Vượt suối, kỹ năng an toàn từ thực tế
Nếu là người mê phượt bằng xe máy, lại ham thích phượt vùng cao thì chắc hẳn các phượt thủ sẽ không tránh khỏi địa hình suối hoặc sình lầy trên những cung đường. Tuy nhiên, mọi khó khăn sẽ là chuyện nhỏ, nếu các Biker biết cách chăm sóc tốt “chiến mã” của mình và trang bị những kỹ năng ứng phó linh hoạt…
Chúng ta đều dễ dàng biết rằng, nếu xe máy ngập nước sẽ dễ rơi vào tình trạng chết máy. Một trong những điều đáng lưu ý khi cho xe máy qua suối là đá ngầm. Đá dưới suối thường trơn, dễ trượt bánh xe. Nếu nước suối chảy xiết, không cẩn thận sẽ làm xe và người bị trôi theo dòng xiết.
Còn nhớ trong một lần tác nghiệp khi đi từ huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu sang huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên theo con đường mới mở có cả những đoạn mới phá núi, bạt rừng theo hướng qua địa phận xã Mù Cả, (không đi hướng vòng qua thị xã Mường Lay có đường trải nhựa– PV), người viết đã gặp một con suối khá lớn. Do cây cầu bê tông bị lũ đánh sập nên qua suối là đường duy nhất để tiếp tục sang huyện Mường Nhé nếu không muốn quay ngược lại vài trăm kilomet đường rừng.
Lúc này, PV và đồng nghiệp đã phải nhờ cậy đến hai thanh niên dân bản quen địa hình để được trợ giúp. Người vùng cao thật thà, tốt bụng, đặc biệt mến khách. Bởi thế, họ luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người xung quanh, nhất là với người từ dưới xuôi lên không quen địa hình.
Đầu tiên, hai thanh niên người bản đã xông xáo lội bộ qua suối để dò đường. Đây cũng chính là kỹ năng cần lưu ý với dân phượt. Cần trực tiếp lội suối để ước tính đường đi một cách chính xác. Khi lội chân trần qua suối từng bước một có thể định hướng dòng nước chảy xiết ở mức độ nào, đoạn nào nhiều đã cuội to, nhỏ, mức độ trơn trượt ra sao. Quan trọng nhất là, với độ sâu và dòng nước ấy có nên cho xe qua suối hay không. Nếu không thể nổ máy cho xe qua suối cần tính đến phương án khiêng xe qua suối. Lúc này, cần sự trợ giúp của nhiều người hơn.
Sau khi lội qua lội lại 3 vòng ở con suối có chiều rộng chừng 35-40m, sâu ngập quá bánh xe, có đoạn sâu nhất ngập đến gần bụng người, hai thanh niên người bản thì thầm với nhau bàn tính kỹ càng rồi quyết định sẽ nổ máy để cho xe qua.
Sau quyết định này, một người cầm lái vào số 2, kéo ga đều tay, người phía sau giữ chắc đuôi xe tránh việc xe bị trôi theo dòng xiết của nước. Nhìn trên bề mặt tưởng nước chảy hiền hòa là thế, nhưng khi trực tiếp lội qua mới thấy dòng suối chảy siết đến mức nào. Thậm chí, nếu không đứng vững và có người đi kèm bên cạnh, người viết tưởng chừng sẽ bị nước suối xiết cuốn trôi. Tuy nhiên, nhờ sự nhiệt tình và quen tay của hai thanh niên người bản, chúng tôi đã cùng nín thở vượt qua suối một cách may mắn và an toàn.
Không chỉ suối, ở vùng cao có nhiều cây cầu gỗ bắc qua suối. Đây cũng chính là một thử thách lớn. Nếu không vững tâm, chắc tay, cả người và xe có thể nhào từ trên cầu xuống suối bất cứ lúc nào. Điều cần nhất là sự bình tĩnh và tinh mắt.
Tuyệt đối không giảm ga khi lội sình
Nếu không may gặp những cung đường sạt lở, công trình đang bạt núi để thi công hoặc trời mưa thì sình lầy là chướng ngại vật tương đối đáng ngại. Đường sình lầy nguy hiểm bởi đất nhão, trơn, bánh xe khó bám.
Để vượt qua sình lầy tốt nhất, Biker cần chú ý đến chiếc xe máy. Xe phải đảm bảo đủ xăng, vào số trơn tru, không bị hóc số. Để qua sình lầy an toàn, tốt nhất nên chạy xe bằng số 2. Lúc này xe vừa có lực, vừa hãm phanh. Nếu có “troại” bánh xe thì vận tốc bò số 2 cũng sẽ giúp xế và ôm không bổ nhào xuống đất nhão.
Rõ ràng, ngoài một chiếc ba lô đã đủ đầy những vật dụng cần thiết và chiếc xe máy đảm bảo được bảo dưỡng đầy đủ thì làm sao để băng qua suối, sình lầy, đường sạt lở là điều phải lưu tâm với tất cả những ai có ý định phượt bằng xe máy.
Tây Bắc là vùng núi non hiểm trở, nhiều bí ẩn thu hút sự khám phá kiếm tìm nhưng cũng nhiều suối, đường lầy. Dân phượt thường chọn những cung đường lạ, khó đi, những vùng đất hoang sơ càng ít người đặt chân đến càng tốt. Thế nên, mọi tình huống phải được tính trước để có thể phượt an toàn.
Tuyệt đối không vượt suối, đường lầy khi trời đã bắt đầu nhá nhem tối. Chỉ vượt qua những đoạn đường này khi trời đã sáng rõ hẳn và cần có “hoa tiêu” dò đường trước. Bởi nếu không có động tác này, rất có thể cả xe và xế sẽ chìm trong vũng lầy hoặc trôi theo suối, nguy hiểm đến tính mạng. Nên đi xe số 2 vì đi số 1 xe sẽ bị giật còn đi số 3 hoặc 4, xe yếu, khó qua suối, đường lầy. Nếu muốn tăng hay giảm tốc độ phải thay đổi mức điểu chỉnh của phanh tay và phanh chân thay vì tăng giảm ga như đi đường bình thường. Điều này sẽ tránh chết máy khi đang ở giữa suối hoặc sình lầy.
Theo các chuyên gia, khi xe không may chết máy đi qua đường ngập, cần tháo ngay bu-gi, đạp cần khởi động để đẩy hết nước trong máy ra, lau thật khô bu-gi rồi lắp trở lại. Điều cần thiết nữa là khóa xăng và xả hết số xăng cũ còn đọng lại trong bộ chế hòa khí. Sau đó, các xế có thể khởi động và chạy tiếp nhưng cần cho xe thay dầu và bảo dưỡng ngay khi gặp cửa hàng sửa chữa ở đoạn đường phía trước, đảm bảo an toàn cho chặng đường còn lại.
Bài và ảnh: Dương Thu