Kỷ luật nặng nam sinh xúc phạm BTS: Hình thức phản giáo dục!

Kỷ luật nặng nam sinh xúc phạm BTS: Hình thức phản giáo dục!

Vũ Thị Thủy Tiên

Vũ Thị Thủy Tiên

Thứ 6, 08/11/2019 14:45

Mới đây, một trường học đã đưa ra hình thức kỷ luật rất nặng đối với một nam sinh lớp 8, vì có lời lẽ xúc phạm nhóm nhạc Hàn Quốc BTS và cộng đồng fan Army. Nhiều phụ huynh, giáo viên và chuyên gia đánh giá, cách xử lý của trường là phản giáo dục, dễ gây hệ quả tiêu cực.

Cụ thể, nam sinh N.H.M.Q., học sinh lớp 8 trường THCS Ngô Quyền (TP.Hồ Chí Minh) là quản trị viên trang “ANTI bts in VietNam” trên Facebook, đã không ngại đăng những bài viết tục tĩu và hình ảnh nhạy cảm lên chửi cộng đồng fan BTS. Mặc dù đã bị nhắc nhở và phải xin lỗi 2 lần trước đó, nam sinh vẫn ương bướng, tiếp tục đăng tải và cuối cùng phải chịu hình phạt rất nặng cùng lời hứa không bao giờ được tái phạm.

Nam sinh đã phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường; bị đình chỉ học tập trong 4 buổi (từ ngày 6-10/11), Q. vẫn đến trường nhưng không được vào lớp mà ngồi ở phòng giám thị và có nhiệm vụ mượn vở của bạn để chép bài đầy đủ; lao động công ích trong thời gian bị kỷ luật; hạ bậc hạnh kiểm xuống loại trung bình trong học kỳ 1 năm học 2019-2020. Chưa hết, clip ghi lại hình ảnh nam sinh đọc bản kiểm điểm trước toàn trường còn được công khai trên mạng xã hội.

Giáo dục - Kỷ luật nặng nam sinh xúc phạm BTS: Hình thức phản giáo dục!

Hình ảnh nam sinh lớp 8 đứng đọc bản kiểm điểm trước toàn trường bị ghi lại clip. (Ảnh cắt từ clip).

Tuy nhiên, ngay sau khi clip được đăng tải đã nhận được rất nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cho rằng tuy hành động của nam sinh là sai, một học sinh lớp 8 nếu không kịp dạy bảo có thể sẽ đem tư tưởng lệch lạc đến khi trưởng thành, nhưng không ít phụ huynh cho rằng hình phạt phản giáo dục khi vừa quá nặng lại không đủ sức răn đe.

Anh Vũ Trọng Nghĩa, một phụ huynh tại Hà Nội cho rằng: “Bạn học sinh này phạm lỗi vu khống, xúc phạm danh dự và nhân phẩm người khác. Vì sự việc xảy ra trên không gian mạng, như vậy nếu có phản ánh và chứng cứ cụ thể, cơ quan công an sẽ là người ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên do bạn đang ở tuổi vị thành niên, người giám hộ sẽ phải chịu trách nhiệm. Việc nhà trường áp dụng mức kỷ luật như thế này là chưa có tiền lệ”.

Cũng lo ngại hệ quả tiêu cực, chị Nguyễn Mai, một phụ huynh tại TP.Hồ Chí Minh bày tỏ: “Nam sinh này cũng chỉ là một đứa trẻ, có nhiều cách để giáo dục không nhất định là phải bắt đứng đọc bản kiểm điểm trước toàn trường, dưới sự chứng kiến của thầy cô, bạn bè; thậm chí còn quay clip công khai… Giả sử sau đó, học sinh này nghĩ quẩn rồi xảy ra chuyện không hay ai sẽ chịu trách nhiệm?”.

Một phụ huynh khác tại Hà Nội cũng chia sẻ: “Theo tôi, nhà trường chỉ nên nói chuyện, bàn bạc với phụ huynh để giúp bạn học sinh ấy hiểu và sửa chữa; nếu tái diễn thì tìm hiểu thêm nữa xem còn nguyên nhân gì khác không để khắc phục… Phải kiên trì mới giải quyết được. Không nên phạt kiểu đưa ra trước toàn trường vì điều này là phản giáo dục, bôi nhọ chính học sinh này; cũng có khác gì bạn ấy bôi nhọ BTS đâu?!”.

Anh Nguyễn Hoàng (Hà Nội) cũng bày tỏ: “Bạn học sinh này cần được giáo dục nghiêm khắc, để hiểu được bản chất mình làm như vậy là sai. Cách này không thể thiếu được sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường, trong đó vai trò của bố mẹ là lớn nhất.

Tuy nhiên, việc xử lý một việc bắt nạt, nói xấu trên mạng bằng một hành động tương tự của thầy Hiệu phó là sai, đi quá xa với quyền hạn, trách nhiệm và đạo đức của người thầy. Mặc dù chưa theo dõi câu chuyện trên nhưng tôi chắc chắn thầy sẽ bị khiển trách”.

Đồng quan điểm đó, anh Phạm Đức Thắng cho biết: “Việc bạn học sinh này xúc phạm hay bôi nhọ, tôi không bình luận ở đây vì tôi không biết rõ các nội dung đó như thế nào, mức độ nghiêm trọng ra sao? Tuy nhiên, vai trò xử phạt là việc của cơ quan có thẩm quyền và xử phạt theo pháp luật. Trường chỉ có vai trò hỗ trợ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền”.

Trước sự việc trên, thầy Ngân Văn Kỳ, giáo viên trường THPT Chuyên Amsterdam, Hà Nội cho rằng: “Việc giáo dục học sinh đương nhiên thuộc trách nhiệm của nhà trường, tuy nhiên, việc kỷ luật học sinh cần được dựa trên 2 yếu tố: nội quy của nhà trường và việc kỉ luật cần được xem xét thật kỹ về tinh thần, tâm thần, nhận thức, quá trình theo dõi sự việc với học sinh đó. Qua sự việc cho thấy nhà trường đã tiến hành kỉ luật học sinh chưa hợp lý!”.

Giáo dục - Kỷ luật nặng nam sinh xúc phạm BTS: Hình thức phản giáo dục! (Hình 2).

ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương.

ThS. Đỗ Nghiêm Thanh Phương, khoa Công tác xã hội, đại học Sư phạm Hà Nội cũng chia sẻ: “Đối với một học sinh bậc THCS, hình thức kỷ luật này chưa phù hợp. Trước hết, xét về mức độ kỷ luật, lao động công ích hay đình chỉ học chỉ khiến nam sinh thêm xấu hổ và miễn cưỡng thực hiện chứ chưa đủ tác động làm thay đổi suy nghĩ. Chưa kể, việc phải đọc bản kiểm điểm trước toàn trường, lại quay clip công khai, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý nam sinh. Nếu khiến học sinh này tiếp tục tái phạm nhưng che giấu tinh vi hơn thì thật nguy hiểm!

Cách kỷ luật như vậy có thể khiến nam sinh này bị ảnh hưởng tâm lý, bị những ánh nhìn soi mói và chịu sự đả kích từ cộng đồng mạng, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực đáng tiếc”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.