Nhưng đó là chuyện của trước đây, còn bây giờ muốn mua cho được một chai dầu tràm "nguyên chất" 100% còn khó hơn tìm... đường lên trời.
Ma trận dầu "nguyên chất"
"Thánh địa dầu tràm" đã lan ra tới phía Nam xã Lộc Tiến, thị trấn Lăng Cô, gần tiếp giáp Đà Nẵng với gần 200 điểm bán. Đi qua cung đường này thấy chi chít những chai dầu vàng, trắng hiện ra trước mắt. Hương dầu tràm nồng nặc cùng những đám khói cay xè, nghi ngút bốc lên từ những lò dầu đang nấu dường như đã trở đặc sản riêng của vùng đất này.
Trong vai khách du lịch, chúng tôi tạt vào cửa hiệu dầu tràm N.H., ngay sát quốc lộ 1A. Đang giới thiệu cho chúng tôi, một cô bé xem dáng dấp có vẻ là sinh viên bước vào quán hỏi: "Chị ơi, sao ở đây em thấy chỉ bày bán loại dầu màu vàng nhạt, không có loại xanh trong như các quán khác vậy chị?". Chị bán hàng lại ôn tồn giải thích: "Em không biết đó thôi, dầu màu vàng là dầu nguyên chất 100%, chứ dầu có màu xanh, trong là loại đã bị pha chế rồi đấy, chỗ chị chỉ có hàng nguyên chất thôi, không có loại "kém chất lượng" như em hỏi đâu...". Cô bé kì kèo trả giá, trình bày lý do này nọ, cuối cùng dấm dúi vào tay chị bán hàng tờ 50 ngàn đồng rồi cầm chai dầu sóng sánh màu vàng bước lên xe tiếp tục hành trình. Giả vờ lấy lý do chê đắt, chúng tôi nhanh chân "lẻn" qua cửa hàng khác tham khảo thêm.
Vào quán bán dầu tràm liền kề có tên L.T., chúng tôi lại được dịp đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cửa hàng này có độc một tủ kính, trưng bày toàn những chai dầu tràm màu xanh, trong với giá thành 100 ngàn đồng/chai 150ml. Hỏi lý do bán toàn loại dầu màu xanh, anh chủ quán khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Dầu tràm tự nấu nguyên chất chỉ có thể là màu xanh, trong còn loại dầu tràm có màu vàng nhạt là loại dầu giả, kém chất lượng". Thuộc dạng "gà mờ" về dầu tràm, lại nghe hai người có "thâm niên" trong nghề, quảng bá thương hiệu theo hai cách tréo ngoe như thế nên chúng tôi cũng mù tịt luôn.
Theo quan sát của chúng tôi, gần 200 điểm bán san sát nhau trên quốc lộ 1A, đoạn đi qua huyện Phú Lộc trưng bày la liệt các loại tinh dầu "nguyên chất". Có loại được để trong chai thuỷ tinh loại 150ml hoặc 200ml, có dán nhãn mác nhưng hầu hết chỉ đề tên chủ cửa hiệu, chứ tuyệt nhiên chẳng để địa chỉ liên hệ, nguồn gốc, số giấy phép đăng kí kinh doanh. Thậm chí, có cửa hàng còn để nguyên dầu trong một can nhựa loại 5-10 lít nhìn qua chẳng khác gì dầu rửa chén. Đã thế, giá thành của dầu tràm cũng lên xuống "loạn xạ" theo sở thích của người bán hàng. Một chai dầu 200ml nhưng có đến gần chục mức giá bán khác nhau. Tuy nhiên, nếu chịu khó mặc cả có khi giá chai dầu nguyên chất loại I cũng chỉ còn có 20 ngàn đồng/chai.
Dọc theo quốc lộ 1A, từ Lăng Cô đến chân đèo Phước Tượng, ngập tràn dầu tràm "nguyên chất"
Khó lường thật, giả
Sẽ kiểm tra, xử lý sai phạm Ông Trương Đình Hoài (Trưởng công an xã Lộc Thuỷ) cho biết: "Hiện nay, vấn đề sản xuất và kinh doanh dầu tràm diễn ra trên địa bàn tương đối nóng. Tuy nhiên, đơn vị chỉ mới phối hợp với phía thanh tra giao thông, quản lý đường bộ giải quyết triệt để tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để làm địa điểm sản xuất kinh doanh. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với phòng Kiểm định chất lượng và cục Quản lý thị trường tiến hành rà soát, kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm để chấn chỉnh tình trạng bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ... nhằm đưa hoạt động kinh doanh đi vào quy củ". |
Gần như tất cả mọi người đều nhầm tưởng dầu tràm được chiết xuất từ cây tràm (một số nơi gọi là cây keo) trồng la liệt hai bên quốc lộ 1A, đoạn đi qua huyện Phú Lộc. Nhưng trên thực tế lại không phải vậy, dầu tràm được lấy từ lá cây tràm gió, một loại tràm mọc ở trên vùng đất cát ven biển, lá tràm gió nhỏ, có màu xanh nhạt hơn màu của lá tràm keo.
