Mỗi lần chạy như thế, ai nấy đều phải bắt tay sửa sang nhà cửa, xốc lại đồ đạc. Cuộc sống “thuận theo tự nhiên” trên hòn đảo xa xôi cực Nam của Tổ quốc này vẫn diễn ra từ bao đời nay. Thế nên trong một năm, như một lẽ thường tình, người dân ở đây 4 tháng sống mạn này, 8 tháng lánh mạn kia...
4 tháng mạn Đông, 8 tháng mạn Tây
Đó chính là cảnh thường thấy của người dân sinh sống trên đảo Hòn Thơm, xã Hòn Thơm (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Người ta vẫn quen gán cho đảo bằng những cái tên khác: Đảo chạy gió, hoặc Đảo hai nhà.
Với ý định phải ra bằng được hòn đảo vô cùng đặc biệt ở cực Nam của Tổ quốc để tận mục sở thị cho kỳ được cuộc sống của người dân trên hòn Đảo chạy gió. Lần này đến Phú Quốc, tôi quyết định làm một chuyến dong thuyền ra thăm đảo Hòn Thơm. Một buổi sáng đẹp trời giữa tháng 10, cảng An Thới đảo Phú Quốc tàu bè đậu đông đúc. Loay hoay mãi, cuối cùng tôi cũng tìm được con đò ra đảo. Trên chiếc đò cà tàng chuyên đưa khách tuyến Hòn Thơm - Phú Quốc, thấy tôi hỏi đường đến mạn Đông của đảo Hòn Thơm, ông chủ lái đò ngạc nhiên, rồi buông giọng át tiếng máy ghe và sóng: “Biển mùa này mạn Đông của đảo Bấc thổi dữ lắm, người bỏ đi hết rồi, chú ra đó mà ngắm nhà hoang à?”. Nghe vậy càng kích thích sự tò mò của tôi quyết tâm phải đến chốn đảo... nửa hoang này một lần.
Một góc bình yên trên đảo Hòn Thơm
Đò rời cảng An Thới hướng đảo Hòn Thơm, biển trời Tây Nam đang độ giao mùa, cái nắng sém da người càng làm cho mặt biển thêm xanh ngắt, những cơn gió đánh sóng tóe ánh bạc. Chỉ có hai từ tuyệt đẹp mới diễn tả hết cảnh quan và cảm xúc con người. Chính vì vậy mà vùng này được xem là trọng điểm của loại hình du lịch khám phá lặn ngắm san hô, câu mực. Cùng hướng đi còn có nhiều tàu du lịch chở đầy khách nước ngoài ra vùng biển hòn Thơm thăm quan.
Đò chạy khoảng 30 phút đồng hồ, Hòn Thơm hoang sơ hiện ra, cơ man nào là bãi đá, cây rừng và sóng nước. Điểm nổi bật nhất của đảo là những chiếc ghe mang nhiều biển đăng kiểm ở các vùng miền khác đang neo đậu trong vịnh. Với vị trí địa lý tự nhiên, Hòn Thơm chính là “mỏ neo” khổng lồ cho tàu thuyền trên vùng biển phía cực Nam của Tổ quốc neo đậu. Nhờ vậy đây cũng chính là đòn bẩy cho nền kinh tế - xã hội của đảo, nơi đó dân cư tập trung sinh sống nhiều nhất.
Hôm tôi ra, gió Bấc đã thổi mạn Đông gần một tháng, ghe tàu đều lánh sang vịnh phía Tây đảo neo đậu. Hòn Thơm tương đối rộng, dân cư xôm tụ, đường sá khang trang. Tuy nhiên do địa hình đảo là đồi núi, nên chính quyền chưa thể tiến hành làm con lộ chạy quanh đảo như ở hòn Tre (thị xã Hà Tiên), ở Hòn Thơm chỉ có dạng đường xẻ cánh Đông - Tây mà thôi.
Khách du lịch lặn biển ngắm san hô trên “đảo chạy gió” (đảo Hòn Thơm)
Từ phía Tây đảo 10 phút chúng tôi lội bộ, đã đến Đông đảo, một cảnh tượng hoang vắng khó tưởng hiện ra. Nhà cửa từng là nơi dân quần tụ xơ xác, tạm bợ, vắng tanh không một bóng người, đúng như bác lái đò nói, người ta đã trốn Bấc. Trong những ngôi nhà trống hoác, đồ đạc cũng được dọn đi, những phên lá dừa kết lại chắn gió trước cửa nhà sóng biển ngày nối ngày đánh xiêu vẹo, ngấn nước biển còn in lại trên những bức vách, nền nhà. Trong suy nghĩ miên man của tôi như thể để tồn tại yên ổn trên đảo này thì mỗi hộ gia đình chí ít phải có hai cái nhà sao?.
Thế mà đúng thật, ông Dương Thanh Vân, chủ tịch xã Hòn Thơm cười lý giải thắc mắc của tôi: “Về cơ bản, mỗi hộ dân trên đảo đều có hai cái nhà. Nghe qua thì dân chúng tôi như giàu lắm, nhưng thực ra đó là điều bắt buộc phải có thôi, không có hai cái nhà thì khi đổi mùa lấy đâu ra nơi tá túc. Trong số 2547 người sinh sống trên đảo, có tới 80% là dân làm nghề buôn bán trao đổi hàng hóa, dịch vụ với ghe tàu đi biển nên rất phụ thuộc vào đội “ghe kích cầu” này. Theo đó, khi chuyển mùa ghe thuyền chuyển sang khu vực khuất gió bên kia của đảo neo đậu nên tất cả dân lại phải chạy theo, vì thế ai cũng có 2 cái nhà để yên bề sinh sống”.
