Mỏ vàng Kupol nằm ở vùng xa xôi nhất về phía Đông Bắc (Nga). Mỏ Kupol được phát hiện vào khoảng những năm 1940. Ước tính nơi đây có trữ lượng vàng khổng lồ lên đến 4.500 tấn.
Dẫu có trữ lượng vàng lớn, bao phủ xung quanh chỉ vàng là vàng nhưng Kupol lại được mệnh danh là mỏ vàng "cô đơn" nhất thế giới khi rất ít người đến đây để khai thác.
Lý do đầu tiên phải kể đến vị trí địa lý. Kupol nằm ở phía đông Siberia, gần Vòng Bắc Cực. Khu vực này có nhiệt độ mùa đông có thể xuống tới -50°C, bao phủ bởi băng giá quanh năm.
Bên cạnh đó, địa hình nơi đây hết sức phức tạp, điều kiện di chuyển hạn chế, xung quanh cằn cỗi, không thể ở lại khiến mọi hoạt động của con người trở nên khó khăn.
Mỏ vàng Kupol là một trong những mỏ vàng khó khai thác nhất toàn cầu. Rất hiếm người mạo hiểm đến đây khai thác với mong muốn đổi đời.
Tuy nhiên, từ xưa đến nay, vàng vẫn là một trong những tài nguyên quý giá nhất và là tài sản tích trữ được cả thế giới ưa chuộng. Điều đó có nghĩa là, dù có lạnh lẽo mức nào, dù có ở tận cùng thế giới, con người vẫn sẵn sàng đi đến những "địa ngục băng giá" đó để đáp ứng nhu cầu. Vì thế người ta đã tìm nhiều cách để có thể khai thác vàng ở mỏ Kupol.
Có 2 cách để tiếp cận mỏ vàng Kupol. Một là đường hàng không (Sân bay Kupol cách mỏ vàng 12 km về phía Bắc) và thứ hai là con đường tạm, dài 360 km, chỉ có thể đi được từ tháng 1 đến tháng 4 hàng năm. Con đường này là lối vào đất liền duy nhất tới Kupol từ thị trấn cảng Pevek.
Thiết bị, vật tư và nhiên liệu cần thiết trong những tháng mùa đông phải được đặt hàng trước 2 năm và vận chuyển đến cảng Pevek, nơi chỉ mở cửa trong 3 tháng vào mùa hè.
Năm 2008, con đường mùa đông đã phục vụ 1.944 chuyến xe tải để vận chuyển 3.000 đơn vị container, 60.000 tấn vật tư và 25.000 tấn nhiên liệu diesel.
Vào tất cả các thời điểm khác trong năm, mỏ vàng Kupol chỉ có thể đến được bằng máy bay trực thăng và máy bay cánh cố định.
Bên cạnh đó, người ta đã phải xây dựng cơ sở vật chất cho Kupol rất đầy đủ, tạo điều kiện cho công nhân làm việc. Lương của công nhân khai thác vàng cũng cao hơn 25% so với mức trung bình của khu vực.
Trại công nhân phải có đầy đủ các trang thiết bị tiện nghi, đảm bảo toàn bộ sinh hoạt, bao gồm một phòng tập thể dục kích thước đầy đủ, phòng thể thao, bàn bi-a, phòng âm nhạc, thư viện,…
Một đường hầm kín, dài 900 mét, được mệnh danh là "Hành lang Bắc Cực", cho phép công nhân đi lại giữa trại và khu mỏ mà không phải chịu lạnh trong mùa đông. Công nhân làm việc liên tục trong 4 tuần, sau đó nghỉ 4 tuần rồi trở lại làm việc. Những người ở xa hơn thì chu kỳ là 6 tuần.
Tuy nhiên thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở với núi cao và thung lũng sâu vẫn khiến không ít người không thể thích nghi và đành phải từ bỏ việc khai thác.
Ngoài mỏ vàng Kupol, mỏ vàng Mbonige ở Nam Phi cũng có điều kiện khai thác khắc nghiệt với nhiệt độ lên tới 57°C và độ sâu 4.350 mét. Công nhân ở đây phải đối mặt với sốc nhiệt, tro bụi và nước thải từ các vết nứt trên đá.
Cả hai mỏ đều gây ra ô nhiễm nước và không khí, cùng với nguy cơ phá rừng. Các biện pháp giảm thiểu đã được thực hiện, nhưng vẫn còn lo ngại về tác động môi trường lâu dài.
Minh Hoa (t/h)