Cho đến thời điểm này vẫn không ai lý giải được vì sao những người phụ nữ ở nơi khác về làm dâu ở làng Sấu (nay là thôn Lâu Động), xã Phúc Thành, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương lại ngày một trẻ, đẹp ra sau khi sử dụng nước trong giếng Thánh mẫu. Chính vì thế mà những giai thoại kỳ lạ về chiếc giếng này vẫn được người dân địa phương kể cho nhau nghe trong những dịp hội họp…
Giếng Thánh mẫu ở Hải Dương
Truyền thuyết về chiếc giếng kỳ lạ
Ban đầu chỉ là lời đồn thổi của người dân trong thôn về nguồn nước thánh của làng Sấu. Câu chuyện được người già trong làng đồ (đoán) rằng đó là lộc của Thánh mẫu làng. Người là "mẫu nghi thiên hạ" năm xưa muốn ban phát đến những người con gái đến làng làm dâu (có cùng thân phận như người) được hưởng nhan sắc để có cuộc sống tốt đẹp nơi đất khách quê người.
Theo truyền thuyết, không rõ vào năm nào nhưng vào thời kì làng có tên là Nông Trại Trang. Khi ấy, nơi đây mới chỉ có một, hai gia đình sinh sống thì tình cờ vị vua thời đó, cho thuyền rồng dẫn hoàng hậu đi vãn cảnh qua. Đến Nông Trại Trang, thấy phong cảnh hữu tình, hoàng hậu tỏ ý với nhà vuằng nàng muốn được nán lại để vui thú với cảnh sắc nơi đây. Vì muốn nàng nguôi ngoai đi nỗi nhớ nhà nên vua đồng ý nán lại Nông Trại Trang để chiều lòng người vợ trẻ. Không may, thuyền rồng chưa kịp dừng cho hoàng hậu thưởng ngoạn cảnh đẹp thì đột nhiên một cơn bão lớn ập đến, lật đổ thuyền. Vua và một số quần thần thoát chết nhưng khi bơi vào bờ thì phát hiện hoàng hậu bị mất tích. Vua tự trách mình đã sơ ý nhất là khi hoàng hậu không biết bơi.
Sau nhiều ngày tìm kiến, quần thần thấy xác của hoàng hậu bị cuốn theo một dòng suối vào một tảng đá ở Nông Trại Trang, nơi có những tảng đá cao sừng sững và rất nhiều hoa lá mọc xung quanh. Vua nghĩ hoàng hậu đã tạ thế ở đúng nơi nàng từng yêu thích nên sai người lập đền thờ hoàng hậu. Hằng năm vì thương tiếc vợ, vua vẫn thường xuyên đến Nông Trại Trang để chăm sóc tu sửa mộ hoàng hậu, đồng thời tặng nhiều đặc ân cho dân làng nơi đây.
Một thời gian sau, dòng suối ngày nào cứ chảy đều về khoảng đất trũng gần tảng đá nơi hoàng hậu tạ thế và lâu dần trở thành một khoang nước sâu. Và trước khi qua đời, nhà vua vẫn dặn dò dân làng ở Nông Trại Trang phải bảo vệ ngôi đền và khoang nước đó vì theo nhà vua đó là dòng nước đã đưa hoàng hậu đến chốn thiên nhiên yên lành để người an nghỉ.
Về sau, nhiều người dân trong làng đến thăm đền hoàng hậu, thấy dòng nước trong xanh đến tận đáy, hiếu kì liền múc nước uống. Thấy dòng nước ngọt mát nên họ rỉ tai nhau lên đền hoàng hậu xin nước về ăn thay cho việc phải dành dụm từng vại nước mưa qua năm này đến năm khác. Lạ lùng thay, từ khi dân làng dùng nước ở đền hoàng hậu, trẻ con trong làng không còn mắc chứng bệnh tiêu chảy thường niên nữa. Hơn thế, vì nguồn nước liên tục được bồi từ dòng suối từ địa phận làng bên (nay là làng Dạ Sơn, xã Quang Trung, Kinh Môn, Hải Dương) nên nước ở khoang chưa khi nào cạn.
Thấy lạ, các bô lão trong làng làm lễ tại đền để xin hoàng hậu ban nước cho người dân sử dụng. Sau đó, người làng cùng nhau xây thành cho khoang nước nơi đền hoàng hậu (Sau này, người dân địa phương gọi ngôi đền này là đền Thánh mẫu-PV) và giếng làng cũng được hình thành từ đó đến nay.
Tuy nhiên, sau hàng trăm năm với rất nhiều sự thay đổi, phân chia các địa phận làng xã và sự sạt lở, bồi đắp đất của thiên nhiên, mạch chảy của dòng suối xưa đã mất đi. Nhưng ngạc nhiên thay, nước trong giếng lúc nào cũng đầy ăm ắp, kể cả vào những năm xảy ra những trận hạn hán lịch sử thì người dân nơi đây vẫn không thiếu nước dùng.