Cư dân cả đảo phải ở nhà thuê
Trên hòn đảo rộng 319, 9 ha này, Hòn Thơm hình dáng như một quả đồi nhô lên giữa biển Nam, rồi đột nhiên bị thắt eo ở giữa, hai bên lõm vào tạo ra hai mạn Đông - Tây mỗi bên một khoảng vịnh. Rất thuận tiện cho tàu thuyền vào neo đậu trú ngụ, làm như con người đã đặt hàng tự nhiên từ trước vậy. Cuộc sống ở đây phải theo mùa gió thổi, điều này khiến một người quen sống ở phố thị như tôi không khỏi bất ngờ.
Nếu phía Đông đảo hoang vắng bao nhiêu thì bờ Tây lại sầm uất bấy nhiêu. Ghe, thuyền, hàng quán người đông tấp nập. Góc đảo như một khu thương mại không kém đất liền trồi lên giữa biển. Khi tôi đưa thắc mắc cố hữu về chuyện chạy gió trò chuyện với người dân thì được họ lý giải thế này: Thực tế cuộc lánh gió là cuộc chạy theo ghe thuyền mà thôi. Hòn Thơm là đảo lớn nhất cực Nam, nằm giữa một ngư trường bao la, đây là nơi trú chân của những ghe thuyền mỗi khi gió bão, tiếp tế nhiên liệu cho những chuyến tiếp theo. Bám vào nhu cầu đó nên người dân trên đảo ngoài nghề đi biển thì nhà nào cũng kinh doanh buôn bán. Khi nào tàu thuyền chạy tránh gió thì người dân lại phải chạy theo. Thế mới có chuyện trên một hòn đảo, hộ nào cũng có hai cái nhà, 8 tháng nhà bỏ hoang mặt này, bốn tháng bỏ hoang mặt kia.
Một góc bình yên trên đảo Hòn Thơm.
Vì thế đặc điểm dễ nhận thấy là trên đảo không có nhà cửa kiên cố, tất cả đều tạm bợ. Phần vì sợ thiên tai lấy đi, phần cũng vì nền nhà ở không phải đất của mình. Chủ tịch xã Dương Thanh Vân phân trần: “Về cơ bản mỗi hộ có hai cái nhà, nhưng lại thuê lại trên 5 chủ đất, 5 chủ này là những người cố cựu đến khai phá đảo. Họ sở hữu khối bất động sản khổng lồ giữa biển khơi này, nên về bản chất cuộc sống của người dân trên đảo không chỉ tạm bợ mà còn mang tính ở thuê”. Nói như anh Quang, một chủ hàng tạp hóa ở mạn Đông của Hòn Thơm: “Mang danh chúng tôi có hai cái nhà, nhưng kỳ thực như tôi mỗi năm phải trả tiền thuê nền cho chủ đất 14 triệu đồng, nếu trừ đi chi phí, lãi cũng chẳng còn được bao nhiêu”.
Cuộc giành giật với tự nhiên ít nhiều làm cuộc sống xáo trộn, bởi mỗi lần chạy gió như thế là một lần người dân phải bỏ chi phí sửa lại nhà cửa, sắm thêm đồ đạc rất mất thời gian và tốn kém, cản trở việc phát triển kinh tế của đảo. Vấn đề làm sao ổn định hóa cuộc sống người dân, hướng đến sự bền vững lâu dài cho nền kinh tế xã hội là chuyện không phải ngày một ngày hai chính quyền xã làm được. Về tương lai, hướng phát triển của Hòn Thơm là đầu tư vào ngành du lịch, người dân tự kinh doanh du lịch ngay trên đảo. Hướng sống thuận hòa tận dụng mặt mạnh này của du lịch may ra những cuộc “chạy gió” mới thôi tiếp diễn.
Vui sống, “thuận theo tự nhiên” Nét đặc thù của đảo ít nơi nào có này đã làm nảy sinh nhiều tệ nạn xã hội. Một thời gian trước đó, Hòn Thơm được mệnh danh là “thiên đường tình dục”, nơi dân ghe cào biển ghé vào xả hơi sau chuyến đi biển dài ngày. Đã một thời dịch vụ mại dâm, karaoke mọc lên như nấm ở hòn đảo bé nhỏ này. Để giữ sạch bộ mặt của đảo, chính quyền xã phải căng sức truy quét các ổ mại dâm phục vụ ghe cào, rồi cật lực đẩy lùi những tệ nạn xã hội khác. Đến nay, Chủ tịch UBND xã Hòn Thơm Dương Thanh Vân đã có thể vui vẻ nói: "Vấn nạn mại dâm gây nhức nhối trên đảo đã bị quét sạch, an ninh chính trị về cơ bản đã ổn định, người dân cứ vừa chạy gió vừa làm ăn sinh sống, vui đáo để anh ạ”. |
Kỳ Anh