Thậm chí, những người quá lứa lỡ thì đến đây xin nước giếng về uống khi về sẽ như ý bén duyên. Ai đã đến đây một lần thì nhớ nước giếng mà năm sau lại đến. Số lượng người đến năm sau đông hơn năm trước. Cứ thế, tiếng lành đồn xa! Nhưng điều kỳ lạ, nhiều năm nay, đáy nước Giếng Ngọc chỉ sâu chưa đầy 2m mà chưa bao giờ thấy cạn.
Linh thiêng nước mắt kỳ lân
Vùng Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương xưa nay là mảnh đất địa linh nhân kiệt gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử và anh hùng dân tộc như Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Chu Văn An, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Duệ... Sau những rừng thông bạt ngàn, những khúc cua núi quanh co uốn lượn say lòng người là rất nhiều truyền thuyết được tồn tại qua ngàn năm lịch sử vẫn còn nguyên giá trị văn hóa đặc sắc.
Một trong những hạnh phúc của con người là chạm được tâm hồn mình đến những giá trị văn hóa. Khi tác nghiệp ở mảnh đất nhiều truyền thống và linh thiêng này chúng tôi mới thấm thía thực sự điều đó. Khi mỗi bước chân mình qua đều thấp thoáng một giá trị của văn hóa tâm linh ngàn đời. Câu chuyện về Giếng Ngọc cạnh chùa Côn Sơn cũng hấp dẫn khách thập phương ở những giá trị truyền miệng như thế.
Nằm bên phải đường lên Bàn Cờ Tiên, nơi trước đây danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã từng tìm về ở ẩn, Giếng Ngọc không chỉ là niềm tự hào của người dân khắp vùng mà còn là chốn linh thiêng tìm về của du khách thập phương. Giếng Ngọc nằm dưới chân núi Kỳ Lân và người dân cho rằng Giếng Ngọc chính là mắt của rồng. Chính vì địa thế phong thủy đó nên nguồn nước giếng được coi như nước mắt của rồng và sự linh thiêng của nước giếng cũng vì thế mà được nhân lên. Mặt khác, theo những câu chuyện truyền miệng của các thế hệ đi trước để lại thì giếng còn có liên quan đến thiền sư Huyền Quang từ thời nhà Trần.
Du khách thành tâm soi mình xuống dòng nước giếng và xin uống nước cầu mong những điều tốt đẹp.
Ngay từ thời nhà Trần, chùa Côn Sơn đã là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm cùng với chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm (Quảng Ninh). Khi sư tổ Huyền Quang, vị tổ thứ ba của Thiền Phái Trúc Lâm về trụ trì tại chùa Côn Sơn là người đầu tiên phát hiện ra Giếng Ngọc.
Ông Nguyễn Khắc Minh (SN 1958), trưởng ban Quản lý di tích Côn Sơn cho biết: "Theo sử sách để lại, vào một đêm rằm tháng bảy khi sư tổ Huyền Quang cùng các tăng ni phật tử làm lễ cúng ở chùa xong đúng vào lúc canh khuya. Sau khi tất cả mọi người đã về phòng nghỉ, Huyền Quang nằm trằn trọc mãi không chợp mắt được rồi thiếp đi lúc nào không biết.
Trong giấc mơ đêm hôm đó, Huyền Quang thấy mình được một vị thần dẫn đi và chỉ cho ông thấy một viên ngọc sáng lấp lánh trên sườn núi. Huyền Quang vừa cúi xuống xem viên ngọc và định cầm lên thì tiếng chuông chùa báo một ngày mới làm ông tỉnh giấc. Ngẫm đi ngẫm lại về giấc mơ đêm, Huyền Quang cho rằng có điềm lành và đã cùng các tăng ni phật tử lên núi tìm kiếm. Khi phát quang các bụi rậm, vô tình ông phát hiện ra một mạch nước trong vắt. Ông cúi xuống dùng tay vục nước lên uống thì thấy nước ngọt mát lạ kỳ khiến người trở nên khoan khoái nhẹ nhàng. Cũng từ đó, Huyền Quang đặt tên cho giếng là Giếng Ngọc.
Nước Giếng Ngọc thường được các sư ở chùa dùng để tắm tượng, mang vào chùa cúng tuần rằm mùng một. Lạ một điều, chỉ là một cái mạch nước nhỏ nhưng chảy ngầm từ trong núi nên chưa bao giờ cạn. Kể cả khi người dân trong vùng nghe tiếng giếng thiêng đến để xin nước về dùng, giếng vẫn quanh năm đầy ắp, trong vắt một cách lạ kỳ.
Nước giếng “trẻ mãi không già”
Xuất phát từ tích xưa truyền lại, cùng với sự linh thiêng của chùa Côn Sơn nằm ngay dưới chân nền giếng, người dân trong vùng tin rằng nước giếng có thể giúp người ta tẩy sạch bụi trần và mang đến những điều tốt đẹp. Ông Hoàng Hữu Lịch, 66 tuổi, là người phụ trách trông coi trực tiếp Giếng Ngọc, làm nhiệm vụ hướng dẫn du khách sử dụng nước giếng cho đúng mục đích và dọn dẹp cảnh quan xung quanh Giếng Ngọc cho biết: "Nước giếng nổi tiếng với độ trong mát, ngọt lịm và mang đến những điều may mắn cho con người. Tôi đã được nghe rất nhiều câu chuyện của khách đến đây kể lại. Chuyện thật mà có lúc đến khó tin nếu như không nhìn thẳng vào mắt và khuôn mặt đầy ơn huệ của họ".