Muốn có được một chai dầu tràm cũng đòi hỏi lắm công phu. Phương pháp hay được áp dụng là nấu tràm trong nồi to khoảng năm tiếng đồng hồ và củi phải chụm thật đều. Khoảng 1,5 tạ lá tràm chiếm tỷ lệ 2/3 nồi, còn lại 1/3 là nước. Một điều cần lưu ý là phải đun lửa thật đều và kỹ, không lúc nào thiếu lửa hay để cho lửa cháy quá lớn sẽ làm bay hơi mất mùi dầu. Chai hứng dầu từ vòi sẽ được đặt trên một thau đầy nước lạnh để làm cô dầu khi từ thùng nóng ra ngoài. Toàn bộ dầu từ 1,5 tạ lá cây sẽ chiết xuất khoảng 4-5 chai 200ml; còn nếu lấy nhiều hơn thì nồng độ tinh dầu chỉ còn 20-30%, không còn mùi thơm ngào ngạt như mấy chai đầu tiên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lá tràm gió mọc tự nhiên ở những vùng cát trắng, phải thuê người đi bứt và thuê xe chở về. Mùa nắng cây tràm lá xum xuê còn mùa mưa thì cây xơ xác.
Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu từ đó cũng thất thường. Anh Nguyễn Văn Trường, người chuyên cung cấp lá tràm gió cho các lò nấu dầu ở đây, cho biết: "Một bao tràm giá chở về tận lò là 25 ngàn đồng, nhưng đến mùa mưa giá tăng thêm 5 - 10 ngàn đồng/bao. Trong khi đó, một bao lá chỉ nặng cỡ 20 - 30kg nên để có thể nấu một nồi dầu tràm phải tốn 5-6 bao lá. Tính ra, riêng tiền lá đã "ngốn" mất của người dân hết đến 150 ngàn đồng. Thêm nước, tiền củi… tính ra chi phí để nấu một nồi dầu cũng phải tầm từ 200 ngàn đồng trở lên. Thế nhưng, khi bán một chai dầu 200ml giá 50 ngàn còn chưa đủ vốn, chứ bán 20 ngàn/chai thì tôi không hiểu họ nấu dầu bằng gì nữa?".
Nhập vai tiểu thương đang tìm mối cung ứng dầu tràm để bán ở các tỉnh phía Nam, chúng tôi theo chân anh Trường đến gặp chị H., một chủ đầu mối bỏ sỉ dầu tràm cho các điểm bán lẻ trên địa bàn Lộc Tiến, Lộc Thuỷ, Lộc Trì, Lăng Cô và cả… chợ Đông Ba (TP.Huế). Sau một hồi thăm dò, chị H. đi thẳng vào vấn đề chính: "Một chai tui bỏ sỉ giá 15 ngàn/chai 150ml, trong lô hàng 100 chai thì chỉ có chưa tới chục chai là dầu tràm loại I, còn lại là dầu đã qua pha chế, anh chấp nhận thì đặt cọc, nhận được tiền tui sẽ giao hàng ngay trong ngày, muốn bao nhiêu hàng cũng có".
Toàn xã Lộc Thuỷ có hai cơ sở có giấy phép đăng ký kinh doanh mặt hàng dầu tràm, nhưng năm trước cơ sở Thanh Bình "dính chàm" vụ bán dầu không rõ nguồn gốc nên đã buộc phải đóng cửa. Đến nay, hầu hết các cửa hiệu đều mọc lên tự phát, để bảng "dầu tràm nguyên chất", "dầu tràm loại I" nhưng chất lượng thật, giả như thế nào thì không ai biết. Cửa hàng nào cũng để cái lò đang nấu nghi ngút khói, nhưng thực tế thì số lò nấu dấu tràm thật chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn lại là đốt lò nghi ngút khói như vậy để... đốt rác, nguỵ trang cho cốt bán được dầu.
Phương Hưng