Cơ quan quản lý lâm nghiệp ở quận Alluri Sitarama Raju của bang Andhra Pradesh đã chặt vỏ cây nguyệt quế Ấn Độ khiến nước phun ra. Đoạn clip ghi lại sự việc đã được lan truyền trên mạng xã hội và khiến tất cả mọi người phải kinh ngạc.
Các quan chức lâm nghiệp đã chặt vỏ cây ở Công viên Quốc gia Papikonda và phát hiện ra rằng cây này trữ nước vào mùa hè.
Kiến thức này đã được chia sẻ với bộ lâm nghiệp bởi bộ lạc Konda Reddi, một nhóm bộ lạc đặc biệt sinh sống ở dãy đồi Papikonda ở vùng Godavari. Bộ tộc này nổi tiếng với kiến thức bản địa về cây cối.
Cây nguyệt quế Ấn Độ, có tên khoa học là Ficus microcarpa, là một loại cây nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới được tìm thấy chủ yếu ở một số vùng ở Châu Á, Quần đảo Tây Thái Bình Dương và Úc.
Là một loại cây cảnh, nó có tán rậm rạp và có vỏ nhẵn màu xám nhạt và lá hình mũi mác màu xanh lá cây sáng bóng. Những tán lá dày của nó tạo ra môi trường sống tuyệt vời cho nhiều loài chim khác nhau và những quả tròn nhỏ của nó được dùng làm thức ăn cho các loài chim.
Trong khi đó, nước chảy ra từ vỏ cây nguyệt quế Ấn Độ xuất hiện vào thời điểm khan hiếm nước ở một số vùng của Ấn Độ, bao gồm cả ở Andhra Pradesh và vùng lân cận Karnataka, nơi thủ đô Bengaluru đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng.
Các hồ chứa ở Andhra Pradesh có trữ lượng nước là 22%, so với 66% vào năm ngoái.
Trong số 21 bang lớn được theo dõi tình trạng hồ chứa, 15 bang có mực nước hồ chứa dưới mức trung bình của thập kỷ. Ở Tamil Nadu, Karnataka và Andhra Pradesh, cùng với Bihar, Uttar Pradesh và Chhattisgarh, mực nước hồ chứa thấp hơn 20% so với mức trung bình trong thập kỷ. Ở mức 49%, mức chênh lệch so với mức trung bình 10 năm là cao nhất ở Andhra Pradesh.
Hải Vân (Theo Indiatoday)