Đồng thời, nó được dùng như một phương thuốc hữu hiệu cho một vài loại bệnh thường gặp. Với bộ tộc này, ong vò vẽ là một loại bùa chú tâm linh không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà của họ.
Những tổ ong vò vẽ trăm năm tuổi
Làng của người Chơ Ro nằm kề bên dòng suối Sa Mách, được bao bọc bởi cây rừng từ bao đời nay. Bên cạnh những ngôi nhà xây tường gạch vẫn còn thấp thoáng bóng những ngôi nhà sàn đơn sơ cổ xưa. Người Chơ Ro dẫu ở nhà xây nhưng vẫn nhớ và không thể lìa xa những nếp nhà sàn của mình. Nếu chậm rãi thả bộ quanh làng, người ta sẽ thấy một điều khá lạ là trên cửa của các ngôi nhà mới hay cũ đều treo vỏ của những tổ ong vò vẽ đã khô cứng. Điều này xuất phát từ tập tục văn hóa và niềm tin tín ngưỡng qua bao đời của bộ tộc người Chơ Ro.
Già làng Năm Nổi của người Chơ Ro.
Xưa kia, người Chơ Ro thường khai thác mật ong rừng. Cứ vào mùa, các loài hoa rừng nở, chờ cho ong vừa chín mật, người Chơ Ro bắt đầu đi lấy mật và tầng ong non. Họ gọi cái nghề này của mình là nghề ăn ong.
Nhiều năm về trước, nguồn lợi tự nhiên này ở Đồng Nai rất phong phú. Hầu như các khoảng rừng xung quanh khu vực cư trú của người Chơ Ro có rất nhiều ong. Nhiều tổ ong rất lớn, chứa đựng hàng chục lít mật và sáp ong. Mật ong rừng vừa làm gia vị thay đường, vừa là vị thuốc chữa bệnh có hiệu quả. Sáp ong được chế biến thành đèn sáp, phục vụ cho những ngày lễ và thắp sáng trong gia đình.
Chúng tôi ngồi trong ngôi nhà sàn nhỏ dựng bằng tre, nứa của già làng Năm Nổi. Vị già làng năm nay đã 84 tuổi, là người nhiều tuổi nhất buôn làng. Ông từng được mệnh danh là "bảo tàng sống" của đồng bào Chơ Ro. Ngồi uống nước ở nhà già làng Năm Nổi, ngay phía trên đầu chúng tôi treo một tổ ong vò vẽ khá lớn. Già làng cho biết: "Từ nhỏ, tôi đã thấy những tổ ong vò vẽ treo như thế này rồi. Có cái tổ hơn trăm năm tuổi. Ngày trước, người dân Chơ Ro thường treo 5, 6 cái tổ ở khắp nơi trong nhà chứ không chỉ treo một cái ở cửa chính như bây giờ". Chỉ về phía tổ ong trên nóc nhà sàn, già làng tiếp lời: Cái tổ ong này treo ở đây cũng đã được hơn 10 năm. Trước đây, tổ ong này dài lắm, nhưng cắt dần ra để dùng rồi nên giờ nó chỉ còn phần đầu thôi.
Chúng tôi hỏi già làng về cách lấy được các tổ ong vò vẽ trên rừng như thế nào đêẩ không bị các "chiến binh ong" bảo vệ tổ đốt. Già làng Năm Nổi tiết lộ rằng, mọi người ở đây dùng những đoạn cây dài quấn vải cũ tẩm dầu hỏa đốt vào tổ ong. Có lửa nóng, đàn ong bay vù vù ra khỏi tổ. Chúng đảo vài vòng quanh tổ nhưng khói và lửa khiến chúng bay mất hút. Sau đó họ thận trọng khều cho tổ ong rớt xuống đất mang về nhà. Sau khi lấy hết những con ong sữa để ăn, để trao đổi hàng hóa, người Chơ Ro phơi khô những cái tổ ong vò vẽ rồi treo lên nóc nhà.
Nhiều đời qua, người Chơ Ro đã sống với những tổ ong vò vẽ như thế. Những tổ ong không chỉ làm thức ăn mà còn đi vào đời sống tâm linh của người Chơ Ro như những tấm lá bùa bảo vệ họ khỏi sự quấy phá của ma quỷ. Không những vậy, đây là những phương thuốc hữu hiệu mà nhiều đời người già trong làng ra sức bảo vệ để lưu truyền lại cho con cháu.
Tổ ong vò vẽ trong nhà già làng.
