Đến xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang hỏi thăm gia đình bà Huỳnh Thị Liễu (71 tuổi) thì không ai không biết. Nguyên nhân là bởi gia đình bà 20 người thì có đến 13 người tay chân dị dạng.
Bàn tay của hầu hết con, cháu bà Liễu đều chỉ có 3 ngón, bàn chân thì chỉ có 2 ngón. Các ngón tay, ngón chân này dài gấp nhiều lần bình thường, tạo thành những gọng kìm hình vòng cung.
Bà Liễu kể bà gặp ông Danh Văn Cốt, người sau này trở thành chồng bà, từ hồi còn chiến tranh. Ông Cốt khi đó cũng có chân tay dị dạng nhưng thấy ông tốt tính, chăm làm, bà thương nên không kỳ thị.
Hai người nên vợ nên chồng rồi lần lượt sinh được 9 người con, 6 gái, 3 trai. Trong đó chỉ có 2 người tay chân bình thường, 7 người còn lại đều có tay chân dị dạng như bố. Ông Cốt đã qua đời từ 20 năm trước, chỉ còn mình bà Liễu chăm lo, dựng vợ gả chồng cho các con.
Mang ngoại hình đặc biệt nhưng mọi người trong vùng chỉ coi đó là điều kỳ lạ chứ không ai kỳ thị gia đình bà Liễu. 9 người con của bà Liễu hầu hết đã lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái như bao người khác.
Nói về điểm đặc trưng của gia đình bà Liễu kể: “Trong nhà có 4 anh em nhưng chỉ có mình ông Cốt có chân tay kỳ lạ như thế. Mấy đặc điểm này cũng truyền lại cho các con, rồi các cháu".
Dù vậy, tay chân bất thường cũng khiến các thành viên trong gia đình gặp nhiều khó khăn khi không thể sử dụng máy móc, công cụ như người bình thường. Vì thế họ chỉ có thể làm những công việc tay chân đơn giản với thu nhập cũng thấp. Mọi người cũng không thể đi giày dép nên chỉ để chân trần, đi lại khó khăn.
Hy vọng đổi thay được gia đình gửi gắm vào thế hệ thứ 3. Các cháu của bà Liễu được lo ăn học đầy đủ, để mai sau có thể tìm được những công việc đỡ vất vả hơn.
Bé Danh Phúc (8 tuổi), cháu bà Liễu cũng mang các đặc điểm tay chân của ông Cốt. Đang học cấp một, dù tay dị dạng, khó cầm nắm nhưng chữ của Phúc rất đẹp. Cháu cũng rất ham học khiến cả nhà ai nấy đều vui mừng. Phúc nói mình cũng có ước mơ và sẽ cố gắng học tốt để thực hiện được ước mơ của mình.
Dù khác biệt nhưng gia đình bà Liễu luôn sống vui vẻ, lạc quan. Họ không quan tâm nhiều về lý do dẫn đến tình trạng tay chân kỳ lạ và coi đó là đặc trưng của gia đình.
Một trường hợp khác cũng liên quan đến tình trạng dị tật tay chân mang tính di truyền là trường hợp gia đình anh Trần Thanh Tòng (50 tuổi) ở xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Tuy nhiên thay vì thiếu ngón, 3 thế hệ gia đình anh Tòng đều có người sở hữu 24 ngón tay, chân.
Anh Tòng kể, gia đình có 4 anh chị em thì có anh và người chị thứ hai là có đến 24 ngón tay, chân như cha ruột. Ngoài ra con gái của anh Tòng là Trần Thị Thanh Tuyền (học lớp 7) cũng giống cha, có đến 24 ngón tay, chân.
Điều đặc biệt là các ngón tay, ngón chân thừa của mọi người trong dòng họ nhà anh Tòng đều rất ngay ngắn, thẳng hàng, không khác biệt nhiều so với các ngón chính. Cha con anh Tòng đều chủ động điều khiển cầm, nắm, co lại... tất cả các hoạt động của 6 ngón tay, ngón chân một cách bình thường.
Các ngón tay, ngón chân thừa của anh Tòng cũng có xương, cơ, vân, móng đầy đủ, cử động như các ngón khác và không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân hàng ngày.
Anh còn cho rằng có nhiều ngón tay, chân còn có lợi đối với nghề chạy xe ôm của mình: “Nhiều ngón thì mình cầm tay lái chắc chắn, đi đứng cũng vững hơn so với 5 ngón”. Tuy nhiên, do sở hữu bàn chân khác biệt nên việc chọn lựa kích cỡ giày, dép phải lớn hơn bình thường.
Hiện tại, về nguyên nhân gây ra dị tật bẩm sinh ở chi, nhiều chuyên gia cho rằng có thể là do yếu tố về gien di truyền, do ốm đau trong thời kỳ thai nghén, do dùng thuốc, do nhiễm độc (dioxin…), nhưng đa số các trường hợp thì nguyên nhân không rõ ràng.
Minh Hoa (t/h theo Dân Trí, VietNamNet)