Giá cả ... "tùy" vào khách
Khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám (phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội) từ lâu được biết đến bằng cái tên nghe rất thân thuộc là "phố ông đồ". Từ cuối tháng Chạp cho đến rằm tháng Giêng, những người yêu thư pháp truyền thống lại đến đây, bày mực tàu, giấy đỏ để phục vụ nhu cầu xin chữ chơi xuân của người dân. "Phố ông đồ" khá dài, quy tụ không dưới một trăm quầy hàng, làm đỏ rực một góc của không gian Văn Miếu trầm mặc, cổ kính.
Trong cuộc hẹn phỏng vấn với một thầy đồ tên là Nguyễn Văn Đ. (phố Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, Hà Nội) để làm tư liệu cho bài viết số xuân, chúng tôi gặp thầy ở Văn Miếu. Tôi và cậu bạn háo hức đi xe đến, "bụng bảo dạ", kiểu gì cũng phải xin vài chữ về treo tại nhà. Không may cho chúng tôi là khi đến nơi, thầy Đ. đang có khách thuê viết chữ. Vị khách này tên Trung, là một nhân viên Nhà nước đi lễ, rồi tiện thể đến xin chữ đầu năm. Vị khách xin tới 4 bức chữ nên chúng tôi phải ngồi đợi khá lâu.
Vì là người được học chút ít và biết dăm ba chữ Hán nên tôi cũng tò mò chăm chú theo dõi. Thôi thì không bàn đến nghệ thuật rồng bay phượng múa trong nét chữ của thầy Đ., cũng như không luận xấu đẹp ra sao, nhưng khi thầy phát giá lúc trao chữ, thu tiền khiến tôi và cậu bạn "mắt tròn mắt dẹt". 4 bức, giá 1,6 triệu đồng, "khuyến mại" đầu xuân, thầy chỉ lấy 1,5 triệu đồng. Khách vui vẻ rút tiền ra trả, còn chúng tôi thực sự bị sốc. Giấc mộng xin chữ về nhà treo tan thành mây khói. Cuộc phỏng vấn của chúng tôi cũng không thành, vì thầy bận luôn tay. "Các cậu thông cảm, thầy bận quá. Để thầy cho số người khác mà phỏng vấn" - vừa nói với chúng tôi, thầy Đ. vừa chào khách qua lại.
Khách lại đến và thầy lại bận. Tay thầy lượn từng vòng trên trang giấy khổ lớn, miệng thầy thao thao bất tuyệt. Tôi và cậu bạn cùng thống nhất quan điểm, bán hàng cũng cần phải có duyên và khéo ăn nói. Các hàng xung quanh chẳng có ai, trong khi quán của thầy xúm năm tụm ba người mua chữ. Lần này cô gái trẻ được thầy "khuyến mại", 2 bức là 600.000 đồng. Tôi thoáng nhìn thấy vẻ bối rối trên khuôn mặt xinh xắn của cô gái. Cậu bạn rỉ tai: "Làm ăn như thế này, dù một năm diễn ra một lần cũng kiếm khá đấy chứ!".
Người xin chữ ngồi đợi đến lượt mình.
Theo quan sát của chúng tôi, đồ nghề của thầy không có gì nhiều. Một tờ giấy điều đỏ (mà theo quảng cáo của thầy Đ. là rất tốt) được dán bằng băng dính trên một khung bằng gỗ; hai chiếc bút lông một to, một nhỏ và một bát mực tàu. Người xin chữ đa phần sính chữ Hán, nhưng đáng buồn là không mấy người biết chữ Nho nên cũng thật khó để đánh giá là xấu hay đẹp, là đúng hay sai. Thôi thì lại phải trăm sự nhờ thầy nên từng bức được thầy chăm chút rất cẩn thận. Như thầy Đ. chúng tôi đợi phỏng vấn đây, trung bình phải 10 phút mới viết được một bức. Vì thầy còn phải tô tô điểm điểm, rồi viết phần dịch tiếng Việt, có bức viết xong rồi lại phải dỡ ra viết thêm vì trước đó viết thiếu nét. Thầy "vất vả" là thế nên dù có bị "chém" tơi bời nhưng không người đến xin chữ nào kêu ca là đắt.
Như chúng tôi thấy, giá mỗi bức tranh chữ là do thầy cân nhắc, định lượng và phát ra. Nếu thấy "khách sộp" đến xin chữ thì các thầy tha hồ "hét" giá. Người xin chữ là người có tiền, vả lại đầu năm, ai lại kì kèo nên các thầy thoải mái "chém" vô tội vạ. Đủng đỉnh qua một vài hàng, chúng tôi phát hiện ra, các thầy đồ "cho chữ" đều nhìn người mà phát giá chứ không thống nhất hay quy định giá chung/bức viết.
Trăm người bán, vạn người mua
Mấy năm trở lại đây góc phố nhỏ này trở thành điểm ngưng đọng vẻ đẹp tết xưa của dân tộc, nó như lắng lại hương vị từ ngàn xưa và trở thành một biểu tượng tết rất độc đáo của Hà Nội. Người dân thủ đô cũng như ở các tỉnh lân cận mỗi khi tết đến, xuân về lại tranh thủ ghé qua con phố quen thuộc để xin chữ về treo nhà hoặc tặng bạn bè, người thân. Lâu dần thói quen này trở thành một tục lệ đẹp của những người dân sống trong thời hiện đại. Thế nhưng, thời buổi kinh tế thị trường đã biến những hoạt động đầy ý nghĩa này thành một hoạt động thương mại mà người thực hiện nó đạt đến "kỹ nghệ" kiếm tiền.