Tấm bùa ong vò vẽ và những bài thuốc lạ kỳ
Người Chơ Ro tin rằng, mọi vật đều có linh hồn và họ tin vào sự chi phối con người của các thần linh. Người dân quan niệm rằng có hai thế giới tồn tại. Thế giới thứ nhất là cuộc sống của con người, là vạn vật trên trái đất mà họ cảm nhận được. Thế giới thứ hai là thế giới của những thế lực siêu nhiên, của ma quỷ và các vị thần linh. Chính thế giới thứ hai này mới thiêng liêng và quyết định cuộc sống của loài người.
Người Chơ Ro rất sợ bị ma quỷ tìm đến nhà quấy phá. Vì vậy, họ treo những tổ ong vò vẽ ở ngay trước cửa nhà. Già làng Năm Nổi cho biết: "Tổ ong vò vẽ dùng để trị ma tà. Theo lời của người xưa, khi ma tà đến nhà quấy phá, nhìn thấy tổ ong lạ mắt, chúng chỉ dám đứng nhìn và đếm xem có bao nhiêu cái lỗ ong. Nhưng do lỗ ong nhiều quá nên chúng phải đếm đi đếm lại, càng đếm càng lộn, lại đếm lại. Cứ thế, chúng mải đếm đến khi trời sáng lúc nào không hay. Và chúng không thể vào nhà quấy phá, hại người được nữa".
Già làng còn cho biết thêm, những tổ ong vò vẽ này còn dùng để làm thuốc trị bệnh rất hiệu quả. Sống giữa nơi rừng thiêng nước độc, không có thuốc Tây nhiều như bây giờ, người Chơ Ro dùng tổ ong vò vẽ để trị bệnh. Đó cũng chính là lý do vì sao những tổ ong vò vẽ ở từng nhà lại không đồng đều nhau, có tổ lớn, tổ nhỏ và thường không còn nguyên vẹn. Theo già làng Năm Nổi, muốn chữa bệnh nhức đầu, đau mắt... họ bẻ một miếng xác tổ ong cho vào nồi nấu chín rồi trùm mền xông như người Kinh dùng các loại lá cây để xông cảm vậy. Chỉ xông khoảng 3 lần là bệnh đã dứt hẳn. Ngoài ra, tổ ong này còn dùng để trị bệnh đau khớp, nhức mỏi bằng cách ngâm rượu làm thuốc uống mỗi ngày.
Những tổ ong vò vẽ treo trước cửa nhà sàn của người Chơ Ro.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Biên, trưởng ấp Lý Lích 1 cho biết: "Tuần nào cũng có người ở các nơi về xin đồng bào cái tổ ong để trị bệnh. Nhưng lúc mới lấy về còn ướt thì tổ ong không có dược tính gì. Phải phơi khô rồi để hơn 10 mùa rẫy thì mới làm thuốc được". Hiện nay, tổ ong vò vẽ không còn nhiều như trước. Người Chơ Ro cũng không còn được vào rừng lấy ong vò vẽ tự do. Tuy nhiên, tập tục treo tổ ong vò vẽ trước cửa nhà vẫn được người Chơ Ro gìn giữ cho đến bây giờ.
Chiều xuống, bóng tối về đến vùng núi rừng rất nhanh. Già làng tiễn chúng tôi qua bậc cầu thang có treo ba tổ ong vò vẽ ở tấm cửa tre. Nhìn qua ngôi nhà bên cạnh, chúng tôi cũng bắt gặp những tổ ong màu nâu xám cũ kỹ treo trước cửa nhà. Có lẽ ít ai biết rằng, người Chơ Ro ở vùng rừng sâu Phú Lý, Vĩnh Cửu lại cất giấu nhiều điều bí ẩn kỳ lạ đến vậy. Dù cho băng qua con suối, qua khỏi con đường làng quanh co, người Chơ Ro vẫn âm thầm sống với những tập tục và niềm tin tín ngưỡng truyền đời của làng mình. Mỗi nhà vẫn giữ cho mình những tổ ong vò vẽ, vẫn treo chúng ở đâu đó trong nhà để gia đình được bình yên và khỏe mạnh.
Hậu duệ của cư dân cổ Môn Khơ Me Người Chơ Ro còn gọi là người Đơ-Ro, Châu Ro, thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer. Người Chơ Ro phân bố chủ yếu ở vùng đồi núi thấp, nằm về phía Đông Nam của tỉnh Đồng Nai. Dựa trên một số kết quả nghiên cứu khảo cổ học ở Đông Nam Bộ, đồng thời liên kết với những dấu vết nhân chủng và ngôn ngữ, tộc người Chơ Ro cùng một số tộc người khác chính là hậu duệ của cư dân cổ Môn Khơ Me và là dân bản địa sinh sống lâu đời ở Đông Nam Bộ ngày nay. Sau quá trình tộc người nhiều biến động, người Chơ Ro hiện nay sinh sống chủ yếu ở tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận: Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu. |
Lam Giang