Gọi bố mẹ bằng "anh, chị"
Bắc Lãng là một xã miền núi có nhiều thành phần dân tộc chung sống từ ngàn xưa. Chính vì vậy, nơi đây đã có những nét văn hóa đặc biệt. Có lẽ độc đáo nhất chính là nét văn hóa xưng hô, thay tên, đổi họ lạ lùng ở vùng quê này.
Ảnh minh hoạ
Ông Hoàng Dư Quý, (73 tuổi, dân tộc Tày ở thôn Khe Mò) cho hay: "Một số gia đình ở đây thường có cách xưng hô rất lạ lùng. Con cái thường gọi bố mẹ bằng "chài - sao" (anh - chị), "chủ - a" (cô - chú)... nhưng vẫn xưng "lục" (con). Gia đình tôi có tám người con, những người con của tôi cũng gọi chúng tôi như vậy. Sở dĩ có cách xưng hô lạ lùng này là do những người dân tộc quan niệm rằng, cách xưng hô đó sẽ tránh được những việc không may mắn. Nhiều gia đình khi sinh con, thấy đứa trẻ thường ốm đau, bệnh tật liên miên là đổ cho do bị ma quỷ ám hoặc do xung khắc tuổi tác và mệnh nên rất khó sống hòa hợp trong gia đình, thậm chí còn gây hại lẫn nhau. Để hóa giải những điều không may mắn, họ thường thay đổi cách xưng hô. Tập tục văn hóa này không gây ảnh hưởng gì đến thuần phong, mỹ tục trong gia đình".
Được biết, những người dân nơi đây quan niệm việc đặt tên con cũng có thể gây ảnh hưởng cuộc đời của chúng. Họ sợ những cái tên đẹp, tên hay sẽ bị ma quỷ để ý và gây hại. Ngay từ khi sinh ra, những đứa con này sẽ được đặt theo tên của loài cây, quả như: Hành, lê, mận, đào, chè, sen, cam... Đặt tên như vậy không những tránh được ma quỷ mà còn giúp cho con họ mau ăn, chóng lớn, ít bệnh tật.
Người dân tộc Dao ở Bắc Lãng còn có tập tục đặt tên rất độc đáo. Ông Lý Văn Tài - một thầy mo ở thôn Khe Cảy còn nắm được rất nhiều nét văn hóa của dân tộc Dao cho biết: Lễ hội "khùn vòng" là lễ hội đặt tên cho con cũng là nét đẹp văn hóa của người Dao từ ngàn đời nay. Những đứa trẻ sinh ra sẽ được làm lễ đặt tên để mong cho con lớn khôn, khỏe mạnh cũng như tránh được ma quỷ. Trong cuộc sống thường ngày, họ vẫn gọi theo tên tổ tiên đặt, còn khi đi làm giấy khai sinh thì họ vẫn đăng ký tên khác.
Ông Lý Văn Tuấn, nguyên Chủ tịch UBND xã Bắc Lãng
Nhận đá làm cha
Ông Quý cho biết: Có những gia đình, con cái hay ốm yếu là do tuổi xung khắc với bố mẹ hoặc với anh em trong họ hàng. Để tránh được những chuyện không tốt, bắt buộc người con phải đổi họ Gia đình sẽ phải đem lễ vật đến nhà một người thuộc dòng họ khác để xin được mượn họ của gia đình đó. Tập tục đổi họ cũng hết sức đơn giản. Gia đình kiếm mấy cân thịt hoặc con gà đến để làm mâm cỗ rồi mời thầy cúng đến để xin tổ tiên dòng họ kia cho nhập thành viên mới. Ngày xưa còn hiện tượng người đi nhận họ sẽ ở lại nhà gia đình dòng họ đó. Nhưng hiện nay, nghi lễ này chỉ còn mang tính tượng trưng. Làm lễ xong, đứa con đó có thể về nhà bố mẹ đẻ sống bình thường, nhưng khi gia đình bố nhận có vấn đề gì thì đứa con nuôi không được phép bỏ mặc.
Trường hợp anh Hoàng Văn L. thường xuyên ốm đau, bệnh tật, ăn uống bình thường nhưng vẫn gầy trơ xương. Thấy các cụ bảo, con mình không hợp với việc ăn cơm họ Hoàng mà chỉ đi ăn gạo dòng họ khác thì mới lớn khôn được. Thấy vậy, bố mẹ đã đi xin một gia đình của dòng họ Lộc ở xã khác để có thể xin được "ăn cơm" dòng họ đó. Kỳ lạ, từ khi ăn cơm dòng họ Lộc thì L. bỗng lớn nhanh và không còn ốm đau, bệnh tật. Bây giờ L. đã đi làm ăn xa và lập nghiệp ở Quảng Ninh. Được biết, gia đình L. rất giàu có và hạnh phúc.
Thậm chí, có những đứa trẻ khi sinh ra có mệnh "sát" bố thì phải tìm một vật thể thế mạng, đó chính là hòn đá. Sau khi nhờ thầy bói gieo quẻ và chỉ phương hướng thì người nhà sẽ phải đi về hướng đó để tìm. Khi tìm được tảng đá ưng ý, gia đình sẽ phải chuẩn bị một mâm cỗ làm lễ nhận cha cho đứa bé. Mâm cỗ gồm có cơm, thịt lợn, thịt gà, rượu. Tiếp đó phải mời thầy mo đến cúng và xin thần đá nhận đứa trẻ làm con. Vào những ngày lễ, tết thì đứa con đó phải đến thăm nom tảng đá đó.
Ông Quý cho biết: "Việc nhận đá làm cha là nét văn hóa độc đáo còn sót lại của văn hóa thờ đá của người Việt xưa. Đặc tính cứng rắn là do một vị thần ở trong đá tạo ra. Linh hồn của đá chính là cái bất diệt, chính nó đã tạo ra sự cứng rắn và thiêng liêng của đá. Đá là phương tiện để con người truyền đạt ước muốn của mình vào thế giới siêu nhiên, như cầu mùa, cầu mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, gia đình sung túc...
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Văn Tuấn - nguyên Chủ tịch UBND xã Bắc Lãng cho hay: "Những tập tục là nét đẹp văn hóa từ ngàn xưa của cộng đồng người dân tộc nơi đây. Quan niệm đó thể hiện tín ngưỡng đa thần, cũng như những quan niệm về thích nghi với những thế lực siêu nhiên của người xưa. Đặc biệt, việc nhận đá làm cha là tục lệ còn xót lại của nét văn hóa thờ đá của người Việt. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ còn lẻ tẻ, chủ yếu là việc thay đổi cách xưng hô trong gia đình, lễ đặt tên con thì vẫn còn nguyên vẹn.
Những tập tục từ ngàn xưa để lại Ông Lý Văn Môn (cán bộ văn hóa xã Bắc Lãng) cho biết: "Do người dân nơi đây quan niệm rằng, khi con sinh ra có mệnh xung khắc với bố mẹ, thường hay ốm đau bệnh tật nên họ hóa giải bằng cách thay đổi cách xưng hô, gọi cha mẹ bằng cậu, mợ hoặc anh, chị... Nhiều người còn làm lễ nhận đá làm cha. Cứ vào dịp lễ tết, người đó phải đến để cầu, cúng hòn đá đó. Mỗi địa phương đều có một nét riêng biệt. Không chỉ ở xã Bắc Lãng mà còn ở rất nhiều địa phương trong tỉnh cũng có những tập tục kỳ lạ như vậy". |
Thế Hoàng