huy hiệu quả cao nhất.

Chính vì vậy, việc tiếp tục xây dựng và ký kết chương trình hợp tác giữa Tp.HCM với các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ với những định hướng mới, có hiệu quả, trọng tâm hơn là điều hết sức cần thiết.

Sự kiện - Ký kết hợp tác giữa Tp.HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ  (Hình 2).

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát biểu khai mạc hội nghị.

Giai đoạn 2023 – 2025 hợp tác trên 5 lĩnh vực

Tại hội nghị, lãnh đạo Tp.HCM và 6 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đã thảo luận về chương trình hợp tác giai đoạn 2023-2025.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết, nhằm sớm đưa vào phát triển các Nghị quyết của Chính phủ và Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội trong vùng, Tp.HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ thống nhất hợp tác trên 5 lĩnh vực trong giai đoạn 2023-2025. Bao gồm: phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Ngoài những nội dung chung, Tp.HCM cũng xác định một số nội dung cụ thể hợp tác với từng địa phương. Lần này chúng ta ký kết hợp tác chỉ trong 3 năm. Đây là cách làm mới, xác định có thời gian và phải có sản phẩm”, ông Hoan nói.

Sự kiện - Ký kết hợp tác giữa Tp.HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ  (Hình 3).

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM phát biểu tại hội nghị.

Ông Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị trong 5 lĩnh vực hợp tác chung của Tp.HCM và 6 tỉnh trong vùng, cần đánh giá, xác định trọng tâm phát triển cho từng địa phương chứ không nên dàn trải, để sản phẩm của địa phương này không lặp lại ở địa phương khác.

Bên cạnh đó, quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở các tỉnh, những sản phẩm có lợi thế, đặc sắc bước vào tiêu thụ tại thị trường Tp.HCM.

Những ngành nghề sản xuất sử dụng nhiều lao động thì Tp.HCM nên chuyển dần cho các địa phương để các tỉnh cũng phát triển công nghiệp, và lực lượng lao động các tỉnh sẽ là nguồn lao động cho thành phố.

Ông cũng mong Tp.HCM giúp cho các địa phương phát triển logistic cũng như xem xét lợi thế của vùng Tây Nguyên với lợi thế của các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ để cùng phát triển.

Trong khi đó, ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra 4 giải pháp để các chương trình hợp tác, phát triển đạt hiệu quả.

Trong đó, nghiên cứu thành lập Hội đồng điều phối liên kết Vùng (bao gồm lãnh đạo chủ chốt của 6 tỉnh và Tp.HCM); tập trung phát triển lợi thế về du lịch, nhất là du lịch biển để khai thác lợi thế của vùng duyên hải Nam Trung bộ và tiềm năng khách du lịch từ Tp.HCM.

Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ, đưa các sản phẩm đặc trưng, lợi thế, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của các tỉnh vào các hệ thống phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối tại Tp.HCM và các địa phương, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Sớm xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu để cập nhật các thông tin về quy hoạch và các cơ chế, chính sách mới của các địa phương, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương, nội vùng và liên vùng.

Sự kiện - Ký kết hợp tác giữa Tp.HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ  (Hình 4).

Người dân, du khách và các đại biểu tham quan, tìm hiểu triển lãm xúc tiến thương mại giữa các tỉnh, thành bên lề hội nghị.

Kết luận hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết TP sẽ tiếp thu những ý kiến của các tỉnh để sắp tới cụ thể hóa chương trình triển khai.

“Lần này, chúng ta ký kết với nhau hợp tác chung của cả vùng chứ không phải từng địa phương như trước đây. Đây là nhu cầu cần thiết để liên kết, hợp tác phát triển, tránh cạnh tranh tiêu cực làm mất đi động lực phát triển của từng địa phương trong vùng. Chúng ta có 5 nội dung chung cho các tỉnh và những nội dung riêng theo đặc thù của từng địa phương. Tôi thấy phương thức này phù hợp”, ông Mãi nói.

Ông cũng thống nhất trong việc thành lập hội đồng điều phối. Đồng thời cho biết Tp.HCM sẽ lập một nền tảng số để các địa phương cập nhật kết quả và thường xuyên trao đổi, xin ý kiến các địa phương trong chương trình hợp tác.

Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị chính quyền các tỉnh tạo điều kiện, đồng hành cùng các doanh nghiệp trong quá trình triển khai, tháo gỡ khó khăn. Tiếp tục tổ chức các hội nghị đầu tư, xúc tiến thương mại để cung cấp thông tin kỹ hơn những chương trình dự án cụ thể để các doanh nghiệp nắm.

Ngoài ra, Tp.HCM cũng sẽ tăng cường hợp tác phát triển y tế, giáo dục; xúc tiến hàng hóa vào hệ thống phân phối của Tp.HCM; phát triển dịch vụ logistic… với các địa phương.

Sự kiện - Ký kết hợp tác giữa Tp.HCM và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ  (Hình 5).

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp.HCM phát biểu kết luận hội nghị.

Tại hội nghị, lãnh đạo Tp.HCM và lãnh đạo các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ đã ký kết thỏa thuận hợp tác.

Theo báo cáo, thời gian qua, sự hợp tác giữa Tp.HCM với các tỉnh trong vùng đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của vùng giai đoạn 2013 - 2021 ước đạt 2.350.520 tỷ đồng, tăng bình quân 8,91%/năm. Hình thức bán lẻ tại các tỉnh ngày càng đa dạng và phong phú.

Tại Tp.HCM, lĩnh vực thương mại - dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Tp.HCM đã triển khai thực hiện tốt vai trò kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Tp.HCM và các tỉnh, thành; quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến, mở rộng thị trường tại các địa phương.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp của vùng giai đoạn 2013 - 2021 ước tăng bình quân 10,57%/năm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Tp.HCM giai đoạn 2013 – 2021 ước tăng bình quân 3,44%/năm.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp của các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ chuyển biến tích cực hướng vào phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, miền, nhu cầu thị trường và bảo đảm an ninh lương thực. Sản xuất nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững. Nông nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 3,35%/năm.

Tp.HCM có cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học; giảm diện tích trồng cây hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của Thành phố như rau, hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, bò thịt lai, chim yến,…

Bên cạnh đó, chương trình hợp tác còn đạt nhiều kết quả trong các lĩnh vực như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, du lịch, giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông, giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, văn hóa – thể thao – xã hội, xúc tiến thương mại và đầu tư…

Châu Tường  

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.