Anh Nguyễn Trung Sơn (32 tuổi, ở quận Ba Đình, Hà Nội), một khách du xuân cho biết: "Bắt đầu từ 28 tháng Chạp, người đến đây thưởng lãm, mua tranh đông dần lên. Cảnh người mua chữ, bán chữ thật tấp nập, đông vui. Người ta xúm xụm lại quanh một quầy hàng xem ông đồ viết chữ, rồi bình phẩm, đánh giá, ca tụng. Nhìn vẻ ngoài có vẻ yên bình nhưng nếu đi dọc khu phố quan sát, không khí thời kinh tế mở cửa lúc nào cũng tràn ngập. Ông đồ cũng như người bán hàng, cũng chào mời như ai, cũng "hét" giá như thường. Chứng kiến, chúng tôi chỉ chưa thấy những lời mặc cả, đôi co thái quá của người "cho" và "xin" chữ mà thôi".
Bản thân tôi và cậu bạn, vì buổi phỏng vấn không thành nên lang thang đi xem chữ và cũng tiện thể khảo giá. Đi trước mặt chúng tôi là hai khách du lịch nước ngoài, họ vừa đi ngắm cảnh, vừa chụp ảnh. Chợt thấy một "ông đồ trẻ" áo the, khăn xếp cất lời mời bằng tiếng anh nghe khá ngộ. Khách du lịch mỉm cười lịch sự, từ chối mặc những lời mời chào rất thiết tha của vị thầy kia. Chúng tôi chợt nghĩ, ý nghĩa ban đầu của việc cho chữ liệu có còn không? Hay đây chỉ là một hình thức kinh doanh mới của "dân buôn chữ"?
Giá một bức tranh chữ không cố định. Nó dao động từ 150.000 đồng/bức lên tới 500.000 đồng/bức. Khách hàng có thể xin ông đồ tư vấn để cho chữ, cũng có thể yêu cầu ông đồ viết chữ gì mình thích. Có những người còn viết cả câu đối bằng tiếng Việt đến nhờ ông đồ dịch ra tiếng Hán và viết lên đó. Thông thường, ông đồ già viết thư pháp chữ Hán, còn "ông đồ trẻ" viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ. Tuy nhiên, chữ Hán vẫn được người xin chữ ưa chuộng hơn bởi tính cổ truyền và sang trọng của nó.
Hiện nay, người chơi chữ đa phần chạy theo trào lưu mà không mấy người để ý đến ý nghĩa đích thực của việc xin chữ đầu năm. Người cho chữ cũng không còn mấy người giữ được cái tâm của ông đồ Nho ngày nào. Người cho chữ thì biến nó thành một nghề kiếm sống, người đi xin chữ thì quan niệm đây là một thú chơi theo mốt. Thành thử người xin và người cho chữ giống hệt người mua kẻ bán ngoài chợ. Cảnh "tiền trao cháo múc" diễn ra ở "phố ông đồ" khiến không ít những thầy đồ chân chính buồn lòng. Cụ đồ Nguyễn Hữu Đưởng (80 tuổi, Mai Dịch, Hà Nội) chia sẻ: "Ngày nay, việc cho chữ đã bị thương mại hóa một cách mạnh mẽ, làm mai một ý nghĩa cao quý và thiêng liêng của tục này. Ý nghĩa của việc cho chữ nằm ở chữ "duyên". Bởi lẽ, người thầy cho chữ và người xin chữ đều phải có tâm, Tâm và chữ tương thông thì ý nghĩa của chữ mới hoàn chỉnh. Hiện nay, tục cho chữ lại nằm ở việc "tiền vào - chữ ra" nên đã đánh mất ý nghĩa ban đầu. Mối quan hệ ông đồ và người xin chữ trở thành người bán - kẻ mua".
Tất nhiên trong "phố ông đồ" này, không phải tất cả đều là những người "buôn chữ". Ở đó, vẫn còn những thầy đồ sống vì chữ tâm và chơi chữ vì đam mê. Bạn Nguyễn Thành Nam (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) vui vẻ cho biết: "Trong khi giá mỗi bức tranh chữ từ 200.000 đến 300.000 đồng/bức thì em xin chữ chỉ mất 80.000 đồng/bức. Tuy nhiên trong cả trăm gian hàng, may mắn lắm mới gặp được một gian hàng "giá mềm" như thế. Các gian hàng khác, giá thấp nhất cũng phải 150.000 đồng/bức".
Người cho chữ phải có cái tâm và cái tầm Anh Lê Xuân Thắng (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: "Theo tục xin chữ ngày xưa, khi viết chữ xong, người xin chữ muốn thể hiện tâm ý thì tự nguyện biếu thầy một cái gì đó. Bây giờ, người xin chữ cũng nên như vậy. Vì những người đi xin chữ lấy may, ai cũng quý công sức các thầy đồ bỏ ra nên không mấy khi họ để thầy thiệt. Người cho chữ càng phải như vậy, nếu không có cái tâm và cái tầm thì không nên làm nghề cho chữ. Bởi nếu không, nó làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của tục lệ này". |
Phạm Thiệu