Kỳ lạ gia tộc mỗi người có 24 ngón tay, chân

Kỳ lạ gia tộc mỗi người có 24 ngón tay, chân

Thứ 5, 27/12/2012 23:44

Ông Võ Văn Cống nhẩm tính: "Từ đời ông ngoại của tôi đến giờ, gia tộc này có 14 người có 24 ngón tay, chân"

Gia tộc có đôi tay, đôi chân dị thường

Từ TP.HCM xuôi về miền Tây hơn 100km, chúng tôi tìm về ấp Phú Hiệp, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, nơi cư ngụ của gia tộc ông Võ Văn Cống. Ông Cống cho hay, cách đây chừng một năm, có nhà báo của tờ Long Xuyên (An Giang) cũng tìm đến hỏi chuyện, năn nỉ ông chụp hình nhưng ông từ chối. Từ đó, cũng có nhiều người đến nhà ông bởi một phần tò mò, một phần muốn tìm hiểu thực hư chuyện gia đình có 24 ngón, tay chân ra sao.

Theo lời ông Cống, việc có 24 ngón tay, chân không phải là có tật, vì ngón thừa được xuất phát từ xương bàn tay chứ không phải xương ngón tay. Những ngón tay, chân vẫn có xương, móng và hoạt động bình thường, không hề bị đau hay tê.

Chuyện thừa ngón cũng không làm mất đi tính thẩm mĩ vì các ngón vẫn mọc rất đều nhau, và nếu chỉ nhìn qua sẽ không thể biết được đâu là ngón thừa. Gia đình ông Cống không chỉ có mình ông mang bàn tay sáu ngón, mà còn có con, cháu ông. Mà sáu ngón không chỉ ở tay, mà cả chân nữa.

Pháp luật - Kỳ lạ gia tộc mỗi người có 24 ngón tay, chân

3 thế hệ trong gia tộc có bàn tay, chân giống nhau

Ông Cống năm nay đã 75 tuổi, vẫn khỏe mạnh, ngày ngày vẫn đi làm thuê nuôi gia đình. Điều đặc biệt là hầu như ông không mang dép. Hỏi vì sao, ông cười xòa nói rằng: "Bàn chân tôi to nên đi dép không đẹp, mà đi làm gì hả chú, đi chân đất thoải mái hơn nhiều, chỉ khi nào đi hỏi vợ cho con tôi mới mang dép cho ra dáng một ông thông gia thôi, không đi dép cũng có cái lợi là không tốn tiền mua dép. Mà chú có tin không, tôi không mang dép chứ nếu tôi rửa chân sạch sẽ thì nhìn bàn chân tôi trắng tinh, chắc gì những người mang dép đã bằng".

"Bàn tay, chân có sáu ngón là một sự di truyền từ thời ông ngoại của ông, có thể là trước đó nữa, ông ngoại sinh ra mẹ của ông có 24 ngón, mẹ ông lại sinh ra ông và ba người nữa thì ông và người anh thứ ba là Võ Văn Chẩn đều có 24 ngón. Lúc còn nhỏ bị bạn bè trêu chọc nhưng ông chẳng quan tâm, vì bàn tay, chân ông cũng như những người bình thường, lâu dần rồi quen, chẳng ai nói gì nữa.

Ông khẳng định rằng, bàn tay, chân có tổng cộng 24 ngón là chỉ có ở gia tộc của ông, không thể tìm ra ở bất kỳ gia tộc nào nữa", ông Cống tâm sự.

Ông Cống có tổng cộng 12 người con, thì có 4 người là có 24 ngón giống như bố. Đó là cô con gái thứ hai, cậu con trai thứ sáu, rồi con trai thứ bảy và cô con gái thứ chín. Dù thế nhưng các con ông không hề mặc cảm, họ vẫn vui vẻ sống và có người còn lấy làm hãnh diện vì không ai có thể giống như mình.

Có bàn tay, chân chẳng giống ai nhưng được cái con ông ai cũng nhìn rất có duyên, vì thế mà trong số 12 người con thì đã có 11 người được ông dựng vợ, gả chồng, ai cũng có gia đình hạnh phúc.

Cô con gái thứ hai lấy chồng, lại sinh ra đứa con gái có 24 ngón. Anh con trai thứ sáu khi lấy vợ sinh được hai đứa con: Một trai, một gái, nhưng chỉ có đứa con trai có 24 ngón.

