Kỳ nhân luyện võ bằng... tự đánh mình

Thứ 6, 28/12/2012 00:08

Là con trai của một trong những võ sư đầu tiên đưa môn võ Thiếu Lâm vào Việt Nam, thế nên để nêu gương, võ sư Nguyễn Hồng Quân lại càng phải cố gắng gấp bội các môn sinh khác của cha.

Nghe ông kể lại chuyện luyện võ hồi thơ ấu, người ta mới biết con đường đến danh hiệu cao thủ võ lâm vất vả như thế nào.

Võ sư Nguyễn Hồng Quân- Trưởng môn phái Thiếu Lâm tự Hà Nội

Tự biến mình thành... bao cát

Võ sư Quân kể: "Năm 6 tuổi tôi đã được theo cha luyện võ. Ngày ấy cuộc sống còn khó khăn, một buổi đi học, một buổi làm nghề mưu sinh, tối mới có thời gian tập luyện. Thời ấy, chính quyền cũ không cho dạy và học võ nên cha con tôi phải đợi đến khi hàng xóm ngủ say mới dám luyện. Lúc ấy vì nhỏ quá ham ngủ, nhiều khi đứng tấn còn ngủ gật ngã xước xác cả đầu. Nhà có 5 chị em nhưng có mỗi mình là con trai nên được mẹ cưng chiều, nhiều lần học lộn nhào, xoạc mà bị thương mẹ tôi xót con, không cho tập. Tuy nhiên, cha tôi quyết tâm cho tôi tập bằng được môn võ thuật này để sau này nối nghiệp cha".

Sinh năm 1963, là con trai duy nhất của sư ông Nguyễn Văn Tiến, một võ sư Thiếu Lâm nổi tiếng đất Hà Thành. Được biết, để luyện thành công môn võ này đã khó khăn nhưng để trở thành một võ sư Thiếu Lâm tự thì con đường tập luyện phải gian nan vất vả hơn nhiều.

Những ngày đầu võ sư Quân tập luyện, để luyện sức khỏe, mỗi buổi sáng sớm, ông thường phải chạy bộ hàng giờ đồng hồ ngoài đường phố. Để luyện quyền chân, ông thường buộc những viên đá nặng vào chân rồi chạy, nhảy. Võ sư Quân tâm sự: "Đây là một bài tập luyện đúng bài bản của Thiếu Lâm tự. Khi buộc đá vào chân di chuyển nghe vẻ rất nặng nề nhưng khi đã luyện thành thạo, tháo đá ra khỏi chân, tôi chạy mà cảm tưởng mình đang bay. Hơn nữa, cú đá cũng có sức nặng hơn nhiều".

Một cách tập luyện của võ sư Quân cũng khiến cho nhiều người ngạc nhiên. Ngày ấy, chưa có vật dụng để luyện tay, ngoài việc sử dụng cây làm bao cát, cha của võ sư Quân thường bắt ông tự đánh hai tay vào nhau hoặc tự đấm vào người. Nghe có vẻ lạ và "bất bình thường" nhưng đây là một phương pháp tập luyện được người học võ cho là "nhất cử lưỡng tiện".

"Khi tự đấm vào người, mình vừa luyện được quyền tay vừa rèn luyện khả năng chịu đựng. Lúc đầu tập luyện còn cảm thấy đau chứ một thời gian sau khi đã quen rồi thì không thấy hề hấn gì. Đến bây giờ đi dạy võ, tôi thường đứng yên cho đệ tử đấm đá vào người thoải mái", võ sư Quân nói.

Với người học võ, việc luyện tấn là đặc biệt quan trọng. Đây cũng chính là bài học đầu tiên mà người học võ ái ngại nhất.

Ngày ấy, việc học võ được thực hiện vào ban đêm. Để tránh phát ra tiếng động, cứ tầm 11 -12h đêm, hai cha con võ sư Quân thường đốt đèn ra cánh đồng gần nhà luyện võ. Chính vì thế, những năm đó, ở khu vực võ sư Quân sinh sống có chuyện, dân làng kháo nhau về việc có ma ngoài đốt đuốc ở cánh đồng. Ban đêm không ai dám bén mảng đi qua khu vực đó.

Võ sư Quân cho biết, để luyện cho cơ thể chống chọi được với sự khắc nghiệt của thời tiết, giữa trưa mùa hè bị bắt ra "phơi" nắng hay buổi tối mùa đông cởi trần đứng tấn hoặc nhảy xuống ao hồ ngâm mình là chuyện hết sức bình thường.

Đốt dây cao su làm đèn dạy võ

Tính đến thời điểm này, võ sư Quân đã hơn nửa đời người dạy võ. Vị võ sư Thiếu Lâm này cũng không thể nhớ bao nhiêu lứa học trò đã qua tay mình. Năm 1985, ông bắt đầu công việc dạy võ Thiếu Lâm. Năm ấy, vẫn chưa có điện nên hàng ngày, mỗi học trò đến lớp đều phải mang theo một chiếc dây cao su để đốt lấy ánh sáng tập võ.

Võ sư Quân đang biểu diễn

Thầy trò cùng nhau tập luyện trong thứ ánh sáng nhạt nhạt của "ngọn đuốc" từ những chiếc dây cao su mùi khét lẹt. Những ánh lửa ấy có thể bị gió thổi tắt nhưng ánh lửa trong trái tim, ánh lửa của tinh thần thượng võ thì không có gì dập tắt được, nó cháy mãi trong ông và những đệ tử đang theo học môn võ Phật chân truyền.

Kế thừa truyền thống môn phái Thiếu Lâm của người cha đã quá cố, võ sư Nguyễn Hồng Quân đã duy trì và phát triển môn phái. Năm 1988, đánh dấu bước tiến trong cuộc đời võ thuật khi ông được Liên đoàn Võ Hà Nội công nhận đẳng cấp võ sư. Võ sư Quân đã đào tạo được nhiều vận động viên, huấn luyện viên có thành tích cao.

Gần 30 năm qua môn phái Thiếu Lâm tự đã tham gia với Hội võ thuật Hà Nội trong những hội diễn và đạt được nhiều thành tích cao. Kể từ năm 1995 đến 2000, môn phái Thiếu Lâm do võ sư Quân làm huấn luyện viên đã đạt được nhiều huy chương trong các hội thi võ cổ truyền trên toàn quốc.

Hiện nhiều học trò của võ sư Quân đã mở lò luyện võ Thiếu Lâm tự tại các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương và Hà Nội. Được biết những năm đầu mở lò luyện võ ở Hải Phòng, vùng đất mà chưa có môn phái nào có thể trụ được lâu dài, có rất nhiều môn phái khác đến thách đấu nhưng ông đều khéo từ chối.

Vì đối với vị võ sư này, học võ không phải là để đánh nhau, không phải để phân tài cao thấp. ông tâm niệm rằng, học võ để rèn luyện sức khỏe và bảo vệ chân lý. Hơn nữa, môn phái mà ông đang theo học là Thiếu Lâm - võ nhà Phật nên tránh việc động thủ. Võ sư Hoài nói vui: "Nếu động thủ mình bại thì mình đi viện, mà mình thắng thì mình đi tù. Tốt nhất là dĩ hòa vi quý". Chính vì sự điềm đạm của ông khiến cho nhiều trưởng môn của các môn phái khác nể trọng.

V.C

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.