Theo Soranews24, cuối tháng 10 vừa qua, nhóm nghiên cứu tại đại học Nagoya đã công bố một phát kiến mang “tính cách mạng" trong lĩnh vực sản xuất đường. Họ cho biết đã tạo ra giống lúa mới không cho ra hạt gạo thông thường mà cho ra các hạt chứa nước đường.
Theo lẽ thường, trải qua quá trình sinh trưởng, phát triển, cây lúa sẽ cho ra sản phẩm là hạt thóc. Thóc sau khi được xát bỏ vỏ ngoài chính là thứ gạo mà chúng ta nấu thành cơm ăn hàng ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia phát hiện có thể tác động vào quá trình hình thành hạt gạo, từ đó cho ra các hạt có chứa nước đường với hàm lượng đường saccarose chiếm đến 98%. Sau khi thực hiện hàng loạt phương pháp lai tạo, họ đã cho ra đời giống lúa tạo ra các hạt chứa đầy nước đường bằng với kích cỡ hạt thóc. Điều này đồng nghĩa với việc đường có thể được “canh tác” một cách dễ dàng và phổ biến khắp thế giới không khác gì lúa gạo.
Song phát kiến độc nhất vô nhị này vấp phải luồng ý kiến trái chiều. Trong khi nhiều người tỏ ra hào hứng, phấn khích muốn chiêm ngưỡng loại “lúa đường”, thậm chí tò mò về loại rượu được tạo ra từ giống lúa này thì số khác vẫn giữ định kiến với các sản phẩm biến đổi gen.
Hơn nữa với tình trạng béo phì dần trở thành “dịch bệnh” trên khắp thế giới họ tự hỏi liệu có cần thêm đường hay không.
Được biết, đường không chỉ để ăn mà còn là nguyên liệu sinh học. Nếu phát kiến này được áp dụng vào thực tiễn thì so với các nguồn đường truyền thống như mía, củ cải đường hay thốt nốt, “lúa đường” được khẳng định là dễ canh tác và năng suất hơn.
Minh Hoa (t/h)