"Không phải ai sinh ra cũng giống tôi, chỉ một vài người giống, nhưng chẳng hề gì, đó là do di truyền, mà lại là di truyền tích cực", ông chia sẻ. Ông bấm ngón tay nhẩm tính rồi vui vẻ cho hay: "Tính từ đời ông ngoại của ông đến giờ, gia tộc này có 14 người có 24 ngón tay, chân".

Pháp luật - Kỳ lạ gia tộc mỗi người có 24 ngón tay, chân (Hình 2).

Các thành viên trong gia tộc ông Võ Văn Cống

Tự hào vì thừa ngón

Ông Cống có 6 công đất (6000m2), khi con trai đi lấy vợ, ông chia đất cho con dựng nhà ra riêng, chẳng phải ở chung với ba mẹ. Mảnh đất còn lại, ông trồng rau, cây ăn quả để có phần thu nhập, rồi ông đi làm thuê, mà ông làm khỏe lắm, ai cũng thích.

Đã 75 tuổi nhưng trông ông vẫn rất khỏe mạnh, những người hàng xóm cho chúng tôi biết, ông Cống được bà con gọi là ông lão tài hoa, tài vì việc gì ông cũng làm được, mà còn làm rất nhanh, đẹp. Nhiều người nghe nói đã tìm đến nhà ông xem thực hư thế nào, người ta đặt tên ông cho cây cầu bê tông nhỏ trước nhà ông, từ đó cây cầu có tên mới là cầu ông chín Cống.

Ông Cống kể: "Hồi nhỏ tôi đã được nhiều bạn bè nể phục, vì chơi trò gì cũng giỏi, đặc biệt là trò chọi đất. Chọi đất cũng phải có kỹ thuật, chọi sao cho xa và đường đi thẳng, mà càng chọi càng xa hơn. Thanh niên các làng bên nghe tin đã sang làng tôi thách đấu, nhưng ai cũng thua, từ đó chẳng ai trêu chọc tôi nữa".

Ông Cống còn được biết đến là một tiền đạo bóng đá xuất sắc của làng, những trận bóng mà có ông tham gia đều thắng vì ông luôn ghi nhiều bàn thắng. Lúc 70 tuổi mà ông vẫn còn có thể đá bóng với lớp thanh niên trai trẻ, mà có mấy ai bì lại sức vóc và kỹ thuật của ông. Ông Cống tự hào: "Nhờ tôi có bàn tay, chân 24 ngón mà ai cũng nhớ tôi, người làng hay gọi tôi là tiền đạo thừa ngón, là kỳ nhân, là tiền bối của gia tộc thừa ngón, là người làm rạng danh dòng tộc".

Ông đá bóng cũng không cần mang giày, chỉ chân đất, nhưng có thể đá bóng đi xa từ đầu sân đến cuối sân và rất chính xác, ông Cống khoe. Bình thường ông hầu như không mang dép, mà không chỉ mình ông, hầu hết những người thừa ngón trong gia tộc đều thích đi chân đất, không quen mang dép. Anh Võ Tấn Đức (con thứ 6 của ông Cống) mãi tới năm 23 tuổi, khi đi hỏi vợ anh mới tập mang dép, vì đi làm rể phải cho tươm tất.

Hỏi nhiều người con của ông Cống, ai cũng không ngần ngại khoe mình là con của gia tộc thừa ngón, họ cho rằng thừa ngón không phải là tật. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến ông Cống dù đã già nhưng có thể khiêng được cả khối đá nặng mà người bình thường phải hai người khiêng mới nổi, hay người con trai út của ông có thể chạy rất nhanh.

Ông Cống cho biết: "Gia tộc chúng tôi có thừa ngón thì có thêm phần sức hơn người, nên làm gì cũng khỏe. Chính những điều này mà đã có những đoàn nghiên cứu đến nhà ông phân tích nguyên nhân, cũng như không ít nhà báo và người dân hiếu kỳ đến tìm hiểu. Nhưng cũng chỉ có thể biết rằng, bàn tay, chân đặc biệt của gia tộc ông là do di truyền, mọi người trong gia tộc vẫn sống rất khỏe mạnh, và rất khác thường".

Tay, chân thừa ngón là chuyện bình thường

Theo các nhà nghiên cứu di truyền học, việc nhiều thế hệ trong một dòng tộc có đặc điểm giống nhau về tay, chân là điều bình thường, không ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của cơ thể. Thế hệ này di truyền giống thế hệ kia, đôi khi những người có hình dạng của một bộ phận trên cơ thể khác người bình thường nhưng lại có nhiều lợi thế, bên cạnh sức khỏe và sự tài năng sẵn có, họ còn có nghị lực hơn người.

Công Thư


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.