Thiếu ăn, nhà ấy thường phải đâm đầu đi vay nợ. Một năm nọ, trời làm đói kém, hai vợ chồng phải vay nhà Bá cả vốn lẫn lãi là ba mươi quan. Tuy hạn vay đã hết, họ vẫn không thể góp đủ số tiền để trả. Chủ nợ mấy lần cho người đến đòi, hai vợ chồng nhà ấy một mực van nài xin khất.
Một hôm, đích thân cụ Bá tới nhà thúc nợ. Lúc tới nhà thấy đứa bé đang ngồi chơi một mình ở sân, hắn hỏi ngay: Bố mẹ mày đâu?
Thấy em bé làm thinh, hắn lại hỏi dồn: Có phải bố mẹ mày trốn nợ hay đi đâu thì phải nói cho thật?
Bấy giờ em bé mới lên tiếng: Bố tôi đi chém cây sống trồng cây chết. Mẹ tôi đi bán gió mua que. Nghe nói, cụ Bá đứng ngẩn người, chẳng hiểu ra làm sao cả, lại hỏi dồn một thôi. Em bé tủm tỉm cười: Ông cứ đoán đi, dễ lắm mà! Thấy cụ Bá lại hỏi nữa, em bé nói: Nếu ông không đoán ra thì phải cho tôi gì, tôi giảng cho.
Sau khi thỏa thuận xong, cụ Bá đồng ý lấy con mối làm chứng giữa cụ và thằng bé. Nó giải nghĩa đúng thì cụ phải xóa món nợ cho cha mẹ nó. Thấy em bé giải đáp đúng, cụ Bá khen nó một câu rồi ra về.
Mấy hôm sau nữa, cụ Bá lại cho người đến đòi nợ. Lúc này bố em bé ở nhà. Thấy bố nó phải năn nỉ xin khất, em bé nói riêng với bố: Bố không cần phải khất khứa gì nữa. Hôm nọ cụ Bá đã hứa cho con tất cả nợ rồi đấy.
Người nhà của cụ Bá mắng: Trẻ con nói nhảm nhí, ai lại cho không mày, chứng cớ đâu? Không đòi được nợ, cụ Bá thưa kiện lên quan huyện. Lên đến công đường, đã nghe quan đập bàn mắng bị cáo: Tên kia, mày quỵt nợ của cụ Bá đây phải không?
Nghe theo lời dặn của con, bị cáo đáp: Bẩm quan, cụ Bá đã hứa cho con tôi số nợ ấy, chứ tôi không dám quỵt.
Cụ Bá nói: Anh đừng nói láo. Tôi hứa cho con anh bao giờ? Chứng cớ như thế nào? Xin quan cho đòi thằng bé lên hỏi thử.
Quan lập tức cho lính đòi em bé đến. Trước mặt mọi người em bé kể lại đầu đuôi câu chuyện hôm nọ mình nói chuyện với cụ Bá như thế nào, cụ Bá hứa cho những gì... Nghe xong, quan hỏi: Vậy lúc ấy có ai làm chứng cho câu nói của cụ Bá hứa cho mày hay không?
Bẩm quan, có kẻ làm chứng phân minh. Chính lúc ấy cụ Bá trỏ vào con mối đang leo cột nhà bảo nó làm chứng. Có vậy tôi mới giải đố cho cụ ấy. Nghe nói vậy, cụ Bá vội cướp lời: Mối đậu đũa cả chứ làm gì có mối leo cột nhà.
Quan liền phán: Như vậy lúc ông hứa với nó quả thị có con mối làm chứng, thế là đủ. Vậy ông phải làm theo lời đã hứa. Cụ Bá cứng họng tiu nghỉu đi ra. Còn cha con nhà nọ ra về sung sướng vì thắng lợi.
Luật nay: Phải xác định rõ như thế nào là vật chứng
Trong vụ kiện đòi nợ trên, chỉ nhờ vào tài trí thông minh của thằng bé mà bố mẹ nó đã thoát khỏi một khoản nợ với cụ Bá. Khi bị cụ Bá thưa kiện, cậu bé đã mang bằng chứng là một con mối ra. Bấy giờ cụ Bá không thể nói được gì nữa đành chấp nhận thua kiện.
Giả sử vụ án đó xảy ra ngày nay thì khi vụ kiện được đưa lên quan huyện, con mối có được coi là bằng chứng hay không? Theo các quy định của pháp luật hiện hành tại Điều 81 BLTTHS ghi về chứng cứ như sau: Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cá nhân, cơ quan, tổ chức khác giao nộp cho Toà án hoặc do Toà án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Toà án dùng làm căn cứ để xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp hay không cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự.
Đồng thời theo khoản 2 Điều 83 của Bộ luật trên có quy định về việc xác định chứng cứ: Các tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản xác nhận xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó...
Như vậy, căn cứ vào các quy định trên đây thì con mối có được xác định là vật chứng hay không? Nếu không được xác định vật chứng thì vợ chồng nhà nọ phải có nghĩa vụ trả nợ cho cụ Bá.
Tường Linh