“Kho báu” vô chủ giữa rừng
Đó là câu chuyện tưởng như đùa nhưng lại là sự thật hiện hữu. Sự việc đang khiến cơ quan chức năng “đau đầu” trong việc xác minh ai là chủ sở hữu của hàng trăm ha cao su nói trên.
Câu chuyện khó tin này đang xảy ra tại 9 tiểu khu thuộc lâm phần quản lý của Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Ia Puch (huyện Chư Prông tỉnh, Gia Lai). Điều đáng nói ở đây, diện tích cao su không đơn thuần là 1ha hay vài chục ha mà có đến hàng trăm ha, được trồng chăm sóc hơn 10 năm nay.
Hiện tại, cao su đang trong thời kỳ cho mủ, hàng năm vẫn có công nhân chăm sóc cây trồng. Giữa các lô cao su nhiều tuyến đường được san ủi để thuận thiện cho việc khai thác vận chuyển mủ.
Thế nhưng, khi cơ quan chức năng kiểm tra xác định gần 360ha cao su này được trồng hoàn toàn trái phép trên đất rừng, thì không có tổ chức, cá nhân nào nhận là tài sản của mình.
Điều này, chứng tỏ đơn vị chủ rừng thiếu trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ, để “voi chui lọt lỗ kim” khiến dư luận bức xúc.
Ngày 19/6, có mặt tại đây, theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, hầu hết cao su đã được mở miệng cạo với dấu vết khai thác khá lâu.
Hiện nay, diện tích các cây cao su đã đạt đường kính từ 20cm đến 40cm. Trên hầu hết các thân cây đặt chén để hứng mủ, chứng tỏ mọi việc vẫn diễn ra công khai. Giữa các lô cao su có nhiều tuyến đường đất được mở rộng, sản ủi bằng phẳng để thuận tiện cho việc khai thác, vận chuyển mủ.
Theo một số công nhân đang làm việc tại đây, họ ở các xã lân cận được thuê đến để khai thác mủ cao su. Nhiệm vụ của họ là đến các vườn cao su này từ khoảng 3h sáng, cạo xong chờ đến gần trưa thì đi đổ mủ và giao cho một số cá nhân đứng ra thu gom mủ. Họ chỉ cạo thuê lấy tiền, còn chủ thực sự là ai thì không rõ.
Chủ rừng bất lực
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch cho biết: “Trên diện tích đất rừng Ban được giao quản lý, có 359,86ha đất rừng tự nhiên bị các doanh nghiệp chặt phá lấn chiếm để trồng cây cao su. Diện tích cao su này được trồng và chăm sóc thường xuyên, cây cối xanh tốt đang đến vụ thu hoạch. Tuy nhiên, không có cá nhân hay doanh nghiệp nào đứng ra nhận vì sợ bị quy trách nhiệm”.
Hàng trăm diện tích cao su vô chủ này đã khiến các nhân viên, cán bộ thuộc (BQL RPH) Ia Puch đang vất vả trong công tác quản lý, bảo vệ. Lợi dụng thời gian đêm tối, một số người dân ở các địa phương khác được thuê để khai thác mủ.
Theo ông Vũ, diện tích 359,86ha đất rừng bị doanh nghiệp tự ý chặt phá, lấn chiếm để trồng cao su nhưng không xác định được đơn vị tổ chức nào. Do đó, UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Gia Lai xác minh, làm rõ.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can Nguyễn Thị Hương và Phan Quốc Huy (là các Giám đốc BQL RPH rừng Ia Puch trong các giai đoạn từ 2008 đến 2012) để điều tra tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Đến tháng 1/2021, Cơ quan CSĐT ra thông báo điều tra bổ sung vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại BQL RPH Ia Puch. Vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Gia Lai đã trả hồ sơ, nhằm điều tra làm rõ thêm một số nội dung của vụ án.
Từ năm 2021, Cơ quan CSĐT đã vào cuộc, tuy nhiên hiện vẫn chưa có kết luận, thông báo gì liên quan đến vụ 359ha cao su vô chủ trong lâm phần do đơn vị quản lý. Đến nay, vẫn chưa tìm ra chủ nhân số diện tích cao su trái phép này.
“Diện tích cao su xen lẫn với những khoảnh rừng còn sót lại gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhiều năm qua, nhân viên bảo vệ rừng vẫn tiến hành tuần tra, trông coi khu vườn cao su vô chủ, giữ nguyên hiện trạng, không để người dân, doanh nghiệp vào chặt phá, lấy gỗ.
Chúng tôi mong muốn cơ quan có thẩm quyền sớm kết luận, có hướng xử lý đối với diện tích cao su vô chủ để trồng lại rừng hoặc bóc tách ra khỏi diện tích rừng cần được bảo vệ”, ông Vũ thông tin thêm.
Được biết, Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Puch được giao quản lý hơn 15.600ha rừng. Địa bàn rộng lớn, trải dài trên nhiều xã biên giới lại nằm xen kẽ đất rẫy của người dân, cùng với đó là tình trạng thiếu nhân lực khiến công tác tuần tra, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn.