Trên thế giới có rất nhiều lễ hội như té nước ở Thái Lan, ném cà chua tại Tây Ban Nha… thu hút hàng triệu lượt khách du lịch mỗi năm năm. Thế nhưng, ít ai biết ở Việt Nam cũng có một lễ hội đặc biệt như vậy. Người dân đi chợ Chuộng (Thanh Hoá) dùng cà chua để “choảng nhau" với mong muốn được may mắn đỏ như màu trái cà chua vậy.
Hàng năm cứ đến ngày 6 tháng Giêng Âm lịch, người dân xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn và xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) lại kéo nhau ra mô đất ven sông Hoàng để họp phiên chợ Chuộng. Người tham gia phiên chợ ngoài tham gia các trò chơi dân gian, mua bán hàng hóa thì có màn cùng nhau ném cà chua vào nhau để xua xui xẻo, cầu may mắn cho năm mới tài lộc.
Phiên chợ Chuộng ở Thanh Hóa mang nét độc đáo thú vị không bao giờ lẫn với các phiên chợ khác. Đây có thể coi là phiên chợ "mua may bán rủi" độc nhất vô nhị ở Thanh Hóa.
Tại chợ, người dân địa phương mang đến những nông sản đặc trưng trồng được để bán, như: rau, củ quả, gà, vịt, bánh cuốn, bánh đa, bỏng ngô... Đặc biệt, một loại quả không thể thiếu có mặt ở khắp chợ đó là cà chua.
Theo quan niệm của người dân, nếu tại phiên chợ, những ai được ném nhiều cà chua vào người, trong năm mới người đó sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn thuận buồm xuôi gió. Có thể coi đây là nét đẹp văn hóa đặc sắc tại xứ Thanh, không những vậy đến với chợ Chuộng người dân còn được trải nghiệm một lễ hội văn hóa đầu Xuân đúng nghĩa.
Người dân địa phương cũng không biết chính xác chợ Chuộng có từ bao giờ. Tuy nhiên khi được hỏi về nguồn gốc của chợ Chuộng, các cụ cao niên ở địa phương cho biết, vào thời Lê khi vua Lê đem quân đi đánh giặc vào đúng ngày mùng 6 Tết thì bị phát hiện và truy bắt. Khi chạy đến khu vực này, thấy bãi đất rộng và không còn đường lui nên đã huy động người dân họp chợ để che mắt quân giặc. Để tưởng nhớ công lao của vị vua xưa kia, hàng năm cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng, người dân trong vùng lại tổ chức họp chợ để cầu may.
Ngoài tục ném cà chua để cầu may, người dân đến chợ Chuộng còn để mua con giống, cây giống, bánh đa, bánh đúc, bánh cuốn về biếu ông bà, bố mẹ và là nơi cho những đôi tình nhân hẹn hò, cũng như cho những người bạn 3 ngày Tết chưa gặp nhau.
Đã thành thông lệ năm nào cũng vậy, cứ đến mùng 6 tết, dù mưa, hay nắng người người đều đến chợ rất đông và số đông là nam thanh, nữ tú đến đây để giao lưu, cầu may. Chợ họp từ rất sớm, có năm đến tối mịt chợ mới tan. Người bán hàng tại chợ mang theo tâm lý bán mở hàng đầu năm còn người mua thì mong muốn mua hàng lấy may nên giá cả không phải là yếu tố quan trọng nhất ở phiên chợ độc đáo "có một không hai" này.
Trúc Chi (tổng hợp)