Một câu chuyện khiến ông Lịch nhớ lâu nhất là vào năm 2000 khi ông mới bắt đầu về nhận nhiệm vụ coi trông giếng. Một người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi chia sẻ với ông. Nhà bà có bốn cô gái thì ba cô chị đều xinh đẹp, sáng sủa, vận mệnh tốt. Duy chỉ cô em út kém sắc kém tài nên mãi không đứng số, đã ngoài ba mươi mà vẫn chưa có nổi một mảnh tình vắt vai. Bà đã nhiều lần tin vào thần linh bói toán đi cắt tiền duyên cho con và cũng đã cầu khẩn nhiều nơi cho duyên âm đứt đoạn để con gái có một mái ấm như bao người nhưng không được.
Vậy mà trong một lần đi lễ chùa đầu năm, nghe tiếng Giếng Ngọc ở Côn Sơn linh thiêng, bà đã dẫn cô con gái đến đây lễ phật dưới chùa và xin nước giếng uống. Niềm vui thật bất ngờ khi năm đó con gái bà đã xuất giá và có một người chồng tốt. Họ sống hạnh phúc, đến nay đã có hai mặt con, một trai một gái đẹp như tranh. Vì thế bà tin vào những điều kỳ diệu mà nguồn nước Giếng Ngọc mang lại. Cũng từ năm đó, năm nào bà cũng về tạ ơn và không quên lên giếng xin nước uống cầu may.
Các cụ trong làng vẫn hay truyền bảo con cháu mỗi năm lên giếng xin nước và tạ ơn đức Phật thì cuộc sống gặp nhiều may mắn, thuận lợi bình an. Mặt khác, nước giếng cũng giúp con người kéo dài được tuổi trẻ và nhan sắc của mình. Rửa mặt bằng nước giếng da dẻ mịn màng, trắng trẻo. Bất cứ ai khi một lần về đây đều sẽ nghe được những điều như thế từ người dân bản địa. Những câu chuyện truyền miệng không có gì kiểm chứng nhưng hết đời này qua đời khác không một ai từ bỏ niềm tin ấy.
Một điều cấm kỵ khi sử dụng nước Giếng Ngọc là không được dùng để rửa chân. Hành động như thế sẽ bị coi là phàm tục, xúc phạm thánh thần. Nước giếng thường chỉ để uống, hoặc để rửa mặt, rửa tay với quan niệm mang lại một làn da mịn màng, trẻ mãi không già. Niềm tin ấy trở thành tôn chỉ đối với nguồn nước Giếng Ngọc cạnh chùa Côn Sơn ngày nay. Cứ chạm chân đến đất Chí Linh người người sẽ nghe những câu chuyện linh thiêng từ nguồn nước Giếng Ngọc.
Giếng Ngọc không giống với các giếng khác. Nó hoàn toàn là mạch nước tự nhiên đạt tiêu chuẩn nước khoáng thiên nhiên đã được kiểm chứng từ các viện khoa học cấp Nhà nước. Giếng sâu chỉ chừng 2m nước nhưng từ ngàn xưa truyền lại không bao giờ thấy nguồn nước giếng bị cạn.
Thông thường, cứ một vài năm, nước giếng được thau rửa một lần và phải dùng máy bơm bơm liên tục chừng hai tiếng giếng mới cạn. Ai đến Giếng Ngọc cũng muốn nghiêng mình soi xuống dòng nước trong vắt. Đó là niềm tin tâm linh tồn tại trong mỗi người tự ngàn đời. Không ai bảo ai, khi ngang qua Giếng Ngọc, người ta thả vào hòm công đức chút tiền gọi là xin lộc, sau đó cúi xuống soi mình và múc vài cốc nước nhỏ để uống, để rửa mặt tẩy trần. Việc người già trẻ lại, người quá lứa lỡ thì đắc duyên đến số chưa có ai kiểm chứng. Nhưng cứ nhìn cái cách người ta tôn nghiêm kính cẩn trước Giếng Ngọc và từ tốn nghiêm trang nhẹ nhàng múc gầu nước giếng là đủ biết giá trị của văn hóa là như thế nào.
Hy vọng vào những điều tốt lành Ông Nguyễn Khắc Minh, trưởng ban quản lý di tích Côn Sơn cho biết: "Nhiều năm qua với niềm tin vào sự linh thiêng của nước giếng, người dân đến uống nước giếng ngày một đông. Vì sự an toàn của mọi người nên chúng tôi đã mang mẫu nước giếng đi kiểm nghiệm tại các viện khoa học cấp quốc gia. Kết quả đáng mừng là nước giếng không những không có độc tố mà còn sạch đạt tiêu chuẩn của nước khoáng thiên nhiên. Hiện nay, chúng tôi luôn cố gắng duy trì bảo vệ khu vực xung quanh giếng. Riêng nguồn nước, chúng tôi để nguyên bản tự nhiên cho mọi người tự do thưởng thức. Về độ an toàn của nước giếng đã được chứng thực nên mọi người đến đây xin nước giếng uống hoàn toàn có thể yên tâm và hy vọng những điều tốt đẹp trong cuộc sống”. |
Dương Thu