Theo quan sát của PV Người Đưa tin thì tính từ mặt nước nhìn xuống đáy giếng chỉ tầm hơn 2m, nước trong có có mầu xanh rất lạ.
Trẻ, đẹp vì uống nước giếng làng?
Chuyện sẽ dừng ở phạm vi quanh làng nếu đó chỉ là giếng nước "ngon", nhưng lạ lùng thay nước giếng ở đền Thánh mẫu lại là nguồn nước thần kì, có khả năng làm thay đổi sắc đẹp của các nàng dâu làng Sấu.
Chuyện kể rằng, phụ nữ người địa phương khác về làng Sấu làm dâu, sau khi được ăn, uống, tắm giặt từ nước giếng làng, những người phụ nữ này đều đẹp lên trông thấy. Tuy phải làm việc đồng áng vất vả nhưng da dẻ của họ lúc nào cũng "hây hây" như gái còn son.
Tiếng lành đồn xa, câu chuyện về sự kỳ diệu của nước giếng làng thôn Lâu Động đã lan khắp vùng. Người già trong làng kể lại: Hồi đó trai làng đi đến đâu, sang bất cứ thôn nào chỉ cần nói tên làng thì hầu như các bậc cao niên trong nhà đều "mở" cơ hội cho chàng trai đó tìm hiểu con gái của họ. Ngày trước, khó khăn lớn nhất đối với các chàng trai là việc đi "tán gái". Muốn chiếm được trái tim người đẹp, họ phải tìm cách vượt qua rất nhiều trò "tác oai, tác quái" của trai làng, phải "phá tan tảng băng thử thách" của bố mẹ cô gái. Tuy nhiên, chỉ cần giới thiệu mình là "trai làng Sấu" thì mọi rào cản đó tự nhiên biến mất. Đơn giản là cha mẹ các cô gái tin rằng khi con gái họ về làng Sấu làm dâu thì sẽ được sung sướng, đẹp và trẻ lâu hơn nhờ "hưởng lộc" nước giếng Thánh mẫu…
Theo lời kể của một vài bô lão trong làng thì hơn mười năm trước, một hiện tượng chấn động đã xảy ra với dân làng Lâu Động. Thiếu nữ Lương Thị H. (17 tuổi) chẳng may sa chân xuống giếng và bị chết đuối. Những tưởng đây chỉ là một tai nạn ngoài ý muốn, nào ngờ sau đó gần 1 năm, một cô gái cũng tầm tuổi đó lại bị chết đuối ở dưới giếng. Dân làng đồ là Thánh mẫu đang nổi giận. Tin đồn loan ra và trở thành nỗi sợ hãi của dân làng, nhất là khi 4 tháng sau, lại một thiếu nữ nữa bị chết đuối ở giếng làng. Những lời đồn thổi khiến người dân sợ đến mức không dám đến giếng lấy nước về dùng.
Sau gần hai năm thì nỗi kinh hoàng được dập tắt khi người dân quanh giếng bắt đầu lấy nước dùng trở lại. Ngoài việc tu bổ lại đền Thánh mẫu, các cụ trong làng cũng cử ra một họ đại diện để bảo vệ ngôi đền. Và họ Lương là họ lớn nhất trong làng nhận trách nhiệm trong coi ngôi đền và giếngThánh mẫu cho đến ngày nay.
"Khó tránh khỏi những tin đồn thất thiệt…" Để lý giải cho những công dụng thần kì của nước giếng Thánh mẫu ở thôn Lâu Động, Phúc Thành, Kinh Môn, Hải Dương, PV Người Đưa tin đã có cuộc trao đổi với nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Ngọc (Trung tâm phát triển và nghiên cứu tâm lí con người Hà Nội). Ông Ngọc nhận định: "Hiện nay, trong cuộc sống có rất nhiều vấn đề, hiện tượng thuộc về tâm linh xảy ra mà khoa học không thể lí giải được. Vì bản chất sự việc diễn ra rất tự nhiên, không có một cơ sở để tìm hiểu căn nguyên cốt lõi của nó". Nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Ngọc giải thích: "Hiện tượng phóng đại tính chất ly kỳ, huyền bí của câu chuyện linh thiêng về đình chùa, miếu mạo hoặc tượng đài ở các địa phương nhiều khi chỉ là do tập quán đưa lại. Những thói quen truyền miệng từ người này sang người khác sẽ khó tránh khỏi những tin đồn thất thiệt và sự ra đời của các câu chuyện kỳ bí, linh thiêng được hình thành là ngẫu nhiên. Và theo đó, người ta sẽ tin vào những câu chuyện lạ kỳ hơn là tín ngưỡng dân gian để lại" . |
Bình Minh